Không gian lớn cho ngành công nghệ thực phẩm Đông Nam Á

21/03/2023, 09:42

Tình trạng lương thực bị mất kiểm soát đã thúc đẩy những giải pháp có tính đổi mới sáng tạo. Các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã ra sức phát triển công nghệ nhằm cải thiện năng lực sản xuất lương thực và chất lượng thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của khu vực...

Theo một báo cáo có tiêu đề “Thách thức thực phẩm châu Á: hiểu người tiêu dùng châu Á mới” (The Asia food challenge: Understanding the new Asian consumer), vào năm 2030, người tiêu dùng châu Á sẽ chi tiêu cho thực phẩm tăng khoảng 2,4 nghìn tỷ USD trong tổng mức tăng dự kiến 4,4 nghìn tỷ USD, trong đó, Đông Nam Á được dự báo sẽ là một trong những khu vực có mức chi tiêu cho thực phẩm tăng lớn nhất của châu lục, khi đang có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,7%.

CUỘC ĐUA CHO TƯƠNG LAI

Dân số ngày càng tăng, thu nhập cao hơn và tốc độ đô thị hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu thịt và thủy sản tăng 78% từ năm 2017 - 2050. Các phương pháp chăn nuôi truyền thống dần dần trở nên không đủ và cũng không bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lương thực. Hơn nữa, một báo cáo chung của ba tổ chức PwC, Temasek và Rabobank dự báo đến năm 2030, khoảng 65% tầng lớp trung lưu thế giới sẽ sinh sống ở châu Á, khiến tổng chi tiêu cho thực phẩm tại đây dự kiến tăng gấp đôi và “châu Á sẽ không thể tự nuôi sống mình”.

Do đó, những tiến bộ trong công nghệ thực phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực protein thay thế, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tìm kiếm những cách thức bền vững và lành mạnh hơn để cung cấp thực phẩm cho khu vực và thế giới. Hiện trên thị trường bắt đầu có một số loại protein thay thế, phổ biến nhất là “thịt” có nguồn gốc thực vật, các loại thịt được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm và protein có nguồn gốc từ côn trùng. Việc sản xuất các loại “thịt” này thường ít tốn tài nguyên hơn so với chăn nuôi truyền thống và việc áp dụng các loại protein thay thế có thể giảm phát thải nông nghiệp tới 60%.

Với thịt thực vật, nhóm khách hàng mục tiêu đa số trẻ tuổi, có nhu cầu ăn kiêng linh hoạt vì lợi ích về sức khỏe và bảo vệ môi trường chứ không hẳn vì nhu cầu ăn thuần chay. Nhóm này hình thành nên một thị trường tiềm năng quy mô lớn và tăng trưởng nhanh, chiếm khoảng 42% người tiêu dùng toàn cầu. Bloomberg Intelligence (BI) dự đoán thị trường thịt thực vật sẽ chiếm tới 7,7% thị trường đạm toàn cầu vào năm 2030, với giá trị hơn 162 tỷ USD (tăng từ 29,4 tỷ USD năm 2020). 

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), với dân số dự kiến là 4,6 tỷ người vào năm 2030, có khả năng thống trị thị trường đạm thực vật đạt 64,8 tỷ USD vào năm 2030.

Đặc biệt, các nước Đông Nam Á có lịch sử lâu đời về chế độ ăn giàu thực vật. Covid-19 khiến người tiêu dùng càng tập trung hơn vào các lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh. Ở châu Á, trong khi thị trường đạm thay thế còn non trẻ, cả khu vực công và tư đều cam kết đầu tư vào không gian mới nổi này. Năm 2019, Singapore là quốc gia đầu tiên duyệt thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm làm thực phẩm cho con người và dự định sản xuất 30% nhu cầu dinh dưỡng địa phương vào năm 2030. 

Tiềm năng của các protein thay thế đã dẫn đến nhiều nguồn lực hơn được dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Gần đây, công ty đầu tư mạo hiểm Good Startup (Singapore) đã huy động được 34 triệu USD để đầu tư vào protein thay thế. Next Gen Foods, nổi tiếng với các sản phẩm thịt gà làm từ thực vật, vào tháng 2 năm nay đã huy động được 100 triệu USD, vòng tài trợ series A lớn nhất từng được huy động bởi một công ty Foodtech. Startup CricketOne của Việt Nam đang được xem như là đơn vị định hình chất lượng đạm từ dế cho toàn ngành. Trong khi đó, startup Malaysia Ento phát triển món bánh kẹp thịt làm từ côn trùng...

Theo Boston Consulting Group và Blue Horizon, mặc dù công nghệ cho lĩnh vực này còn sơ khai và thói quen tiêu dùng gắn liền với thịt truyền thống sẽ là một cản trở, nhưng các nhà đầu tư đã sẵn sàng rót vốn vào cuộc đua cho tương lai. Lĩnh vực công nghệ thực phẩm, từ việc nuôi thịt cấy trong phòng thí nghiệm đến các trang trại đô thị thông minh, đã nhận được khoản đầu tư mạo hiểm kỷ lục 12,8 tỷ USD vào năm ngoái, gấp đôi số tiền nhận được trong năm 2020...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20- 03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO