Make in Viet Nam: Niềm cảm hứng cho chuyển đổi số

27/01/2023, 08:35

Khẩu hiệu “Make in Viet Nam” cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tự tin vươn ra biển lớn, tạo niềm cảm hứng cho công cuộc chuyển đổi số và nâng cao giá trị Việt Nam.

Khẩu hiệu “Make in Viet Nam” được đưa ra năm 2019 với mục tiêu cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp công nghệ số tự tin vươn ra biển lớn; tạo niềm cảm hứng cho công cuộc chuyển đổi số đi nhanh hơn và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua 4 năm, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu ước đạt được 148 tỷ USD và tổng số lượng doanh nghiệp công nghệ số đã là hơn 70.000..

Trách nhiệm và sứ mệnh lớn lao

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra như vũ bão tại Việt Nam, ở tất cả các lĩnh vực: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong guồng quay hối hả ấy, các doanh nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) được đặt vào vai trò trung tâm, được giao sứ mệnh đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển (trước năm 2045), Top 20 nền kinh tế thế giới (trước năm 2039). 

Ngay từ năm 2019, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức đã xác định rõ chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”. Lúc ấy, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ doanh nghiệp ICT phải đóng vai trò thúc đẩy nền công nghiệp công nghệ thông tin (nay là công nghệ số) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chương trình hành động và khẩu hiệu hành động “Make in Viet Nam” cũng được ra đời, trong đó, công nghiệp công nghệ số được xác định trở thành trụ cột của nền kinh tế. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bước lên “đứng mũi chịu sào”, nhận sứ mệnh dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Qua 4 năm triển khai, không chạy theo các khẩu hiệu sáo rỗng, “Make in Viet Nam” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ nội hàm khái niệm cho các sản phẩm công nghệ số phải hướng tới là: “Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. Từ nhận thức ấy, các doanh nghiệp số được Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ (từ chính sách tới truyền thông, từ ưu đãi thuế tới hỗ trợ đào tạo nhân lực, từ định hướng phát triển tới trao gửi sứ mệnh…). Make in Viet Nam đã truyền niềm cảm hứng vô tận cho công cuộc chuyển đổi số - quá trình không thể đảo ngược tại nước ta.

Trách nhiệm lớn lao, sứ mệnh nặng nề. Đúng như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2020: Không "Make in Viet Nam" thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không "Make in Viet Nam" thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng. Do đó, “Make in Viet Nam” đã không dừng lại ở khẩu hiệu mà thể hiện bằng chính số lượng doanh nghiệp số, sản phẩm/ứng dụng số Make in Viet Nam lần lượt ra đời.

“Make in Viet Nam” tạo ra năng lượng vô hạn

Nhìn lại 4 năm kể từ khi “Make in Viet Nam” ra đời, số lượng doanh nghiệp số Việt Nam đã tăng trưởng cả về lượng và chất; doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách; các sản phẩm "Make in Viet Nam" ngày càng có chỗ đứng trong nước, vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới.

Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 112,350 tỷ USD, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 54.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2018. Năm 2019, doanh thu công nghiệp công nghệ số đã cán mốc hơn 124 tỷ USD, với hơn 60.000 doanh nghiệp số. Bước sang năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020, bất chấp các ngành kinh tế khác gặp khó do Covid-19. Riêng năm 2022, doanh thu toàn ngành ICT ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tính đến tháng 12/2022 đạt trên 70.000. 

Có thể thấy rõ, sự tăng trưởng của ngành ICT đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế chung của đất nước, tạo xung lực cho nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái. 

Dây chuyền sản xuất tại Tổ hợp Công nghệ Công nghiệp Hoà Lạc của VNPT Technology. Ảnh: Nhật Minh

Nhấn mạnh vai trò của sứ mệnh “Make in Viet Nam” trong 4 năm qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: Từ khi phát động với khoảng 45.000 doanh nghiệp ICT ban đầu, đến nay, con số doanh nghiệp đã là trên 70.000. Đặc biệt, năm 2020, chỉ sau một năm phát động phong trào, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp số mới ra đời. Chính phong trào “Make in Viet Nam” đã tạo ra năng lượng vô hạn cho cộng đồng doanh nghiệp, truyền cảm hứng cho toàn xã hội.

Với tốc độ phát triển của ngành ICT nói chung, doanh nghiệp công nghệ số nói riêng, mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam theo Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 01/2020 của Thủ tướng Chính phủ đang dần trở thành hiện thực. “Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được giương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 hoàn toàn có thể đạt được trước năm 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tự tin nói.

Vì một Việt Nam hùng cường

Thực tế phong trào “Make in” (sản xuất trong nước) đã được nhiều nước đi trước Việt Nam triển khai thành công, trong đó có 2 đại cường châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. 

Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ khởi xướng chính sách “Make in India” với hy vọng biến nước này trở thành công xưởng thứ 2 của thế giới sau Trung Quốc. Ngay lập tức, chương trình “Make in India” đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI, trong đó có cả các nhà đầu tư đến từ đối thủ Trung Quốc (năm 2015, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ tăng gấp sáu lần so với năm 2014, với số tiền 870 triệu USD). Mục tiêu của Ấn Độ là tạo được 90 triệu việc làm (từ 2014-2025), biến nước này trở thành quốc gia công nghệ số với nền công nghiệp ICT phát triển cao.

Trước đó, từ thập niên 1980, Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng vươn lên trở thành công xưởng của thế giới ở nhiều lĩnh vực. Riêng lĩnh vực công nghệ số, từ thập niên 1990, nước này dồn lực mạnh mẽ cho 3 mảng: Công nghiệp công nghệ số, hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng. Dù nội hàm vẫn là sản xuất trong nước nhưng Trung Quốc không dùng khái niệm “Make in” mà chọn khái niệm “Made in”. Thậm chí, từ năm 2013, hàng hóa nước này xuất khẩu đều dùng song song 2 thương hiệu cho từng thị trường là: Made in China và Made in PRC (People’s Republic of China - Cộng hoà nhân dân Trung Hoa). 

Với Việt Nam, khái niệm “Make in Viet Nam” lần đầu được đưa ra tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất năm 2019 với chủ trương: “Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. Tuyên bố về Make in Viet Nam được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó đưa ra đã trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Để rồi qua 4 năm, khái niệm này đã trở thành khẩu hiệu quốc gia, định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.

Make in Viet Nam đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, trở thành nguồn cảm hứng cho mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng. Và trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, sứ mệnh trở thành một trụ cột gánh vác nền kinh tế đang được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông giao trực tiếp cho cộng đồng các doanh nghiệp số Việt Nam. 

Việt Hoàng

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO