Mang văn hóa đọc đến với cộng đồng

22/04/2022, 09:13

Việc đọc sách giúp cho con người tiếp thu được những kiến thức vô giá từ kho tàng tri thức của nhân loại. Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đọc sách đã bị tác động và thay đổi so với trước, số người tìm đến sách giảm đi. Do vậy, việc phát triển văn hóa đọc trở thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng hình thành phong trào của các tầng lớp nhân dân là yêu cầu cần thiết.

Xe ôtô thư viện lưu động phục vụ học sinh

Phát triển văn hóa đọc

Thời gian qua, ngoài việc phục vụ đầy đủ các đầu sách với đa dạng thể loại, Thư viện tỉnh còn triển khai giới thiệu đến bạn đọc một loại hình mới, sách nói. Bên cạnh sách giấy, sách điện tử (e-book) đã dần quen thuộc thì sách nói được xem thể loại mới, đang được đông đảo bạn đọc lựa chọn. Theo đó, sách nói là loại sách đã được chuyển từ dạng văn bản sang dạng âm thanh, thông qua giọng đọc của con người. Theo Giám đốc Thư viện tỉnh An Giang Nguyễn Thị Thùy Trang, sách nói ra đời nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc, đặc biệt là người lớn tuổi và các em thiếu nhi. Tính đến hiện nay, bằng nguồn kinh phí của đơn vị, Thư viện tỉnh đã đầu tư 100 máy sách nói, sẵn sàng phục vụ bạn đọc.

Sách nói tại Thư viện tỉnh là một dạng máy nghe mi-ni có kèm thẻ nhớ, được ghi sẵn 99 tên sách với nhiều nội dung, chủ đề khác nhau, như: Văn học, lịch sử, dạy làm giàu, kỹ năng sống... Sách nói có danh sách kèm theo máy nên bạn đọc có thể sử dụng, chọn lựa chủ đề một cách dễ dàng và tiện lợi. Với thiết kế nhỏ, gọn, sách nói phù hợp với tất cả các đối tượng bạn đọc, vì có thể phục vụ mọi lúc, mọi nơi. Khi có nhu cầu, chỉ cần mở máy lên là có thể nghe được sách, lĩnh hội các nội dung trong lúc làm việc nhà, thư giãn, tập thể dục… mà không cần phải theo dõi, đọc từng trang sách.

Khi thông tin thư viện có phục vụ thể loại sách nói được giới thiệu với độc giả trên fanpage của Thư viện tỉnh, đã được đông đảo bạn đọc ủng hộ và đón nhận. Cũng vì mới triển khai, nên sách nói vẫn đang được thư viện truyền thông tiếp cận bạn đọc. “Hiện nay, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc tiếp cận loại hình sách nói, thư viện còn đang tổ chức khảo sát nhu cầu bạn đọc về thể loại, như: Văn học Việt Nam, thế giới, cho đến kỹ năng sống, truyện thiếu nhi… Khi nắm được nhu cầu độc giả, bộ phận kỹ thuật sẽ tìm, thu âm và lên danh sách để có thể phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc, được nghe những thể loại yêu thích một cách nhanh chóng” - bà Trang thông tin.

Bên cạnh sách nói, thời gian qua, Thư viện tỉnh còn đầu tư phát triển hệ thống e-book trên trang web của mình, với trên 2.000 đầu sách, đa dạng các thể loại, phục vụ miễn phí nhu cầu của độc giả. Đây đều là những đầu sách được thư viện mua bản quyền sử dụng có thời hạn từ nhà xuất bản, tạo điều kiện cho độc giả đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi. Với hình thức này, chỉ cần máy đọc sách, điện thoại, máy vi tính có kết nối internet là có thể đọc được những quyển sách yêu thích một cách thuận tiện nhất.

Thay đổi để thích ứng

Năm 2021, Thư viện tỉnh đã có những đổi mới thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh COVID-19, vừa nâng cao năng lực hoạt động của thư viện, vừa góp phần nâng cao dân trí, mang văn hóa đọc tiếp cận với cộng đồng. Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng, mà suốt thời gian qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động phục vụ bạn đọc từ xa. Cụ thể, thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức các cuộc thi theo chủ đề cho học sinh tham gia; các hoạt động tìm hiểu, giới thiệu sách trực tuyến. Bên cạnh đó, trên fanpage, kênh YouTube của Thư viện tỉnh tăng cường xây dựng những video giới thiệu sách mới, sách hay cho bạn đọc theo dõi.

Cùng với đó, còn triển khai thực hiện mô hình phục vụ ngoài thư viện bằng ôtô thư viện lưu động tại các trường học. Tại đây, ngoài phục vụ việc đọc sách, truy cập internet, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động tương tác với sách… Qua mô hình này, chỉ số phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng được nâng cao. Trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc không chỉ còn giới hạn của phương thức đọc sách in truyền thống, mà rất nhiều độc giả đã chuyển sang phương thức hiện đại hơn, như: Sách điện tử, sách nói. Nhiều độc giả, nhất là các bạn trẻ, đã sử dụng đọc sách trực tuyến để duy trì tình yêu với sách.

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, Thư viện tỉnh đã tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, với đa dạng hình thức tổ chức chương trình, từ trực tiếp cho bạn đọc tham gia: Gameshow “Sách - khởi nguồn tri thức”; thi xếp sách nghệ thuật với chủ để “Sách và văn hóa đọc Việt Nam”; các trò chơi vận động, như: “Ghế âm nhạc và sách”, truy tìm kho báo “Ý chính - ý phụ”… Bên cạnh đó, là cuộc thi trực tuyến “Truyền cảm hứng từ sách năm 2022” dành cho đối tượng là học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia với hình thức quay, biên tập video đọc một quyển sách bất kỳ…

Cùng với đó, Thư viện tỉnh còn xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức xe ôtô thư viện lưu động tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động từ xe ôtô thư viện lưu động sẽ lồng ghép tuyên truyền ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến với các em học sinh và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

ÁNH NGUYÊN

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO