Ngân hàng Thế giới: "Việt Nam có những lợi thế nhất định trong cuộc đua số toàn cầu"

26/08/2021, 10:35

Chiều ngày 24/8/2021, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức công bố trực tuyến báo cáo Điểm lại ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề “Việt Nam Số hóa – Con đường tới tương lai”. Tham dự có các chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, đại diện Bộ TT&TT. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại buổi lễ, nhận định về con đường số hoá của Việt Nam, chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho hay, Việt Nam có những lợi thế nhất định trong cuộc đua số toàn cầu, có vị thế tương đối tốt để đạt được tham vọng số mà Chính phủ đã đặt ra. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động của người dân ở mức cao và ngày càng nhiều người được kết nối Internet. Sự hiện diện của một số tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới tại Việt Nam như Samsung, Apple, Intel … là cơ hội lớn để lao động Việt Nam được nâng cao năng lực và kỹ năng số, tham gia vào nền kinh tế số đang phát triển tại Việt Nam. Kinh tế số chỉ phát triển khi an toàn an ninh mạng phát triển song hành. Việt Nam  đạt được thứ hạng tốt trong lĩnh vực đảm bảo an toàn an ninh mạng. Theo Chỉ số An ninh mạng toàn cầu, Việt Nam có mức độ bảo vệ khá tốt, với thứ hạng 25 trên 194 quốc  gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ tư trong số 11 quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)  và đứng thứ bảy trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh hoạ

Đại dịch Covid-19 thực sự là một cú huých, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam cả trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng gấp 10 lần,  từ 169 dịch vụ vào tháng 3/2020 lên trên 1.900 dịch vụ vào tháng 10/2020. Tính đến tháng 2 năm 2020, trên 2.000 dịch vụ đã được chuẩn hóa và tích hợp vào Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, từ cấp bằng lái xe cho đến đăng ký thuế và đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến lượng truy cập và giao dịch tăng 10 lần từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt CNTT&TT để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do covid-19. Khảo sát qua điện thoại gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh nhằm ứng phó với dịch COVID-19, từ 48% doanh nghiệp vào tháng 6/2020 lên 73% vào tháng 1/2021. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số như lắp đặt thiết bị và phần mềm cho hoạt động doanh nghiệp tăng hơn 4 lần từ 5% lên 21% trong cùng thời kỳ. 

Việt Nam đã sẵn sàng trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số?

Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, để đánh giá hiện nay Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua số toàn cầu, tiến tới thu hẹp khoảng cách ở những điểm còn yếu để chuyển đổi số nền kinh tế,  Ngân hàng Thế giới đã sử dụng Khung đánh giá Kết nối, Làm chủ, Đổi mới sáng tạo và Bảo vệ (CHIP) do chính Ngân hang phát triển. Khung đánh giá đưa ra góc nhìn rộng và liên kết về kinh tế số xoay quanh bốn trụ cột: Kết nối, Làm chủ, Đổi mới sáng tạo và Bảo vệ.   (Hình 2.2). Trụ cột thứ nhất nắm bắt sự phát triển của hạ tầng số hiện đại và mạng lưới thanh toán cần thiết để đảm bảo kết nối đáng tin cậy và nhanh giữa các người dùng, trong khi trụ cột thứ hai nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải khai thác làm chủ những kết nối này thông qua phát triển kỹ năng phù hợp cho lực lượng lao động và tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với nền kinh tế mới của Chính phủ. Trụ cột thứ ba là về những lợi ích mà công nghệ số đem lại. Những lợi ích này phụ thuộc vào năng lực áp dụng, thích ứng và đổi mới sáng tạo những công nghệ số mới của doanh nghiệp, hộ gia đình và Chính phủ. Trụ cột thứ tư nhấn mạnh yêu cầu cần có cơ chế bảo vệ chống lại việc vi phạm và lạm dụng an ninh trên không gian mạng.

Sử dụng khung đánh giá CHIP, có thể so sánh kết quả đạt được của Việt Nam với hai nhóm quốc gia. Nhóm thứ nhất bao gồm tám quốc gia tương đồng,  đây cũng là những quốc gia thu nhập trung bình và coi chuyển đổi số là trung tâm trong chiến lược phát triển: Colombia, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Mexico, Maroc, Nam Phi, Thái Lan và Tunisia. Nhóm thứ hai là bốn quốc gia đi trước, tiến bộ hơn về kinh tế và chuyển đổi số: Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Singapore. 

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đạt kết quả tốt về kết nối (Trụ cột 1), với thứ hạng cao về sử dụng điện thoại di động và có kết nối internet, mặc dù tốc độ kết nối vẫn chưa bằng các quốc gia đi trước. Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ số mới của doanh nghiệp và Chính phủ (Trụ cột 3). 

Đối với trụ cột 2 (Làm chủ), báo cáo của Ngân hàng Thế giới lưu ý, lực lượng lao động của Việt Nam còn thiếu những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ kinh tế số. Kỹ năng số của bộ phận dân số tham gia các hoạt động KTXH ở Việt Nam còn thấp. Chỉ có 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để duy trì và khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ cần trợ cấp nhiều hơn cho các hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Nâng cấp kỹ năng số bằng cách tăng cường giáo dục và đào tạo CNTT ở các cấp, đặc biệt thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề cũng là một giải pháp cần được lưu ý.

Đối với trụ cột đổi mới sáng tạo, đây chính là khả năng thích ứng, thích nghi với công nghệ. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam ở trụ cột này ở mức trung bình. Trong nền kinh tế số, để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc. Chu kỳ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ngắn, đồng nghĩa với việc công nghệ trong ngành này có thể được phát minh, thử nghiệm và ứng dụng nhanh hơn nhiều so với các ngành công nghệ khác. Cũng vì lẽ đó, CNTT&TT có thể trở nên lỗi thời nhanh chóng. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn đổi mới sang tạo trong môi trường cạnh tranh cũng như thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp start-up tham gia lĩnh vực công nghệ số, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO