Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng cho giáo viên

14/02/2023, 17:01

Sở GD&ĐT TPHCM vừa tổ chức tập huấn chuyên đề “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng” cho giáo viên trường THCS và THPT.

Ngày 14/2, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức tập huấn chuyên đề “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng” cho giáo viên trường THCS và THPT trên địa bàn.

Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều rủi ro nên cần cẩn trọng khi sử dụng.

Hiện nay một bộ phận giáo viên và học sinh chủ quan khi sử dụng các công cụ trực tuyến. Đơn cử, liên quan đến các ý kiến tranh luận phần mềm ChatGPT xấu hay tốt, câu trả lời phụ thuộc vào thái độ của người dùng. Người sử dụng nếu biết điều gì là của mình, điều gì không nên và có thái độ ứng xử hợp lý thì bất kỳ phần mềm hay công cụ hỗ trợ nào đều giúp ích cho người học.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, cố vấn cấp cao, ICDL Việt Nam, một kết quả nghiên cứu việc học sinh bị dẫn dụ về những quảng cáo, về những thông tin trên mạng cho thấy, các em từ cấp 2 trở lên dễ bị ảnh hưởng.

Để học sinh có kiến thức sử dụng internet an toàn, gia đình và nhà trường có vai trò rất lớn. Nhà trường cần tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về an toàn thông tin mạng, qua đó giúp các em tránh các rủi ro có thể gặp khi sử dụng mạng.

Bên cạnh đó, trường học cũng nên có những hội thảo dành cho phụ huynh nhằm tăng cường nhận thức về an toàn và bảo mật thông tin, các dấu hiệu nhận biết nguy cơ không an toàn trên mạng cũng như công cụ hỗ trợ, để phụ huynh đồng hành cùng con khi sử dụng internet.

“Riêng với học sinh, cần giáo dục các em về nguyên tắc khi sử dụng internet như không làm quen và trò chuyện với người lạ, không chia sẻ thông tin; hướng dẫn học sinh tối ưu công cụ tìm kiếm, bật chế độ tìm kiếm an toàn, khoá tìm kiếm an toàn”, ông Nam nhấn mạnh.

Toàn cảnh đợt tập huấn chuyên đề “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin mạng”.

Ông Nguyễn Đức Trung, chuyên gia phụ trách chương trình ICDL Digital Student chia sẻ, năm 2022, khoảng 72,1 triệu người Việt Nam dùng internet. Trong đó, tỉ lệ người sử dụng internet truy cập bằng điện thoại thông minh chiếm đến hơn 95%, cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Thời gian sử dụng internet hàng ngày của người Việt Nam hiện nay trung bình là 6 giờ 30 phút/ngày. Đặc biệt, thời gian sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam trung bình 2 giờ 28 phút/ngày.

Mục đích sử dụng internet là dùng để liên hệ kết nối với bạn bè người thân chiếm 71,4%; tìm kiếm thông tin là 69%; theo dõi tin tức và sự kiện là 68,4%; xem các đoạn video, chương trình truyền hình, phim ảnh là 59,6%; nghe nhạc là 53,5%; giáo dục và học tập là 46,4%,...

Cũng theo ông Trung, tại Việt Nam, khảo sát của Cục trẻ em (Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội) cho thấy trong quý 3 năm 2022 có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet. Trong đó, 87% trẻ em sử dụng hàng ngày với thời gian sử dụng từ 5-7 giờ/ngày.

Một trong những thực tế đáng báo động hiện nay là chỉ có 36% trẻ em, tức khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng, chủ yếu ở độ tuổi 16-17.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO