Nghị định mới sẽ siết chặt quản lý đối với những hiện tượng livestream trên mạng xã hội
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng do Bộ TT&TT xây dựng và đang lấy ý kiến đóng góp sẽ có những quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động này.
Chấn chỉnh lợi dụng mạng xã hội để livestream
Theo Bộ TT&TT, sau khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên môi trường mạng ngày càng trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu, thói quen của người sử dụng. Ngày nay, việc sản xuất và phát hành nội dung không còn là vị trí độc tôn của các cơ quan báo chí mà đã chuyển dần sang chính người dùng trên các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram... Người người, nhà nhà lên mạng không chỉ để tìm kiếm thông tin mà còn để giải trí, học tập, sáng tạo, mua sắm, chơi game, nghe nhạc, xem phim, thương mại điện tử... Tuy nhiên, thực trạng nói trên đã bộc lộ những khoảng trống pháp lý cần được khỏa lấp, trong đó có việc nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm người khác cũng như thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật…
Không còn lạ với những màn livestream “bá đạo” của một số nhân vật với những nội dung vô bổ, nhố nhăng, phản cảm, thiếu tính giáo dục, ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Lâu ngày, những livestream thiếu kiểm soát trở thành “rác” trên mạng xã hội, dẫn đến sự đảo lộn các giá trị. Chuyên gia văn hóa, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, chứng kiến những cuộc tranh luận, cãi vã không có hồi kết trên mạng, bà đã mong mỏi sẽ sớm có những quy định pháp luật được ban hành để chấn chỉnh hiện tượng lệch chuẩn này. “Những quy định pháp lý trên không gian mạng hiện giờ cần thiết không kém những quy định ở ngoài đời thật. Chúng ta chứng kiến những vụ việc nhiều văn nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn thiếu chuẩn mực; rồi những bạn trẻ coi mạng xã hội như “chợ trời”, sử dụng nick ảo để thích gì nói nấy… Đó là rác văn hóa, cần phải nhặt sạch”, theo GS.TS Từ Thị Loan.
Đồng tình với việc siết chặt quản lý livestream trên mạng xã hội, các chuyên gia văn hóa cho rằng, một hành lang pháp lý chặt chẽ được ban hành tại thời điểm hiện nay là cần thiết, đặc biệt khi không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, trong khi rất nhiều cá nhân thiếu ý thức khi bước vào không gian này. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cảnh báo, ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội, trong đó có nội dung các livestream vô bổ, phản cảm đến trẻ em nói riêng và cả xã hội nói chung ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội cũng góp phần chi phối nhận thức, và từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Người sử dụng mạng xã hội thông thái sẽ tận dụng được lợi thế của công nghệ để phát triển năng lực bản thân, và ngược lại. Do chúng ta chưa thực sự hình thành văn hoá ứng xử trên mạng xã hội nên những hành động, việc làm, những tranh luận nên dừng ở mức độ như thế nào là vừa đủ vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Bởi thế, việc siết chặt quản lý bằng những quy định pháp lý là vô cùng cần thiết.
Ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), một số quan điểm cơ bản trong xây dựng Nghị định sửa đổi được nhấn mạnh là đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet, hạn chế thông tin tiêu cực; ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet...
Để cụ thể hóa những quan điểm này, dự thảo Nghị định đưa ra những quy định về cấp phép đối với mạng xã hội. Theo đó, các mạng xã hội trong nước mới thành lập, lượng người truy cập chưa đạt mức phải cấp phép thì chỉ cần thông báo, khi được cơ quan quản lý xác nhận đã thông báo thì bắt đầu được hoạt động theo quy định. Các mạng xã hội đã thông báo sẽ phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Sau khi thông báo, Bộ sẽ gắn công cụ đo để theo dõi lượng người truy cập thường xuyên của trang. “Khi mạng xã hội trong nước đạt đến mốc từ 10.000 người truy cập mỗi tháng (căn cứ theo kết quả đo của Bộ TT&TT công bố) thì phải thực hiện thủ tục cấp phép, vì lượng thành viên này đã bắt đầu có tác động lớn đối với xã hội…”, dự thảo nêu. Đồng thời, dự thảo cũng quy định chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không chỉ được xem tin, bài. Chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mạng xã hội mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức; cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream.
Trường hợp trên mạng xã hội đa dịch vụ có cung cấp dịch vụ khác thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: Tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành. Mạng xã hội đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ, nội dung chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động/tạm đình chỉ tên miền của toàn bộ nền tảng mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Dự thảo cũng bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội trong nước: Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24h) bị khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu; Phải có bộ lọc để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên mạng xã hội; không cho phép thành viên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động báo chí (theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Luật Báo chí).
Bổ sung quy định quản lý đối với chủ kênh, tài khoản trên các mạng xã hội, dự thảo nêu: Các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Các chủ kênh/ tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải trên kênh, tài khoản của mình (bao gồm cả nội dung bình luận của người sử dụng). Đồng thời, có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, thông tin ảnh hưởng đến trẻ em đăng tải trên kênh, tài khoản mạng xã hội của mình ngay khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc cơ quan quản lý. “Các mạng xã hội chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ TT&TT mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức…”, dự thảo Nghị định nêu.
Như vậy, với những quy định siết chặt, Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sau khi được ban hành sẽ góp phần chấn chỉnh hiện tượng livestream bát nháo, phản cảm như đã diễn ra trong thời gian qua.
BẢO NGÂN