KHÁI NIỆM NỀN KINH TẾ SỐ
Phát triển kinh tế số đang trở thành con đường tất yếu của các quốc gia |
Thuật ngữ “kinh tế số” đã được đề cập từ khá lâu trước khái niệm Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tuy nhiên, chỉ khi CMCN 4.0 xuất hiện, thì kinh tế số mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành xu thế phát triển, vì nó gắn với công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tài sản số... Dù thực tế, sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ, thì việc phân định rạch ròi khái niệm về kinh tế số không đơn giản bởi có nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế số. Nhiều tổ chức lớn, như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), G20 hay từ điển Oxford cũng đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về “Nền kinh tế số” dựa trên phạm vi và quy mô. Ví dụ, theo OECD (2020): “Nền kinh tế kỹ thuật số kết hợp tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”.
Trong một nghiên cứu của Buhkt and Heeks (2017) đã đề cập tới khái niệm nền kinh tế số theo nghĩa rộng và hẹp (Hình 1). Trong bài viết này, tác giả sử dụng định nghĩa nền kinh tế số theo nghĩa rộng: “Nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ”.
Hình 1: Khái niệm nền kinh tế số theo nghĩa rộng và hẹp |
Nguồn: Buhkt and Heeks (2017)
NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ CỦA CÁC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN
Hiện nay, các quốc gia đang phát triển gặp rất nhiều rào cản đối với việc phát triển nền kinh tế số, như: các thách thức về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thách thức về hệ sinh thái kỹ thuật số (con người, thể chế)… Cụ thể là:
Thiếu hụt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
(i) Công nghệ internet: Mặc dù việc thu hẹp khoảng cách về tiếp cận của tín hiệu di động cơ bản (2G) (ví dụ như ở các vùng nông thôn) đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa các nước phát triển và đang phát triển về độ phủ sóng di động 3G và 4G. Ở nhiều vùng - đặc biệt là vùng nông thôn của các nước đang phát triển, 4G và thậm chí cả 3G vẫn không thể truy cập được. Việc chuyển đổi từ mạng có tốc độ truy cập thấp sang tốc độ truy cập cao hơn rất tốn kém để triển khai đối với các nhà khai thác, do đó không thúc đẩy được việc mở rộng phạm vi phủ sóng của mạng lưới ở các khu vực có mật độ dân số thấp. Nhìn chung, ở các quốc gia đang phát triển vẫn tồn tại những vấn đề liên quan đến chất lượng của cơ sở hạ tầng viễn thông, như: tốc độ internet chậm, tín hiệu yếu và quá tải mạng.
(ii) Phần cứng và phần mềm: Khi những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin có thể đã được giải quyết, thì người dùng phải có thiết bị công nghệ thông tin để tham gia hoặc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong thực tế các quốc gia phải đối mặt với việc các thiết bị không tương thích với công nghệ truyền thông. Ví dụ, nhiều thiết bị di động vẫn chỉ tương thích với công nghệ truyền thông 2G.
Thiếu hụt năng lượng
Trong thế kỷ trước, các quốc gia đang phát triển thường xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, đến nay, điều này đã thay đổi. Nhu cầu về năng lượng của các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội (Hình 2). Do đó, thách thức đặt ra cho các quốc gia đang phát triển là vấn đề an ninh năng lượng, bởi một nền kinh tế số mạnh cần có cơ sở hạ tầng số và cơ sở hạ tầng năng lượng ổn định - đặc biệt cho những công nghệ sử dụng nhiều năng lượng điện, như: internet vạn vật hay trí tuệ nhân tạo.
Hình 2: Nhu cầu năng lượng của các quốc gia phát triển và đang phát triển qua các năm: 2000, 2015 và 2030
Nguồn: Philippe Benoit, 2019
Chi phí cao
Có thể nói rằng khả năng chi trả cũng là một thách thức lớn đối với những quốc gia đang phát triển. Ví dụ, ở các nước đang phát triển, giá băng rộng cố định trung bình hàng tháng cao hơn ba lần so với các nước phát triển và giá băng rộng di động đắt gấp đôi (ITU, 2015). Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do các chính sách thuế đã coi các mặt hàng liên quan đến công nghệ thông tin – truyền thông là nguồn thu nhập chủ yếu của chính phủ, dẫn đến chi phí ở các quốc gia này cao hơn so với các quốc gia công nghiệp hóa (Meltzer, 2014). Và, theo như các quy luật cơ bản của cung và cầu, chi phí cao hơn dẫn đến khả năng phổ biến của cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin – truyền thông thấp hơn.
Hình 3 cung cấp thêm thông tin chi tiết về chi phí của việc mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho những người nghèo nhất trong dân số thế giới.
Hình 3: Chi phí mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Nguồn: Strategy&, 2012
Trình độ của nguồn nhân lực thấp
Nền kinh tế số đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức: (i) Khả năng đọc - hiểu cơ bản để sử dụng những ứng dụng nền tảng của máy tính và mạng internet; (ii) Khả năng đọc – hiểu tiếng Anh vì nhiều nội dung đều được viết bằng Tiếng Anh; (iii) Kiến thức về kỹ thuật số - giúp cho họ sử dụng các thiết bị cũng như phát triển sự hiểu biết và nhận thức về giá trị của internet đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Điều đáng buồn là, ở những quốc gia đang phát triển, những kiến thức này đều thiếu hụt. Việc không thể đọc hoặc viết và thiếu những kỹ năng về công nghệ thông tin là yếu tố chính dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng internet và cũng như việc tiếp nhận công nghệ số tại khu vực Đông Nam Á thấp hơn mức trung bình chung toàn cầu (Hình 4). Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù số người dùng internet gia tăng, tuy nhiên do trình độ còn hạn chế, nên chỉ số ứng dụng kỹ thuật số của các quốc gia đang phát triển còn thấp.
Hình 4: Chỉ số ứng dụng kỹ thuật số của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á so với mức trung bình chung toàn cầu
Nguồn: World Bank, 2018
Hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển nền kinh tế số chưa hoàn thiện
Ở các nước đang phát triển, hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển nền kinh tế số còn chưa hoàn thiện. Ví dụ, các chính sách thường lỗi thời, do đó không thể đáp ứng các xu hướng mới nổi của công nghệ và dịch vụ mới được cung cấp thông qua nền kinh tế kỹ thuật số. Các nền tảng mới đã phá vỡ các mô hình truyền thống và tương tự, đối với luật pháp về lao động kỹ thuật số, với các luật hiện hành không thể bắt kịp với những thay đổi trong nền kinh tế hợp đồng, tuy nhiên các chính sách phù hợp hơn lại chưa có. Ước tính có khoảng 73% nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã áp dụng luật giao dịch điện tử, tuy nhiên, chỉ 38% áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng và 29% về quyền riêng tư. Tương tự, Luật Tội phạm mạng chỉ được áp dụng ở 56% các nền kinh tế đang phát triển so với tỷ lệ áp dụng 90+% ở các nền kinh tế phát triển (UNCTAD, 2015).
Thậm chí, có những nơi, mà chính sách hiện hành và đã được chỉnh sửa, vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến việc liệu đó có phải là loại chính sách phù hợp để giúp nền kinh tế kỹ thuật số phát triển hay không.
Ngoài ra, khung pháp lý và quy định chưa hoàn thiện cho thương mại điện tử, bao gồm cả giao dịch điện tử, làm suy yếu lòng tin vào các dịch vụ kỹ thuật số. Cụ thể như tại khu vực Đông Nam Á (Bảng).
Bảng: Danh mục khung pháp lý hỗ trợ phát triển kinh tế số của một số quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á
Quốc gia | Thanh toán điện tử và chữ ký số | Bảo mật thông tin | Bảo vệ khách hàng | Ngăn chặn tội phạm mang |
Brunêy | Có | Chưa có | Có | Có |
Campuchia | Dự thảo | Chưa có | Dự thảo | Dự thảo |
Lào | Có | Chưa có | Chưa có | Có |
Myanmar | Có | Chưa có | Có | Có |
Nguồn: World Bank, 2018
Hệ thống thanh toán tài chính tự động chưa đáp ứng yêu cầu
Vai trò chính của Cổng thanh toán trực tuyến là phê duyệt quy trình giao dịch giữa người bán và khách hàng. Nó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giao dịch trực tuyến và cho phép các giao dịch giữa người bán và khách hàng. Đó cũng là nền tảng thương mại điện tử nâng cao sự tồn tại của nó bằng cách dễ dàng thanh toán để cung cấp cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, Cổng thanh toán trực tuyến cũng chưa được sử dụng phổ biến. Ví dụ, tại Việt Nam hiện nay, việc thanh toán tài chính tự động được triển khai ở mức độ còn thấp; thẻ thanh toán điện tử chưa được sử dụng rộng rãi do người dân có thói quen sử dụng tiền mặt, ngoài ra hệ thống bảo mật chưa thật sự làm người dùng tin tưởng và chi phí sử dụng chưa hợp lý (Nguyễn Thị Ánh Ngọc và cộng sự, 2020); trong khi kinh tế số đòi hỏi mạng lưới thanh toán tự động hoàn chỉnh và chính xác, thì hiện nay mạng lưới thanh toán này mới chỉ đáp ứng được một phần của những yêu cầu tối thiểu của nền kinh tế số.
An ninh mạng còn nhiều hạn chế
Mặc dù các công nghệ thương mại điện tử mang lại những lợi ích to lớn, nhưng việc tiến hành bất kỳ loại giao dịch hoặc truyền thông trực tuyến nào đều có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Các vấn đề về bảo mật và lạm dụng công nghệ không chỉ giới hạn trong công nghệ thương mại điện tử, mà còn là một phần của nhiều vấn đề rộng lớn hơn ảnh hưởng đến hệ thống máy tính và thông tin trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Bởi, các nước đang phát triển không có đủ cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực để theo dõi và sử dụng luật pháp để bồi thường thiệt hại về tiền bạc, thiết bị hoặc hàng hóa, hoặc có khả năng xây dựng được một hệ thống internet có thể ngăn chặn hoặc giảm bất kỳ loại gian lận nào có thể xuất hiện trong giao dịch thương mại điện tử là cần thiết.
Một báo cáo an ninh mạng gần đây về Kenya cho biết các doanh nghiệp nước này đang mất khoảng 146 triệu USD mỗi năm cho tội phạm mạng. Tờ Sunday Times của Nam Phi đưa tin rằng tin tặc đã thực hiện 6.000 cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng, nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và doanh nghiệp của Nam Phi chỉ trong tháng 10/2015[1]. Bởi lợi nhuận tài chính khổng lồ, tội phạm mạng đang phát triển các kỹ thuật mới với tốc độ nhanh. Sự phát triển này đang làm cho các mô hình bảo mật và các kỹ thuật phát hiện trở nên vô dụng. Hơn nữa, cảm giác an toàn và sự kém hiệu quả của công cụ bảo mật khiến công việc của tội phạm trở nên dễ dàng hơn.
Vì lý do này, việc giải quyết các vấn đề về bảo mật và an ninh mạng là điều cần thiết trong cơ sở hạ tầng thương mại điện tử đối với các nước đang phát triển.
NHỮNG KHUYẾN NGHỊ NHẰM THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ SỐ Ở CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN
Trước xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế và những thách thức đặt ra đối với yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay cần phải nỗ lực tìm kiếm và xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây để thực hiện mục tiêu này.
Thứ nhất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Chính phủ các nước đang phát triển cần có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và tổ chức tài chính quốc tế đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, ví dụ như: miễn tiền thuê đất (tùy theo dự án và quy mô đầu tư); hưởng thuế suất ưu đãi; giảm chi phí hạ tầng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ…
Thứ hai, tập trung phát triển năng lượng, đặc biệt nguồn năng lượng sạch
Giai đoạn hiện nay, các quốc gia đang phát triển cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch. Đối với các quốc gia có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, có thể sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo như tuabin gió và tấm pin mặt trời để xây dựng các hệ thống năng lượng tái tạo (NLTT) tạo ra năng lượng sạch, tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết cân bằng vấn đề thanh toán. Ví dụ như có thể áp dụng chính sách bán điện tiên tiến (Feed - in - tariff): Giá điện FiT hàm chứa 3 yếu tố cốt lõi để phát triển nguồn NLTT là: (i) Một sự đảm bảo để nguồn NLTT kết nối với lưới điện; (ii) Một hợp đồng bán điện dài hạn; và (iii) Một mức giá bán điện năng có lãi hợp lý cho nhà đầu tư.
Thứ ba, nâng cao nguồn nhân lực
Một trong những yêu cầu để phát triển nền kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng, đó là yêu cầu về việc phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ các quốc gia đang phát triển cần nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tế của xã hội, xây dựng hệ thống nghề công nghệ thông tin và chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu học hỏi, tiếp thu các chương trình đào tạo tiên tiến của quốc tế và luôn điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn tài chính
Khuyến khích đầu tư là một nhiệm vụ then chốt để phát triển nền kinh tế số, thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng năng lượng hoặc chuyển giao kỹ thuật. Nếu có một môi trường pháp lý tốt, nền kinh tế số có thể tiếp cận nguồn đầu tư thông qua dịch vụ chuyển tiền từ ngành Fintech, cho vay ngang hàng (P2P) và các dịch vụ gọi vốn cộng đồng. Những dịch vụ này có thể tác động lớn đến việc phát triển các doanh nghiệp trong nước của các quốc gia đang phát triển.
Thứ năm, phát triển hệ thống thanh toán tự động
Để hệ thống thanh toán tự động đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế số đòi hỏi các quốc gia đang phát triển cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
- Đầu tư vào hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung đáp ứng mọi phương tiện thanh toán được phát hành bởi các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức tài chính, các tổ chức thanh toán trong và ngoài nước.
- Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin.
Thứ sáu, đảm bảo an ninh mạng
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc xây dựng nền kinh tế số đặt ra thách thức và yêu cầu về việc bảo vệ các thông tin cá nhân của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Chính vì vậy, chính phủ các quốc gia đang phát triển cần tăng cường đầu tư vào an ninh mạng; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân và xây dựng chính sách hợp tác trong khu vực và toàn cầu về an ninh mạng thông qua việc sẻ chia thông tin, áp dụng chuẩn thống nhất và có chiến lược đào tạo chung; tập trung vào ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tăng cường khả năng phát hiện, chống lại các cuộc tấn công mạng; đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, đồng thời xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển các giải pháp chống lại tội phạm mạng.
Có thể nói rằng, hiện nay, các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn chuyển dịch số trong đó có việc duy trì kinh tế vĩ mô lớn mạnh, kiểm soát nợ nước ngoài và lạm phát, đồng thời đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và kỹ năng sẽ góp phần vào tăng trưởng năng suất. Hơn nữa, kiểm soát môi trường kinh tế vĩ mô và phân bổ nguồn lực hiệu quả cũng là những yếu tố then chốt, giúp các quốc gia khác chuyển từ vị thế thu nhập thấp sang thu nhập cao thông qua ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát và nợ, thì cần phải sắp xếp trình tự đầu tư một cách kỹ lưỡng, tập trung vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tốc độ cao rộng khắp. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực và hành lang pháp lý cũng là những rào cản đối với sự phát triển nền kinh tế số. Do đó, trên đây là một số gợi ý chính sách của tác giả nhằm giải quyết yếu tố tác động tiêu cực tới sự phát triển nền kinh tế số của các quốc gia đang phát triển./.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Đặng Thùy Linh, Nguyễn Thị Diễm (2020). Thị trường ví điện tử Việt Nam - cơ hội và thách thức, Tạp chí Ngân hàng, số 8/2020
2. Bukht R, Heeks R. (2017). Defining, conceptualising and measuring the digital economy, GDI Development Informatics Working Papers, 68, 1-24
3. ITU (2015). ICT Facts and Figures: The World in 2015, International Telecommunication Union, Geneva
4. Meltzer, J. (2014). Supporting the Internet As a Platform for International Trade Opportunities for Small and Medium-Sized Enterprises and Developing Countries, Global Economy & Development, (February)
5. OECD (2020). A roadmap toward a common framework for measuring the Digital Economy
6. Philippe Benoit (2019). Energy and development in a changing world: A framework for the 21st century, access to https://www.energypolicy.colum...
7. Strategy& (2012). Digitization in Emerging Economies, access to https://www.strategyand.pwc.co...
8. UNCTAD (2015). Information Economy Report 2015: Unlocking the Potential of E-commerce in Developing Countries
9. World Bank (2018). Benefiting from the digital economy - Cambodia policy note.
ThS. Vũ Thị Tâm
Học viện Chính sách và Phát triển
(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10, tháng 4/2021)