Giá một số mặt hàng tăng
Tại Q.Gò Vấp - nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - trong ngày 31/5, lượng hàng về chợ Gò Vấp, Tân Sơn Nhất, Căn cứ 26A giảm mạnh, nhất là rau củ, thủy hải sản. Một số tiểu thương cho biết, mối lái không dám đến giao hàng vì sợ không quay về được, có mối báo vừa đến điểm chốt thì phải quay đầu xe, không qua được.
Sáng 31/5, tại nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị, lượng hàng thực phẩm như rau, củ và thịt khá hạn chế do tối trước đó, người mua quá đông, các điểm bán chưa kịp bổ sung nguồn hàng. Thêm vào đó, kênh bán hàng này bắt đầu giới hạn số lượng người vào mua khiến nhiều khách không đủ kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, đã chuyển sang mua tại các chợ. Một số sản phẩm bị “đứt hàng”, như cá điêu hồng. Tiểu thương không có hàng bán, phần lớn bán hàng tồn của hôm trước. Giá cá rô, cá chép, cá lóc, ếch tăng 5.000 đồng/kg, dao động từ 55.000-70.000 đồng/kg; giá các loại cá biển (nục, thu, ngừ) ổn định hơn, từ 120.000-230.000 đồng/kg.
Lượng hàng hóa về chợ ngày 1/6 ổn định hơn so với ngày 31/5, nhưng một số sạp vẫn tăng giá thực phẩm - Ảnh: N.Cẩm |
Đến ngày 1/6, lượng hàng về chợ nhiều nhưng giá vẫn không “hạ nhiệt”. Tại chợ Gò Vấp, giá các loại rau củ đều tăng ít nhất 5.000-10.000 đồng/kg; riêng giá thịt heo ổn định, hết hàng sớm. Cô Nhi - chủ sạp bán thịt heo tại chợ Gò Vấp - cho biết, lượng thịt heo về chợ ổn định, lượng khách đi chợ ít hơn, lượng thịt bán ra trở lại mức cũ, khoảng 70-80 kg/ngày. Giá các loại thịt ổn định, như đùi 120.000-130.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 170.000 đồng/kg, ba rọi thường 145.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg...
Khách chuyển sang mua online
Lượng khách vào các siêu thị, cửa hàng tại Q.Gò Vấp sáng 1/6 giảm hẳn. Tuy nhiên, ở khu vực giao hàng của các siêu thị, lượng hàng chờ giao tận nhà khá nhiều do khách đặt mua hàng qua điện thoại tăng cao. Các siêu thị đã phân luồng khách vào mua sắm, mỗi lượt từ 10-20 khách, khách hàng phải khai báo y tế trước khi vào cửa.
Phần lớn người tiêu dùng đã chuyển sang đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng (app) và các kênh Zalo, Facebook, siêu thị cũng giao hàng tận nơi. Theo đại diện Saigon Co.op, đơn hàng ở các kênh này tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Tuy nhiên, tổng doanh số bán ra tăng không đáng kể so với các tháng kinh doanh thông thường trước đó.
Những nơi bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau củ, hết hàng sớm hơn so với bình thường - Ảnh: N.Cẩm |
Ông Nguyễn Nhơn Quý - Trưởng phòng Truyền thông Aeon Việt Nam - cho biết, số đơn hàng qua các kênh như đi chợ hộ, mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử Aeonshop, ứng dụng Aeon Grabmart tăng mạnh, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Trong ngày 30/5, chỉ riêng qua app, số lượng đơn hàng, giá trị mua hàng tăng gần gấp đôi so với các ngày trước đó. Tính chung cả tháng Năm, số đơn hàng và giá trị mua hàng trung bình đều tăng cao so với tháng trước đó. Riêng đối với app Grabmart, lượng đơn hàng tăng gấp đôi, doanh thu tăng gấp ba.
“Chúng tôi làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng và cộng đồng trong tình hình dịch bệnh, đồng thời duy trì ổn định lượng hàng, giá cả để người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Siêu thị cũng cung cấp nhiều hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng để hạn chế tiếp xúc đông người mà khách vẫn mua được thực phẩm, hàng hóa cần thiết. Chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác để giao hàng nhanh trong ngày đối với một số nhóm sản phẩm thực phẩm thiết yếu” - ông Nguyễn Nhơn Quý cho hay.
Tháo gỡ ách tắc lưu thông
Trước tình trạng một số chợ tại Q.Gò Vấp thiếu hàng ở một số nhóm do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, từ ngày 1/6, ban quản lý các chợ ở Q.Gò Vấp cung cấp cho các trạm kiểm dịch danh sách những xe thường chở hàng về chợ, đồng thời cấp phù hiệu cho các xe này đi qua các trạm chốt, đưa hàng về chợ. Sở đã làm việc với các doanh nghiệp bình ổn thị trường và khởi động chương trình cung ứng hàng hóa trong tình hình dịch bệnh, tổ chức thêm các điểm bán hàng bình ổn giá. Nắm được vướng mắc của doanh nghiệp là ở khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, sở đã có phương án cùng Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường để xe thuận tiện lưu thông, không để xảy ra chuyện đứt gãy hàng hóa. Nguồn hàng dự trữ của các doanh nghiệp bình ổn thị trường dồi dào, nguyên liệu đầy đủ.
“Lượng hàng cung ứng cho thị trường bảo đảm đầy đủ; các đơn vị bán, tiểu thương phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không được lợi dụng dịch để tăng giá bất hợp lý. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng chỉ được cho khách vào tối đa 20 người/lượt, hết lượt này mới đến lượt khác. Bên trong siêu thị, cửa hàng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các khách” - ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Khách vào chợ phải đo thân nhiệt, sát khuẩn Sáng 1/6, các chợ, cửa hàng thực phẩm ở TPHCM vẫn khá đông khách; chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình), chợ Hòa Hưng (Q.10) vẫn chật kín khách. Ngoài quy định phải đeo khẩu trang các chợ bắt buộc khách đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Lượng hàng hóa, nhất là thịt, rau, củ tại chợ Bà Hoa và Hòa Hưng dồi dào nhưng giá một số thực phẩm tăng nhẹ. Một tiểu thương chợ Bà Hoa cho biết, giá thịt ba rọi và sườn non tăng thêm 20.000 đồng/kg, giá thịt nạc đùi tăng 10.000 đồng/kg, giá xương heo, móng heo tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Tại chợ Hòa Hưng, giá khổ qua và đậu que tăng thêm 10.000 đồng/kg, giá dưa leo, rau ăn lá, bầu bí tăng 5.000 đồng/kg. “Các đầu mối nói do mất mùa, sản lượng ít nên giá tăng chứ không phải do dịch” - một tiểu thương chợ Hòa Hưng cho biết. Thanh Hoa |
Nguyễn Cẩm