Mặt trái của tiền mã hóa

12/01/2022, 10:21

Sự bùng nổ của đồng tiền mã hóa đã đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề đầu cơ, thao túng thị trường và rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Năm 2021, thị trường tiền mã hóa đạt tốc độ phát triển với nhiều cột mốc lịch sử, đặc biệt là khi nhiều tỷ phú công nghệ thừa nhận nắm giữ Bitcoin như Elon Musk, Jack Dorsey. Giá trị thị trường của tiền kỹ thuật số chạm mốc 3.000 tỷ USD. Chỉ trong vòng một năm, giá Bitcoin đã tăng hơn 130%, đối lập hoàn toàn so với mức tăng 4% của giá vàng.

Mặc dù dòng tiền đổ vào khiến Bitcoin tăng trưởng mạnh đến từ nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, TechCrunch cho rằng những tay chơi lớn vẫn là người hưởng lợi nhiều nhất từ đà phát triển. Việc ngày càng nhiều cá nhân siêu giàu và tổ chức lớn nắm giữ sẽ khiến giá Bitcoin bớt biến động, nhưng ngược lại khiến cho tính phi tập trung mất đi.

Theo Crunchbase, trong năm 2021, các nhà đầu tư mạo hiểm đã "rót" 10 tỷ USD vào các dự án tiền mã hóa. Ảnh: Reuters.

Với tuổi đời chỉ hơn một thập niên, thị trường tiền mã hóa là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư lớn nhưng mặt khác cũng mang đến nhiều nguy cơ cho các cá nhân nhỏ lẻ.

Người giàu thêm giàu

Một nghiên cứu của WisdomTree, quỹ giao dịch các mặt hàng tiền tệ, hàng hóa và các chứng khoán khác của Mỹ, 72% chuyên viên tư vấn tài chính khuyến khích khách hàng của mình đầu tư vào thị trường tiền số. Một nửa trong số đó cho rằng đồng tiền này sẽ giúp các nhà đầu tư đổi mới và đa dạng hóa nguồn tài chính.

Nhiều tỷ phú đã thay đổi thái độ về tiền mã hóa và không thể ngồi im trước nguồn lợi nhuận khổng lồ này. Ảnh: Coin Telegraph.

Các “tay to” công nghệ cũng không nằm ngoài cuộc đua như Paul Tudor, CEO của Twitter - Jack Dorsey, anh em nhà Winklevoss và Mike Novogratz. Thậm chí, những doanh nghiệp lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley - 2 ngân hàng đầu tư đa quốc gia lớn của Mỹ cũng bày tỏ hứng thú trước thị trường tiền ảo.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, sự biến động mạnh của thị trường sẽ dần biến mất, bởi Bitcoin sẽ chủ yếu thuộc về những tay chơi có nguồn tiền lớn. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải chịu rủi ro do sự thao túng của các “cá voi” và tổ chức tài chính lớn. Sự mất cân đối này cũng sẽ ảnh hưởng đến cán cân phân hóa giàu nghèo, dẫn đến bất bình đẳng kinh tế, trang TechCrunch nhận định.

Khó có thể coi là kênh tích sản an toàn

Tiền mã hóa ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, được kỳ vọng sẽ công cụ đắc lực chống lạm phát thay cho vàng như trước đây.

Tuy nhiên, lĩnh vực tiền kỹ thuật số biến động không ngừng trong những năm gần đây. Giá Bitcoin tuột dốc đến 80% trong tháng 12/2017, giảm mạnh 50-53% trong tháng 3/2020 và tháng 5/2021. Vì thế, chính những bấp bênh trong thị trường tiền mã hóa cũng ảnh hưởng ngược lại nền kinh tế thực.

Trên lý thuyết, tiền mã hóa được phát hành với nguồn cung hạn chế nhằm giảm thiểu tình trạng lạm phát, mất giá đồng tiền. Nhưng thực tế lại cho thấy những “cá voi” chiếm phần lớn và thu bộn tiền từ thị trường này. Do đó tiền mã hóa dễ dàng bị thao túng bởi các tay đầu cơ thay vì chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu.

TechCrunch cho rằng còn quá sớm để kết luận tiền kỹ thuật số là vũ khí thay thế vàng để chống lại lạm phát. Ảnh: Getty Images.

Theo trang Fortune, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) đã chỉ ra rằng chỉ có 10% nhà đầu tư nắm giữ 90% số Bitcoin đang lưu hành, trong đó 0,1% (khoảng 50 ví) kiểm soát 50% lượng Bitcoin trên toàn thế giới. “Dù thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong suốt cả thập kỷ nhưng Bitcoin hiện nay vẫn mới chỉ là một hệ sinh thái khép kín, bị chi phối bởi các nhà đầu tư lớn”, các chuyên gia kết luận.

Mặt khác, nhiều nước trên thế giới hiện vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng về tính hợp pháp của thị trường tiền mã hóa. Bitcoin nói riêng và các loại tiền điện tử nói chung ở một số quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị áp chế bởi chính phủ hoặc các tổ chức kinh tế. Tương lai của đồng tiền mã hóa, do đó, rất khó đoán định.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO