Năm 2022: Nhìn lại một năm "thảm khốc" nhất lịch sử với thị trường mã hóa

26/12/2022, 10:23

Phần lớn nhà đầu tư đều đồng tình với nhau rằng, năm 2022 là một trong những năm thảm khốc nhất lịch sử thị trường tiền mã hoá.

Năm 2022 là năm điển hình của thị trường gấu, vốn hoá toàn thị trường chia 3 xuống còn chưa đầy 1.000 tỷ USD, chỉ số Sợ hãi và tham lam rơi xuống mức “sợ hãi tột độ” khi hàng loạt tượng đài như Terra, Three Arrows Capital và FTX nối tiếp nhau sụp đổ. Phần lớn nhà đầu tư đều đồng tình với nhau rằng đây là một trong những năm thảm khốc nhất lịch sử thị trường tiền mã hoá.

Giữa rất nhiều khủng hoảng, năm 2022 cũng ghi nhận những bước phát triển tích cực như việc ngày càng nhiều quốc gia chính thức thừa nhận tiềm năng của tiền mã hoá trong bối cảnh xung đột và lạm phát tăng cao. 2022 cũng là năm chứng kiến cuộc chạy đua chưa từng có của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp tỷ đô và các các nhân nổi tiếng trong nỗ lực gia nhập và xác định chỗ đứng trong thị trường.

Cùng với đó, đây cũng là giai đoạn ghi dấu các cuộc tranh luận xung quanh tính ứng dụng thực tế, những ưu thế chưa từng có, sự phát triển bùng nổ và những mối nguy hại tiềm ẩn của tiền mã hóa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Dưới đây là 10 sự kiện đáng nhớ trong năm 2022:

1. Canada đóng băng quỹ vận chuyển tự do

Sự kiện tiền mã hoá lớn đầu tiên của năm 2022 không diễn ra trên không gian blockchain mà là ở Ottawa, thủ đô của Canada khi hàng trăm tài xế xe tải từ nhiều vùng khác nhau tụ tập tại Parliament Hill để phản đối các quy định và hạn chế về COVID-19 vào ngày 22/1. 

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp, ngày 14/2, Thủ tướng Justin Trudeau đã yêu cầu các tổ chức tài chính Canada đóng băng tài khoản ngân hàng của những người biểu tình cũng như bất kỳ ai ủng hộ họ thông qua quyên góp. 

Trước tình trạng này, những người biểu tình đã chuyển sang sử dụng tiền mã hoá khiến chính quyền Canada phảiđưa ít nhất 34 địa chỉ ví tiền mã hóa được liên kết với "Đoàn xe tự do" này vào danh sách đen..

Cũng nhờ sự kiện, vai trò và vị thế của tiền mã hóa mà đại diện là Bitcoin được lan tỏa mạnh mẽ và đến gần hơn với cuộc sống thực tế.

2. Ukraine chấp nhận quyên góp bằng tiền mã hoá

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ hồi đầu năm 2022 đã tác động lớn đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu trong suốt cả năm qua, bao gồm cả hệ sinh thái tiền mã hoá.

Vài ngày sau tiếng súng khai chiến, tài khoản Twitter chính thức của chính phủ Ukraine đã đăng một bài đăng yêu cầu quyên góp Bitcoin và Ethereum kèm theo hai địa chỉ ví.

Trong vòng ba ngày, Ukraine đã huy động được hơn 30 triệu USD gồm BTC, ETH, DOT và các tài sản kỹ thuật số khác. Một người dùng thậm chí đã gửi CryptoPunk NFT.

Chiến dịch gây quỹ này là một trong những động thái lịch sử của một chính phủ công nhận vai trò của tiền mã hoá trong thời kỳ khủng hoảng.

Tiền mã hoá cũng là tâm điểm chú ý trong cuộc chiến này do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nhiều sàn giao dịch lớn như Kraken, Binance và Coinbase phải đối mặt với những lời kêu gọi chặn công dân Nga sau các lệnh trừng phạt toàn cầu.

Nam diễn viên truyền hình nổi tiểng Chris Williams đã nhận định, "yêu cầu quyên góp của Ukraine là lần đầu tiên một chính phủ công nhận vai trò của tiền mã hoá, đây có thể là tiền lệ cho nhiều quốc gia khác chấp nhận tiền mã hoá trong tương lai".

3. Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp quy định tiền mã hoá

Đối mặt những khủng hoảng liên tục xảy ra trong năm 2022, các nhà chức trách trên toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ đã thúc đẩy trò vai trò quản lý của họ trong lĩnh vực tiền mã hoá lên một cấp độ mới. 

Tại Mỹ, cách tiếp cận của chính phủ vốn đã bị phân tán ngay cả trong thời kỳ bùng nổ nhất của ngành vào năm 2021, và không mấy cải thiện trong năm 2022. Thậm chí, các nhà lập pháp nước này còn không đạt được tiến bộ nào trong việc phân loại tài sản kỹ thuật số chứ chưa nói đến việc điều chỉnh chúng. 

Sau 13 năm với 3 chính quyền từ khi Bitcoin xuất hiện, ngày 9/3/2022 Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo hầu hết các cơ quan liên bang, bao gồm cả chính phủ, đưa ra kế hoạch toàn diện cho việc ban hành và thực thi các quy định về tiền mã hoá. 

Khác với sự lo sợ của cộng đồng về một biện pháp hà khắc, lệnh hành pháp được xem như một chỉ thị thúc đẩy nghiên cứu, nơi các cơ quan có thẩm quyền sẽ thiết lập những kế hoạch cụ thể đệ trình lên Nhà Trắng. 

Sự kiện này được xem là một bước tiến mới, cũng như là dấu hiệu cho thấy người đứng đầu một quốc gia thực sự đang quan tâm tới tiến trình phát triển của tiền mã hoá. 

4. Ronin Network bị đánh cắp hơn 600 triệu USD

Năm 2022, hệ sinh thái tiền mã hoá chứng kiến nhiều vụ tấn công gây thiệt hại hàng tỷ USD, nổi bật nhất là vụ tấn công nhằm vào Ronin Network – mạng blockchain của tựa game đình đám Axie Infinity gây thiệt hại hơn 600 triệu USD. 

Cụ thể, một nhóm tin tặc được cơ quan hành pháp Mỹ xác định là Nhóm Lazarus do nhà nước Triều Tiên hậu thuẫn, đã sử dụng email lừa đảo để có quyền truy cập vào 5/9 trình xác thực của cầu nối chuỗi Ronin vào ngày 29/3. Việc này cho phép chúng tấn công vào cầu nối với blockchain Ethereum, lấy đi 173.600 ETH và 25,5 triệu USDC. 

Chi tiết kỳ lạ là sau 6 ngày bị tấn công, tin tức về vụ việc mới được công bố. Trong gần một tuần, không một ai nhận ra số tiền đã bị rút cạn, điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý và sự chậm chạp của đội ngũ Sky Mavis, nhóm phát hành tựa game Axie Infinity.

Bên cạnh giả thiết về việc bị tấn công từ bên ngoài, tình trạng suy thoái trong nội bộ hệ sinh thái tiền mã hoá cũng đã đặt ra nhiều hoài nghi về việc liệu có tình trạng các nhóm phát triển dự án thiếu minh bạch trong vấn đề quản lý và tìm cách tháo chạy khỏi thị trường này hay đây thực sự đây là lỗ hổng công nghệ hiện chưa có giải pháp triệt để.

5. Yuga Labs phát hành NFT đất ảo lớn nhất lịch sử

Việc mua lại các bộ sưu tập CryptoPunks và Meebits của Larva Labs vào tháng 3 đã giúp Yuga trở thành công ty NFT hàng đầu thế giới. Việc này cũng giúp giá của toàn bộ câu lạc bộ du thuyền Bored Apes mà hãng này phát hành lập tức bay cao. 

Tận dụng sức nóng từ thị trường, Yuga Labs đã công bố Otherside – dự án Metaverse được đánh giá là đình đám nhất năm 2022 trên nền tảng BAYC.

Ra mắt đúng thời điểm nhu cầu sở hữu đất trên thế giới ảo tăng cao, Otherside đã tạo ra một cuộc chiến về phí đúc NFT, chỉ những người có đủ khả năng chi hàng nghìn USD tiền phí mới vượt qua, dẫn đến tắc nghẽn mạng blockchain Ethereum.

Chỉ trong ít ngày, Yuga đã kiếm được khoảng 310 triệu USD từ việc bán NFT đất ảo và trở thành đợt mở bán NFT lớn nhất lịch sử, đồng thời chứng minh tiềm năng vô cùng lớn của công nghệ này.

6. Terra sụp đổ

Vào thời kỳ đỉnh cao, Terra từng lọt top 10 thị trường về vốn hóa khi giá token quản trị LUNA đạt đỉnh 120 USD và sự phổ biến của đồng stablecoin thuật toán UST. 

Tuy nhiên, ngày 9/5 đồng UST đột nhiên mất peg, rơi về 0.98 USD. Sự việc này kéo dài đến ngày 10/5 trước khiUST rơi về tận 0.74 USD và sau đó là 0.3 USD dù liên tục được LUNA Foundation cố gắng giữ giá.

Về LUNA, ngày 9/5 đồng token này bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi từ việc mất peg của UST khi chia 2 từ đỉnh gần 120 USD hồi tháng 4 xuống còn khoảng 60 USD. Chưa dừng lại ở đó, LUNA không ngừng bị bán tháo giảm 99% sau đó ít ngày.

Mối quan hệ cung/cầu giữa LUNA và UST là nguyên tắc cơ bản để ổn định giá UST ở 1 USD. Đồng thời, vì tương quan mật thiết, nên mỗi biến động về giá của một trong hai đồng tiền số đều gây ảnh hưởng đến phần còn lại của hệ thống.

LUNA sụp đổ được xem là một trong những sự kiện chấn động thị trường. Vụ việc không chỉ khiến nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ USD mà còn làm niềm tin vào hệ sinh thái tiền mã hoá bị lung lay. Đây cũng là bài học lớn đối với những dự án muốn phát triển stablecoin thuật toán.

Terra được xem là thất bại lớn nhất của tài chính phi tập trung (DeFi) và hệ sinh thái tiền mã hoá vào thời điểm đó.

7. Các tổ chức cho vay tiền mã hoá rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản

Tác động từ vụ sụp đổ Terra không dừng lại ở sự sụp đổ của LUNA mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Hàng loạt tổ chức lớn trong ngành khác như Celsius, Three Arrows Capital, Genesis Trading,…đã bị khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. 

Tối ngày 12/6, tổ chức cho vay tiền mã hoá lớn nhất thế giới Celcius thông báo họ sẽ tạm dừng việc rút tiền vô thời hạn do điều kiện khắc nghiệt của thị trường. Token gốc của Celcius $CEL giảm 60% giá trị sau thông báo.

Nền tảng vay và cho vay này cung cấp lãi suất 18% mỗi năm tùy thuộc vào thời gian và loại token mà người dùng muốn. Họ từng nắm giữ hơn 12 tỷ USD tài sản của khách hàng với hơn 1,7 triệu người dùng (số liệu được thống kê bởi Financial Times).

Một tháng sau thông báo ngưng rút tiền, Celcius chính thức nộp đơn phá sản tại Mỹ theo Chương 11.

Hiệu ứng lan đến quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC). Tổ chức này đệ đơn phá sản tại tòa án liên bang Manhattan (Mỹ) vào ngày 5/7. Trước đó, tòa án tại Quần đảo Virgin (Anh) ra lệnh thanh lý tài sản khi quỹ này không còn khả năng thanh toán nợ. Những tổ chức liên quan như Babel Finance, Voyager Digital và BlockFi cũng bị ảnh hưởng bởi sự lây lan. Các cuộc khủng hoảng thanh khoản như một lời nhắc nhở về sự nguy hiểm của các tổ chức giao dịch tập trung, đặc biệt là những tổ chức trong thị trường tiền mã hoá.

8. Mỹ trừng phạt giao thức Tornado Cash

Tornado Cash là một giao thức phi tập trung bảo vệ quyền riêng tư giúp người dùng che giấu lịch sử giao dịch trên blockchain. Vào ngày 8/8, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) tuyên bố họ đã đưa giao thức này vào danh sách trừng phạt với lý do tội phạm mạng đã sử dụng Tornado Cash như một phương tiện để rửa tiền. 

Lệnh cấm gây phẫn nộ trong ngành công nghiệp tiền mã hoá. Tuy nhiên các công ty tiền mã hoá như Circle và Infura ngay lập tức tuân thủ các biện pháp trừng phạt bằng cách đưa vào danh sách đen các địa chỉ Ethereum đã tương tác với Tornado Cash. Một số giao thức DeFi khác cũng làm theo bằng cách chặn ví tiền mã hoá có liên quan đến giao thức này. 

Lệnh cấm Tornado Cash là chưa từng có trong lịch sử vì nó đánh dấu lần đầu tiên một cơ quan chính phủ xử phạt một mã nguồn mở thay vì một thực thể cụ thể, đồng thời làm gia tăng mối lo ngại về khả năng duy trì và chống kiểm duyệt của mạng Ethereum. 

Tuy nhiên cộng đồng tiền mã hoá đã thực hiện nhiều sáng kiến đáng khích lệ để chống lại quyết định này như vụ kiện của Coin Center chống lại OFAC. Kết quả của vụ kiện có thể có tác động rất lớn đến tương lai của tiền mã hoá khi nó sẽ quyết định liệu chính phủ Mỹ có quyền xử phạt các dự án phi tập trung khác hay không.

9. Ethereum hoàn thành "Hợp nhất"

Quá nhiều tin xấu xuất hiện trong năm 2022, nhưng Ethereum đã mang lại nhiều tích cực cho không gian tiền mã hoá khi sự kiện ‘Hợp nhất" từ Proof-of-Work (PoW) sang Proof-of-Stake (PoS) diễn ra đúng dự kiến vào ngày 15/9. Đây là bản nâng cấp được chờ đợi suốt thời gian dài của Ethereum sau nhiều lần trì hoãn.

Ngày 15/9, "Hợp nhất" Ethereum diễn ra thành công mà không có bất kỳ sự cố nào. Như nhiều người dự đoán, một nhánh Ethereum PoW đã thất bại, giá ETH không biến động theo chiều hướng tốt như kỳ vọng. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn được xem là bản cập nhật công nghệ lớn nhất trong hệ sinh thái tiền mã hoá kể từ khi Bitcoin ra đời, các nhà phát triển Ethereum được ca ngợi vì những đóng góp lớn.

Điều thú vị là báo chí chính thống đã chú ý đến hiệu quả carbon được cải thiện của Ethereum, nhưng các tác động thực sự của bản cập nhật chỉ rõ ràng trong những năm tới. Việc Hợp nhất cũng cải thiện đáng kể chính sách tiền tệ của Ethereum khi ETH nhanh chóng chuyển sang cơ chế giảm phát tạo, ra sự khích lệ cho cộng đồng nắm giữ ETH.

10. Hệ sinh thái FTX sụp đổ

Những ngày cuối của năm 2022, khi hàng triệu nhà đầu tư tiền mã hóa còn chưa kịp hồi phục sau quá nhiều khủng hoảng, sự kiện đế chế FTX sụp đổ như một nhát dao chí mạng vào nỗ lực phát triển của toàn ngành.

FTX, sàn giao dịch có trụ sở tại Bahamas được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới khi chi rất nhiều tiền cho việc quảng bá hình ảnh. FTX nhắm mục tiêu rõ ràng đến người tiêu dùng cá nhân tại Mỹ, chú trọng liên kết với ngành thể thao, đạt được các hợp đồng tài trợ với Tom Brady và Steph Curry,; ghi tên mình vào đấu trường của Miami Heat và tung ra quảng cáo tại Super Bowl. 

Khi nhiều tổ chức tiền mã hoá khác bắt đầu thất bại, FTX tiến hành cấp tín dụng và đầu tư khẩn cấp để ngăn chặn điều tồi tệ nhất.

Cựu CEO, nhà sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried đã đến thủ đô Washington DC để tham gia điều trần với các chính trị gia và cơ quan quản lý, đảm bảo với họ về độ tin cậy của FTX, cam kết hợp tác cấp cao giữa chính phủ và ngành công nghiệp tiền mã hoá để thiết lập các quy tắc và quy định hợp lý cho ngành. 

Sam từng xuất hiện trên các trang bìa tạp chí, tiếp đón các cựu nguyên thủ quốc gia tại các sự kiện của FTX và thực hiện các chương trình từ thiện hoành tráng, khẳng định mục tiêu cuối cùng là kiếm được nhiều tiền nhất có thể để quyên góp cho những mục đích nhân văn. 

Với vỏ bọc hoành tráng, khi FTX bắt đầu sụp đổ, nó như một quả bom giáng xuống hệ sinh thái tiền mã hoá. Sự sụp đổ của sàn giao dịch này đã làm giảm danh tiếng và uy tín của ngành. Các câu hỏi được đặt ra về việc liệu tiền mã hoá thực sự có một tương lai bền vững lâu dài hay không. 

Ngày 12/11, FTX nộp đơn xin phá sản, SBF từ chức CEO của FTX để nhường vị trí cho John J. Ray III, một người đã thành công trong việc giám sát các công ty làm ăn thua lỗ do phá sản. 

Ray viết rằng: "chưa bao giờ trong sự nghiệp, ông chứng kiến sự thất bại toàn diện trong việc kiểm soát doanh nghiệp và không có bất kì thông tin tài chính đáng tin cậy nào như đã xảy ra ở đây. Từ tính toàn vẹn của hệ thống bị xâm phạm và sự giám sát sai sót ở nước ngoài, đến việc tập trung quyền kiểm soát vào tay một nhóm nhỏ gồm các cá nhân thiếu kinh nghiệm, dễ dàng bị xâm phạm. Tình huống này là chưa từng có".

Trước khi năm 2022 chính thức được khép lại như một trang sử không vui của hệ sinh thái tiền mã hoá, nếu đứng ở góc nhìn tích cực, những nhà đầu tư, tổ chức, cộng đồng yêu mến tiền mã hóa vẫn tràn đầy niềm tin rằng những sự cố đã xảy ra là cần thiết để giúp ngành công nghệ non trẻ này thanh lọc các tổ chức yếu kém và phát triển bền vững trong tương lai.  

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO