Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác chuyển đổi số. Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, Kon Tum đã tận dụng tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút đầu tư vào tỉnh.
Kết quả chuyển đổi số ngày càng cải thiện rõ rệt
Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, Kế hoạch dài hạn và kế hoạch hằng năm để đảm bảo cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở pháp lý cho công tác chuyển đổi số. Điều này đã tạo động lực để các địa phương, cơ quan đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm các mục tiêu được giao tại chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kết quả chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum đã có sự cải thiện vượt bậc. Năm 2020, chỉ số chuyển đổi số của Kon Tum chỉ đạt 0,24 điểm, xếp thứ 58 trong cả nước và xếp thứ 5 khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, Kon Tum đã đạt 0,33 điểm về chuyển đổi số, xếp thứ 46 trong cả nước và xếp thứ 5 khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, bước sang năm 2022, Kon Tum đạt 0,54 điểm, vươn lên xếp thứ 45 trong cả nước và xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.
Kon Tum phấn đấu đến cuối năm 2023, các chỉ số về Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số của tỉnh đạt sẽ từ 0,7-0,8 điểm, và Kon Tum sẽ thuộc nhóm 30 tỉnh/thành trong cả nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số, xếp hạng cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Kon Tum đặt ra yêu cầu cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; Phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước; Phát triển kinh tế số, cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được Kon Tum đặt ra để đạt mục tiêu về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bao gồm hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tỉnh sẽ chủ động trong công tác hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số, tổ chức hội thảo, xây dựng chương trình hợp tác, huy động nguồn lực, đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ số, nhất là với các đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và có chương trình ký kết, thỏa thuận hợp tác với tỉnh; Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Kon Tum cũng đặt ra giải pháp hợp tác để ứng dụng ứng dụng các công nghệ số, nhất là công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thực tế ảo/thực tế tăng cường... trong điều hành, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khắc phục khó khăn, thách thức để đạt mục tiêu chung về chuyển đổi số
Mới đây, tỉnh Kon Tum đã ra Thông báo số 878-TB/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Kon Tum nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền, quán triệt các chỉ đạo của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thông báo cũng nêu rõ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng, dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Công tác chuyển đổi số vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức, do đó lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục, bảo đảm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TU và Đề án số 06.
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 vừa qua, tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng, như tập huấn "Hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp", "ra quân, phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nền tảng số thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng", "nhân rộng các mô hình chuyển đổi số", "thúc đẩy sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt"...
Phát biểu tại Lễ phát động và Hội nghị chuyển đổi số với chủ đề Năm dữ liệu số quốc gia: “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới” vừa qua, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện chuyển đổi số của địa phương, như nguồn nhân lực thực hiện công tác chuyển đổi số còn mỏng và yếu, công tác chỉ đạo về chuyển đổi số ở cấp huyện, xã còn chưa quyết liệt, trình độ chuyên môn về CNTT của cán bộ phụ trách còn hạn chế.
Chính vì thế, để đạt được những thành tích cao hơn nữa trong công tác chuyển đổi số thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TT&TT tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn nâng cao năng lực, trình độ về CNTT cho các cán bộ phụ trách về chuyển đổi số, nhất là cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số ở cấp huyện, xã.
Tháng 2/2024 tới, Kon Tum sẽ tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 09. Vì vậy, các đơn vị, ban ngành trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Mục tiêu chung của tỉnh Kon Tum là chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trong các ngành, lĩnh vực, hình thành được nền tảng chính quyền số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.