Là một trong những địa phương được huyện Kỳ Anh chọn làm điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, xã Kỳ Phú tập trung nâng cao hiệu quả làm việc của bộ phận một cửa, thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo hướng rút ngắn tối đa thời gian quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của chính quyền xã.
Kỳ Phú là một trong những địa phương được huyện Kỳ Anh chọn làm điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Hiện nay, tại bộ phận giao dịch một cửa của xã Kỳ Phú, người dân được sử dụng máy tính kết nối mạng; khai thác thông tin trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của xã như: hệ thống gửi, nhận văn bản, chữ ký số, mã QR… Bên cạnh đó, người dân còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn đầy đủ về quy trình, thủ tục. Nhờ đó, các thủ tục được giải quyết nhanh chóng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú) chia sẻ: “Vừa qua, tôi đến bộ phận giao dịch một cửa UBND xã để làm xác nhận tình trạng hôn nhân. Với hệ thống hạ tầng, thiết bị đồng bộ và đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch chuyên nghiệp, nhiệt tình, sau khi nộp hồ sơ, tôi được trả kết quả ngay trong buổi, rút ngắn được rất nhiều thủ tục, thời gian so với trước đây”.
Ngoài được sử dụng máy tính để phục vụ quá trình làm thủ tục, chị Thảo (áo đen) còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn nhiệt tình.
Trong năm 2022, UBND xã Kỳ Phú tiếp nhận 1.795 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; trong đó có 1.630 hồ sơ được giải quyết trước hạn, 163 hồ sơ giải quyết đúng hạn và chỉ có 2 hồ sơ giải quyết quá hạn (đạt 99,8%).
Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú Nguyễn Kiên Quyết cho biết: “Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trong tâm hàng đầu trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu, được xã tập trung thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, việc triển khai thực hiện phần mềm điện tử một cửa cấp xã, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử vào giải quyết các TTHC; việc rút ngắn thời gian đi lại và chấn chỉnh thái độ giao tiếp trong thực hiện các giao dịch đã được Nhân dân đồng tình và đánh giá cao”.
Nhờ hệ thống truyền thanh, việc chuyển nhận, trao đổi thông tin giữa người dân, thôn và xã được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở xã Kỳ Phú, thôn Phú Minh được chọn làm điểm xây dựng thôn thông minh. Bước đầu, thôn đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh tại nhà văn hóa. Với hệ thống này, chỉ cần có một điện thoại thông minh kết nối mạng, trưởng thôn không cần đến nhà văn hóa để đọc, phát thông báo như trước, mà có thể ở bất cứ nơi đâu cũng dễ dàng thực hiện được. Hệ thống này cũng dễ dàng chuyển và tự động đọc văn bản bằng ngôn ngữ lập trình AI. Hệ thống được kết nối đồng bộ đến xã và đến tận mỗi người dân có sử dụng internet.
Ngoài ra, thôn cũng đã triển khai gắn camera giám sát, mã QR trên các trục đường, điểm công cộng, vùng sản xuất hữu cơ để quản lý trật tự an ninh, quy trình sản xuất, tạo điều kiện để mọi người dân có thể tham gia tố giác tội phạm hoặc kiến nghị các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội.
Cụm loa trung tâm - một bộ phận của hệ thống truyền thanh thông minh ở thôn Phú Minh vừa được lắp đặt và đi vào hoạt động.
Cũng tập trung thực hiện chuyển đổi số để đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Kỳ Châu đang triển khai mô hình “dịch vụ bưu chính công ích”. Mô hình này đang phát huy tác dụng thiết thực với việc bố trí máy tính kết nối internet để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, trên địa bàn xã có 8 điểm Internet wifi miễn phí tại các cơ quan, trường học, trạm y tế, hội quán các thôn được duy trì và hoạt động thường xuyên.
Xã Kỳ Châu có 2 thôn được chọn xây dựng khu dân cư thông minh là Bắc Châu và Thuận Châu. Theo đó, nhiều hoạt động của các thôn đã ứng dụng công nghệ số và kết nối thông tin trực tuyến với hệ thống của xã và người dân. Hiện, xã đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo mô hình này để từng bước nhân rộng trên địa bàn.
Hầu hết các cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh trên địa bàn xã Kỳ Châu đã sử dụng mã QR để đem lại sự thuận tiện trọng giao dịch.
Với sự chỉ đạo quyết liệt trên lĩnh vực chuyển đổi số, đến nay, toàn xã Kỳ Châu có 100% cán bộ thôn ứng dụng các nền tảng số qua phần mềm Zalo để thực hiện công tác truyền thông cho người dân và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, xã cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông và lấy ý kiến hài lòng của người dân về xây dựng NTM.
Hiện nay, tỷ lệ người dân xã Kỳ Châu xem truyền hình vệ tinh, cáp, truyền hình qua mạng Internet đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng chiếm tỷ lệ 52%. 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn khác của xã đã được cập nhật, quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử (voso, postmart, hatinhtrade.com.vn)...
Năm 2023, huyện Kỳ Anh tập trung cao cho thực hiện mục tiêu tổng quát “Phát triển chính quyền số, giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức đơn vị làm việc, hoạt động một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện”. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện đã đề ra 8 nhóm mục tiêu cụ thể và huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh ấn nút khởi động Ngày hội Chuyển đổi số tại xã Kỳ Châu.
Huyện đã thành lập và ra mắt 4 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã (Kỳ Châu, Kỳ Phú, Kỳ Đồng, Kỳ Trung) và 12 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn để hướng dẫn cho người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; đưa các thương hiệu, sản phẩm của xã mình lên sàn thương mại điện tử...
Trên lĩnh vực chính quyền số, 100% lãnh đạo huyện được cấp chữ ký số; 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) được tác nghiệp và ký số trên hệ thống; triển khai lưu trữ, quản lý hồ sơ công việc phát sinh trong năm dưới dạng hồ sơ điện tử.
100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được triển khai tích hợp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công của huyện. Hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được thực hiện qua bưu chính công ích cấp huyện đạt 100%. Toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP được lên các sàn thương mại điện tử...
Thực hiện chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản từ phong cách làm việc đến hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Với việc triển khai chuyển đổi toàn diện trên các lĩnh vực, bước đầu đã làm thay đổi căn bản từ phong cách làm việc đến hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, nhiều ứng dụng số đã phát huy tác dụng rõ rệt trong sản xuất và đời sống; nhận thức của của Nhân dân cũng được nâng lên, từ đó góp phần giúp chính quyền các cấp thực hiện công vụ đảm bảo, trôi chảy hơn.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung cao cho nội dung chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; hạt nhân là tăng cường các giải pháp để tuyên truyền và hướng dẫn Nhân dân sử dụng các ứng dụng thông minh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và kết nối với khẩu hiệu “Mỗi người dân Kỳ Anh là một công dân số".
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Dương Thị Vân Anh