Mô hình Đại học điện tử đầu tiên ở Việt Nam

22/06/2021, 12:28

TP - Đại học Công nghiệp Hà Nội là đơn vị tiên phong xây dựng, hoàn thiện ứng dụng “đại học điện tử” trong quản trị, trong tương lai hướng tới xây dựng đại học thông minh.

Những viên gạch đầu tiên

Từ những năm 2000, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động giảng dạy và quản lý trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội đã được thực hiện. Đây là cơ sở để nhà trường thực hiện những bước chuyển mạnh mẽ, tiến tới hình thành hệ thống quản trị nhà trường theo mô hình “Đại học Điện tử - nền móng của Quản trị đại học 4.0”.

Hệ thống Đại học điện tử trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được xây dựng theo mô hình BPM (viết tắt của Business Process Management - Quản lý quá trình kinh doanh). Xét về mặt quản lý, BPM là cách tiếp cận có hệ thống nhằm giúp các tổ chức chuẩn hóa và tối ưu hóa các quy trình hoạt động với mục đích giảm chi phí, tăng chất lượng hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu cần thiết.

BPM là phương pháp quản lý dựa trên việc phân loại các hoạt động theo quá trình, nhận diện và xác định được mối liên hệ giữa các hoạt động, kiểm soát chi tiết việc thực hiện công việc thông qua xây dựng các lưu đồ quy trình và các điểm cần kiểm soát. Về mặt công nghệ, BPM là sự phối hợp chặt chẽ giữa CNTT và người dùng nhằm giải quyết quy trình và thông tin trong tổ chức.

Trên nền tảng đó, hệ thống CNTT của nhà trường đã được phân tích, thiết kế và xây dựng theo hướng toàn diện và đồng bộ. Tất cả các hoạt động chính trong quá trình tác nghiệp của các bộ phận, cá nhân trong nhà trường (từ cán bộ, lãnh đạo nhà trường đến sinh viên) đều được nhận diện, quy trình hóa làm cơ sở để thiết lập hệ thống CNTT quản lý và hỗ trợ tác nghiệp. Cơ sở dữ liệu được thiết lập, cập nhật và khai thác thống nhất theo thời gian thực. Các ứng dụng CNTT được xây dựng tuân thủ các chuẩn thống nhất thành từng mô đun với các chức năng đảm bảo bám sát nhằm hỗ trợ tác nghiệp và kiểm soát từng bước trong các quá trình.

Ðã đạt những thành tựu quan trọng

Hệ thống đại học điện tử áp dụng phương thức quản trị hiện đại với các giải pháp thông minh như: Thiết lập các hệ hỗ trợ ra quyết định nhằm giải quyết các bài toán khó trong đào tạo, xử lý yêu cầu của sinh viên; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn.

Trải qua 123 năm xây dựng và phát triển, Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng. Hiện nay, trường Đại học Công nghiệp đã đạt kiểm định chất lượng trên cả 2 cấp: Cấp trường và cấp quốc gia. Đặc biệt, ngày 14/5/2019, trường đã vinh dự nhận giải Nhì (không có giải Nhất) giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018 trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông với công trình “Thiết lập hệ thống đại học điện tử theo mô hình quản trị qui trình nghiệp vụ (Business Process Management) và xu hướng công nghệ SMAC (Social - Mobil - Analytics - Cloud)”. Công trình do NGND. PGS.TS. Trần Đức Quý, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì, được xây dựng và phát triển từ năm 2010 trên cơ sở thực tiễn hoạt động của nhà trường.

Sau 3 năm triển khai và ứng dụng vào thực tế, hệ thống đại học điện tử Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Về phát triển hệ thống, nhà trường đã xây dựng được 23 phân hệ, 517 quy trình tác nghiệp, 6.700 chức năng, 03 hệ hỗ trợ (DSS), 04 app di động, 05 ứng dụng thành phần, 95 báo cáo tổng hợp, 291 bản in từ hệ thống.

Trong quá trình vận hành, đã có 150 triệu lượt sử dụng, 106 nghìn lượt tải App, 344 dung lượng cơ sở dữ liệu hệ thống, 2,05 phút thời gian tương tác trung bình trên hệ thống, 17.000 lượng người dùng đồng thời cao nhất/giây.

Về vận hành các chức năng: Có trên 63 triệu lượt tra cứu, gần 6.000 ý kiến sinh viên được giải đáp, 25.000 yêu cầu được giải quyết trực tuyến, 42.000 sinh viên thanh toán qua ví điện tử.

Về hoạt động đào tạo: Công tác tuyển sinh với trên 7.300 thí sinh đăng ký trực tuyến, 39.000 lượt làm thủ tục trực tuyến, 36.000 thí sinh làm thủ tục nhập học; Phát triển 98 chương trình đào tạo, 646 khung chương trình, 7.300 học phần, gần 1.600 học phần theo CDIO, 4.500 chuẩn đầu ra; Tổ chức 106.400 lớp học phần, 3,5 triệu lượt đăng ký học tập, 79 học phần kết hợp; Công nhận kết quả đến 155.000 lượt xét học tiếp, 31 nghìn lượt xét tốt nghiệp, hơn 250.000 lượt SV đánh giá theo chuẩn đầu ra và 36 nghìn bằng, chứng chỉ được in và quản lý.

Về hoạt động khảo thí: Hơn 1,3 triệu bài thi được xử lý, tổ chức 143 nghìn phòng thi và 132 nghìn cán bộ coi/ chấm thi; Hoạt động khoa học công nghệ: gần 3.000 sản phẩm KHCN được quản lý trên hệ thống với 390 sản phẩm của SV; Hoạt động đảm bảo chất lượng: 05 chương trình đào tạo tự đánh giá trên hệ thống, 9.000 minh chứng phục vụ được số hóa; Hoạt động thanh tra: 3.800 lớp học được giám sát online; Hoạt động tài chính: Thực hiện trên 3,5 triệu giao dịch tài chính, hơn 89 nghìn hóa đơn điện tử; Hoạt động quản lý sinh viên: Quản lý 113 nghìn hồ sơ SV, thực hiện 16,5 triệu lượt SV, cựu SV trả lời khảo sát.

Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới quản trị đại học, phát triển đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường, nâng cao tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, trang bị kỹ năng, kiến thức, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không chỉ được ứng dụng trong nhà trường, hệ thống đại học điện tử được nhân rộng ra các đơn vị quản lý, đào tạo khác như tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường Đại học: Điện lực, Hải Phòng, Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Trong tương lai, trường tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống đại học điện tử vào năm 2021, hướng tới xây dựng, phát triển Đại học Công nghiệp Hà Nội theo mô hình đại học thông minh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO