Một thập kỷ bê bối của Mark Zuckerberg

06/11/2021, 10:50

Mark Zuckerberg đã đưa Facebook trở thành nền tảng xã hội phổ biến nhất thế giới, nhưng đi kèm với đó là hàng loạt rắc rối.

Trong 10 năm qua, CEO Facebook, hiện là Meta, đã thực hiện nhiều bước đi đúng đắn cho công ty, từ IPO năm 2012 cho đến quyết định chi hàng tỷ USD để mua Instagram và WhatsApp.

Tuy nhiên, có những vấn đề mà Zuckerberg chưa thể giải quyết được nhiều năm qua: thông tin sai lệch, quyền riêng tư, kiểm duyệt nội dung, hành vi phản cạnh tranh, bảo mật và ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với người dùng toàn cầu.

Trang Facebook cá nhân của Zuckerberg bị xâm nhập vào năm 2013. Ảnh: Khalil Shreateh

Năm 2013, hacker mũ trắng Khalil Shreateh phát hiện lỗi bảo mật nghiêm trọng và báo cho Facebook, nhưng không nhận được phản hồi. Người này quyết định hack tài khoản của Zuckerberg để chứng minh lỗ hổng.

Có công tìm ra lỗi, Shreateh vẫn không được Facebook khen thưởng với lý do ông không thực hiện đúng quy trình báo lỗi. Tuy nhiên, giới bảo mật đánh giá cao phát hiện của Shreateh và cho rằng mạng xã hội đã hành xử "không đẹp".

Thậm chí, Marc Maiffret, CTO của Beyond Trust, đã gây quỹ 10.000 USD để tặng Shreateh. "Chính chúng ta làm nên Facebook chứ không phải chỉ có Mark Zuckerberg. Vì thế, chúng ta nên thưởng cho người giúp mạng xã hội này trở nên an toàn hơn", một người có tên Ha Lemon bình luận về chiến dịch.

Chỉ một năm sau, Zuckerberg tiếp tục đối mặt với hàng loạt chỉ trích liên quan tới bài kiểm tra tâm lý với 70.000 người tham gia. Theo Guardian, cuộc khảo sát, diễn ra từ năm 2012, được thực hiện trái phép khi Facebook cố tình loại bỏ một số từ nhất định để đánh giá phản ứng của người dùng với các bài đăng trên nền tảng.

COO Sheryl Sandberg sau đó giải thích: "Đây là một phần của việc nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm khác nhau, nhưng nó đã bị truyền đạt sai ý. Chúng tôi xin lỗi, nhưng chúng tôi không hề cố ý khiến các bạn thất vọng".

Năm 2016, Zuckerberg đối mặt với làn sóng giận dữ vì tin giả xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thống kê trên Buzzfeed cho thấy những câu chuyện sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội còn nhiều hơn tin tức từ các nguồn chính thống.

Bắt đầu từ đây, người dùng nhận ra Facebook, từ một nền tảng phổ biến trong giao tiếp và chia sẻ, đã biến thành nơi tăm tối, đầy rẫy những kẻ chuyên đi bóp méo thông tin. Trên đây, nội dung giật gân, nhận được nhiều tương tác, sẽ được ưu tiên hiển thị lên đầu News Feed của mỗi người dùng. "Theo cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ hơn là kết nối mọi người", Zuckerberg thừa nhận.

Khi những hậu quả về tin giả vẫn còn kéo dài, đến năm 2018, Zuckerberg lại phải đương đầu với bê bối Cambridge Analytica. Công ty phân tích dữ liệu này được phát hiện đã thu thập trái phép thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook để nhắm mục tiêu quảng cáo, tác động tới tâm lý của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Facebook đã được thông báo về vấn đề này nhưng không mạnh tay xử lý. Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018. Phong trào xóa Facebook với hashtag #deletefacebook nở rộ trên nhiều mạng xã hội.

2018 cũng được đánh giá là "năm đen tối nhất" của Facebook khi nền tảng này bị phát hiện được một số quốc gia lợi dụng cho các mục đích xấu. Một năm sau, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC đã phạt mạng xã hội này 5 tỷ USD vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty công nghệ.

Zuckerberg trong phiên điều trần năm 2019. Ảnh: AP

Tháng 10/2019, Facebook công bố kế hoạch tung ra một loại tiền điện tử có tên là Libra. Tuy nhiên, hành động này khiến Zuckerberg một lần nữa phải điều trần trước Hạ viện Mỹ liên quan đến các tác động tài chính và quy định về tiền điện tử. Đáp lại, CEO này cho biết sẽ cân nhắc từ bỏ dự án nếu các hiệp hội, cơ quan quản lý tiếp tục phản ứng theo cách mà công ty không cảm thấy thoải mái. Libra sau đó đổi tên thành Diem, nhưng ít được nhắc tới gần đây.

Cũng trong năm 2019, Zuckerberg tiếp tục đau đầu sau khi hơn 7.000 tài liệu, trong đó có 4.000 tài liệu nội bộ của Facebook được tiết lộ thông qua vụ kiện của một nhà phát triển ứng dụng. Chúng gồm các email, chat, ghi chú, bảng tính và slide trình bày lưu hành bên trong Facebook.

Tài liệu rò rỉ mô tả cách Faceook sử dụng dữ liệu người dùng để "mặc cả" với các nhà phát triển phần mềm, việc mạng xã hội hạn chế hoặc chấm dứt quyền truy cập dữ liệu của nhà phát triển, cũng như lên kế hoạch theo dõi vị trí của người dùng Android và xem xét tính phí các nhà phát triển khi họ truy cập vào dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, Zuckerberg chọn giải pháp im lặng trước vấn đề này.

Tháng 1/2020, Facebook thông báo sẽ không kiểm duyệt quảng cáo của các chính trị gia, cũng như cho phép họ xuất bản các bài đăng có thể chứa thông tin sai lệch trên nền tảng của mình. Điều này khiến giới chuyên gia và người dùng phản ứng. Cũng trong thời gian này, Zuckerberg cho biết sẽ không xóa bài đăng của Tổng thống Donald Trump dù chứa các thông tin gây kích động, vì công ty áp dụng chính sách miễn trừ các nhân vật đáng chú ý khỏi bộ quy tắc nội dung. Theo ông, mạng xã hội không nên can thiệp hay làm trọng tài phân biệt đúng sai đối với các nội dung về chính trị. Động thái này khiến hàng chục nhà quảng cáo lớn tẩy chay Facebook sau đó.

Tháng 7/2020, Mark Zuckerberg xuất hiện trong phiên điều trần về chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ, cùng với CEO của Amazon, Apple và Alphabet của Google. Nếu tính là một quốc gia, Facebook là nước đông dân nhất thế giới với 2,6 tỷ người dùng tính đến quý I/2020. Nhiều chính trị gia bày tỏ sự lo ngại khi Zuckerberg nắm trong tay quyền lực quá lớn và đề xuất chia tách mạng xã hội này để dễ quản lý hơn.

Tháng 9 cùng năm, Sophie Zhang, cựu nhân viên thuộc mảng nghiên cứu khoa học dữ liệu Facebook, tố công ty cũ không ngăn chặn được sự thao túng chính trị của các chính phủ nước ngoài. Một năm sau, bà tuyên bố sẽ làm chứng trước các nhà lập pháp về những gì mạng xã hội đã làm, thậm chí cho biết cảm thấy như "bàn tay dính máu" khi làm việc ở Facebook.

Frances Haugen trước tòa nhà Quốc hội Anh ngày 25/10. Ảnh: Reuters

Còn hiện nay, Mark Zuckerberg và Facebook đối mặt với vấn đề được đánh giá là "ác mộng tồi tệ nhất" trong lịch sử mạng xã hội này. Trước khi xin nghỉ việc vào tháng 5 năm nay, cựu quản lý Frances Haugen đã sao chép hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của Facebook, sau đó chia sẻ cho giới truyền thông và ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ.

Tài liệu cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới biết rõ những tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, sự tồn tại của các nhóm kích động bạo lực, hay cách những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch... Tuy nhiên, công ty vẫn chọn cách phớt lờ hoặc xử lý hời hợt vì ưu tiên lợi nhuận.

Trong bê bối mới, Facebook cố "dìm" khủng hoảng bằng cách chĩa mũi dùi vào cựu nhân viên, cố hạ uy tín của Haugen và tuyên bố những lời khai, báo cáo của bà về tài liệu nội bộ của Facebook đã bị bóp méo. Trong khi đó, Zuckerberg chỉ trích những gì Haugen nói trước Quốc hội đã tạo ra một "bức tranh sai lệch về công ty", khẳng định họ đang xây dựng trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tuổi trong khi vẫn giữ an toàn cho họ.

Bảo Lâm (theo Business Insider)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO