Ngành an ninh mạng sẽ “làm không hết việc”

14/02/2022, 10:26

Chuyển đổi số mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực, cùng với Covid-19 lan rộng là tác nhân khiến nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Đơn vị: Ngàn tỷ đồng. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông Đồ họa: Đan Nguyễn

Tăng trưởng mạnh

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu toàn ngành an ninh mạng năm 2021 đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với năm 2020; lợi nhuận đạt 314 tỷ đồng, cao hơn so với mức 204 tỷ đồng năm 2020.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2021, an toàn thông tin Việt Nam đã có bước tiến mới, có sự thay đổi lớn. Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng đạt 95,5% về chủng loại. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt từ 25 đến 30%/năm. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai và duy trì mô hình 4 lớp, Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC), kết nối với Hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Còn theo Công ty An ninh mạng Viettel, các ngành tài chính và ngân hàng chiếm phần lớn tỷ trọng nhu cầu về an toàn thông tin tại thị trường Việt Nam. Trong đó đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và các công ty chứng khoán ghi nhận nhu cầu đầu tư và mức độ trưởng thành về an toàn thông tin cao nhất trong các ngành.

“Ngân sách dành cho an toàn thông tin của nhóm ngân hàng khoảng 10-15% tổng ngân sách công nghệ thông tin. Tình hình Covid-19 căng thẳng đi kèm các vụ tấn công an ninh mạng tăng nhanh vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số và an ninh mạng. Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi nâng cao hơn nữa bảo vệ trước diễn biến an toàn thông tin phức tạp. Các hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tài chính ngày càng tuân thủ các yêu cầu về an toàn thông tin. Đặc biệt đòi hỏi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của bên thứ ba đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa các hãng nội địa và nước ngoài ngày càng gắt gao hơn trong nhóm ngành này”, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel cho biết.

Song, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin được cấp phép mới năm 2021 còn hạn chế do việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng cho thị trường cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đồng thời, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên cần phải quản lý tốt việc cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ có chính sách và biện pháp tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển hoàn thiện các chủng loại sản phẩm, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia thị trường an toàn thông tin mạng. 

Cơ hội lớn

Chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân, vì vậy thị trường vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng phát triển.

 “Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất vẫn là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không là phụ thuộc vào các nền tảng số Việt Nam có độ an toàn cao, phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sứ mệnh của ngành an toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Muốn làm tốt việc này thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh. 

Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành cường quốc an toàn an ninh mạng, tạo niềm tin số, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu khu vực ASEAN về an toàn thông tin mạng, tỷ lệ chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đạt 100%. Tỷ lệ doanh thu sản xuất/nhập khẩu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt trên 70%. Doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam đạt quy mô trên 500 triệu USD vào năm 2025. Thị phần trong nước đạt trên 50%. Đặc biệt, phấn đấu đạt mục tiêu 100% thiết bị đầu cuối của cơ quan quản lý nhà nước được cài đặt giải pháp bảo vệ và 100% hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp độ 3, 4, 5 được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ vào năm 2025.

Đánh giá về tiềm năng thị trường trong năm 2022, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel cho biết, với tình hình diễn biến tấn công an ninh mạng ngày càng nhiều, không chỉ dừng lại ở các ngân hàng, công ty tài chính, cơ quan nhà nước, còn mở rộng thêm các ngành khác như báo chí, năng lượng và khai khoáng. Điều này cũng cho thấy những dấu hiệu mở rộng nhu cầu an toàn thông tin trong nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trọng yếu trong năm 2022. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp an ninh mạng của Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Lê Thành, Giám đốc An ninh mạng VNG, năm 2022, một số xu hướng công nghệ được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (DA) và Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ Metaverse (thực tế ảo VR, AR) và Blockchain. Bên cạnh những công nghệ nêu trên, chuyển đổi số, làm việc từ xa khiến cho tỷ lệ tội phạm mạng và nguy cơ bị tấn công bảo mật gia tăng rất lớn theo cấp số nhân, bởi thế an toàn thông tin tiếp tục là xu hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.

Có thể thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số nước rút và an toàn thông tin sẽ được chú trọng đầu tư lớn. Cùng với đó, dịch bệnh diễn biến khó lường, các cuộc tấn công ngày càng nhiều và tinh vi đang khiến nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng gia tăng. Do vậy, ngành an ninh mạng Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mới

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO