Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller bày tỏ "rất quan ngại về các báo cáo Trung Quốc đã hạn chế một số ngành trong nước mua chip bán dẫn của Micron".
Ông Miller cho rằng "hành động này có vẻ không phù hợp với những khẳng định của Trung Quốc về việc mở cửa cho hoạt động kinh doanh và cam kết một khung quy định minh bạch".
Ông Miller cũng cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang tìm cách giải quyết các mối quan ngại với phía Trung Quốc.
Trước đó, ngày 21/5, Cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc (CAC) cho biết các sản phẩm của công ty sản xuất chip Micron không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng. Vì vậy, CAC yêu cầu các nhà điều hành "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" ngừng mua sản phẩm của Micron.
Theo đánh giá của CAC, các sản phẩm của Micron "tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề an ninh mạng tương đối nghiêm trọng, dẫn tới rủi ro bảo mật lớn đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc". Tuy nhiên, CAC không nêu cụ thể những rủi ro cũng như những sản phẩm của Micron chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong những tháng gần đây. Năm ngoái, Washington đã áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm này tại Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Về phần mình, công ty Micron bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với phía Trung Quốc nhằm khắc phục những vấn đề liên quan.
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm trên ít tác động trực tiếp đến Micron vì khách hàng chủ chốt của công ty này ở Trung Quốc không phải là các nhà điều hành cơ sở hạ tầng, mà là các công ty điện tử tiêu dùng, như điện thoại thông minh hay máy tính./.