Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi: Cần thiết kế mục riêng về kinh doanh trên mạng

04/01/2023, 10:42

Cần cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng sửa đổi cần thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng

Đó là một trong những nội dung văn bản góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam *VCCI) về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) của Bộ Công Thương.
Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, VCCI cho rằng đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, theo hướng cần bổ sung “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”.

Ngoài ra, cần bổ sung, đánh giá thực tế triển khai Luật từ năm 2010 đối với các đối tượng người tiêu dùng là tổ chức ở các khía cạnh: Đã có bao nhiêu vụ việc được giải quyết, lợi ích của người tiêu dùng là tổ chức bị thiệt hại là bao nhiêu, có đặc thù gì so với người tiêu dùng là cá nhân?

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về định nghĩa người tiêu dùng.

Về trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số (Điều 42 Dự thảo), VCCI cho rằng dự thảo đang giao quá nhiều nghĩa vụ cho các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số, vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức này, thậm chí có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân bán hàng.

“Cụ thể, khoản 3 Điều 42 Dự thảo quy định "tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Chương II, Điều 39, Điều 40 và Mục 2 Chương III của Luật này”. Trong khi đó, một số quy định trong số này không được thiết kế cho tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số” – VCCI nêu ý kiến.

Trên cơ sở đó, cần bỏ phạm vi áp dụng ở các chương, điều khoản không thuộc phạm vi nghĩa vụ của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số. Đồng thời, cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Theo VCCI, Điểm l khoản 3 Điều 42 Dự thảo quy định: “Kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đây là quy định mới về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Một số doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc ở một số điểm về tính hợp lý.

Về bảo mật thông tin, góp ý của VCCI cho rằng việc kết nối trực tuyến có thể tạo ra những lỗ hổng về bảo mật thông tin, dẫn đến có thêm rất nhiều cá nhân/tổ chức có khả năng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
Do đó, cần bổ sung đánh giá thực trạng trình độ kỹ thuật của các tổ chức này, khả năng bảo mật của hệ thống kỹ thuật giúp kết nối theo thời gian thực và những rủi ro tiềm ẩn…

Liên quan đến trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng (Điều 42 Dự thảo), theo VCCI, Dự thảo cần bổ sung trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc công bố công khai các tin cảnh báo, trong đó có thông tin “Danh sách các nền tảng số bị khiếu nại bởi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh tính chính xác” (Điểm b khoản 1 Điều 43).
Đây là quy định mới được suy đoán có mục đích cảnh báo cho người tiêu dùng, đồng thời răn đe các cá nhân tổ chức kinh doanh khác. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định này ở các điểm: Tính xác thực của thông tin ở giai đoạn chưa có quyết định xử phạt chính thức. Việc doanh nghiệp có khiếu nại không đồng nghĩa với có vi phạm. Có thể xảy ra trường hợp trong quá trình điều tra phát sinh tình tiết chứng minh doanh nghiệp không có lỗi hoặc chỉ có lỗi một phần. Lúc này, việc công bố có thể gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của nền tảng số bị khiếu nại.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO