Kiên Giang: Xây dựng xã hội số để phát triển nhanh và bền vững

16/03/2022, 09:49

Xây dựng xã hội số với lộ trình và các bước đi phù hợp chính là nền tảng giúp Kiên Giang phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên mọi lĩnh vực, nắm bắt cơ hội, biến “nguy” thành “cơ”, góp phần tạo giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

UBND huyện An Biên và Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang ký kết hợp tác toàn diện về truyền thông giai đoạn 2022-2025, ngày 24/02/2022.

Ủy ban nhân dân huyện An Biên và Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang ký kết hợp tác toàn diện về truyền thông giai đoạn 2022-2025, ngày 24/02/2022. Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường đưa từng chủ thể và đất nước phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo quan trọng, chuẩn bị điều kiện, giải pháp thực hiện và phát triển chuyển đổi số từ rất sớm. Gần đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đây là những định hướng có tính đột phá, giúp Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển phù hợp với xu thế thế giới. 

Chuyển đổi số là gì?

Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi theo ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số quốc gia; ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số trên địa bàn của địa phương đó.

Như vậy, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung, từng địa phương nói riêng. Hiệu quả của chuyển đổi số tác động sâu sắc đến từng lĩnh vực đời sống xã hội, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ và những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.

Xây dựng xã hội số là gì?

Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xét theo nghĩa rộng, xã hội số là xã hội của con người trong môi trường số (Sách: Hỏi đáp về chuyển đổi số, năm 2020); bao trùm lên mọi hoạt động của con người với động lực chính là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.

Xét theo nghĩa hẹp, xã hội số gồm công dân số và văn hóa số. Vậy, công dân số là ai? Có 09 yếu tố cấu thành công dân số là: 1) Khả năng truy cập các nguồn thông tin số, 2) Khả năng giao tiếp trong môi trường số, 3) Kỹ năng số cơ bản, 4) Mua bán hàng hóa trên mạng, 5) Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, 6) Bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, 7) Quyền và trách nhiệm trong môi trường số, 8) Định danh và xác thực, 9) Dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Dự báo, vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua một sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: Từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh. Văn hóa số là gì? Văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm, còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.

Nội dung xây dựng xã hội số đối với Việt Nam là gì?


Để tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng và phát triển xã hội số, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã xác định tầm nhìn: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Mục tiêu cơ bản phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số đến năm 2025 là: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Đến năm 2030 phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển xã hội số. Theo đó, xây dựng xã hội số là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ xã hội tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn, góp phần nâng lên chất lượng sống của người dân theo hướng tiện ích, an toàn, với tinh thần nhân văn và quan điểm nhất quán “không ai bị bỏ lại phía sau”. Xã hội số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng.

Vận dụng xây dựng xã hội số vào điều kiện Kiên Giang

Xu hướng chuyển đổi số tạo ra rất nhiều dịch vụ có ích cho người dân cũng như tận dụng một cách hiệu quả các nguồn lực xã hội; vì thế, việc chuyển đổi số được Đảng bộ và chính quyền Kiên Giang thời gian qua rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả chuyển biến trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện chuyển đổi số, Kiên Giang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời, ban hành Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 07-12-2020 về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định thời gian tới tập trung đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 18-3-2021 nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình 01; Kế hoạch số 186/KH-UBND, ngày 24/12/2020 về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thiện mô hình Chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số; đô thị thông minh triển khai thành công tại thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc làm cơ sở để nhân rộng mô hình đến 100% các huyện trên địa bàn tỉnh; dùng công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) của các bộ, tỉnh vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào cuối tháng 10-2021, trong năm 2020, ở cấp tỉnh, Kiên Giang đứng thứ 9, thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, với giá trị đạt được là 0,3631 (DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026).  Trên hành trình chuyển đổi số, về căn bản, tỉnh đang đi đúng hướng; tuy nhiên vẫn còn ở giai đoạn khởi động, cần trọng tâm hơn nữa để xác định nhiệm vụ cụ thể, nội dung, lộ trình, kinh phí, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và thiết thực; ưu tiên thúc đẩy những chỉ số còn thấp, chưa bền vững.

Để thực hiện được chủ trương và mục tiêu trên, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành những nội dung về xã hội số trong hệ thống chính trị của tỉnh và toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới; có chính sách khuyến khích, phát huy các nguồn lực, trong đó có thể thực hiện thí điểm do hình thức còn mới.

Cần phải bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời phát hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới; những bất cập của cơ chế, chính sách quản lý nhà nước để sửa đổi, bổ sung, tạo khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi cho các mô hình mới cùng hoạt động, phát triển.

Thứ hai, chuyển đổi và nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội số trong toàn xã hội.

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong xây dựng xã hội số. Để tạo nền móng xây dựng xã hội số, cần đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận đa dạng người dân, về ý nghĩa, tầm quan trọng, về nội dung xây dựng xã hội số và sự tác động sâu sắc, nhiều mặt của chuyển đổi số trong xã hội đến mọi thành viên xã hội. Xây dựng xã hội số là cuộc cách mạng của toàn dân và chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà xã hội số mang lại. Chính sự hiểu biết, chuẩn bị về tâm lý, điều kiện, kỹ năng là cơ sở để mỗi thành viên có sự chủ động, tích cực tham gia, có thể thích ứng với chuyển đổi số; điều này vừa là quyền lợi, vừa thể hiện trách nhiệm công dân trong góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Toàn hệ thống chính trị phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện có kết quả công cuộc xây dựng xã hội số tại địa phương.

Thứ ba, cần thực hiện tốt công tác quản trị xã hội số. Quản trị có vai trò quyết định thành công hay không thành công của công cuộc xây dựng xã hội số, giúp hoạch định nội dung, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương; đồng thời tạo ra cơ chế vận hành, quy trình phối hợp hợp lý, xử lý và kiểm soát tốt các nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu với mức chi phí thấp nhất. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong kiến tạo và phát triển xã hội số vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, vừa phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý sớm các sự cố, nhất là trên lĩnh vực an ninh mạng, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân người dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng và an toàn trong tiếp cận cơ hội phát triển nội dung số.   

Xây dựng xã hội số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ và sự tham gia, chung sức, đồng lòng của mỗi người dân địa phương. Với kết quả bước đầu và giải pháp cụ thể, tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra trong thời gian tới, đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.

Thái Thị Duy Quyên-Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO