Khi các “bà trùm” sữa, trứng làm nông nghiệp số

23/01/2023, 10:26

Những người đi đầu trong ngành nông nghiệp số lại là những người phụ nữ mang khát vọng lớn lao dùng công nghệ số để thay đổi nông nghiệp truyền thống.

Chuyển đổi số để phát triển lâu dài

“Tôi bước vào nghiệp trứng với tất cả vất vả của những người buôn bán nhỏ bên chợ làng quê Thanh Vĩnh Đông, Long An. Bán trứng mà, tích góp từng xu, từng cắc, lại còn phải nâng như nâng trứng kẻo đổ bể là coi như xong. Những hôm trời mưa, đường lầy lội, quẩy đôi quang gánh đến từng nhà thu mua trứng rồi lại tất tả ra chợ bán. Gánh trứng trên đôi vai nhỏ, tôi bấm chân xuống bùn đến bật máu để giữ gánh trứng không xô lệch, ngả nghiêng”, bà Ba Huân (tên thật là Phạm Thị Huân), Chủ tịch Công ty Cổ phần Ba Huân chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian khó của mình. 

  Bà Phạm Thị Huân đã xây dựng thành công thương hiệu “Ba Huân” trong ngành nông nghiệp.

Lập nghiệp với một gánh trứng từ năm 16 tuổi, người đàn bà đó đã đưa ngành trứng sang một trang mới khi tuyên bố ứng dụng công nghệ. Ba Huân quyết định lựa chọn các giải pháp số của FPT phù hợp cho tất cả lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, cung ứng của công ty mình. Bên cạnh đó, FPT tư vấn Ba Huân xây dựng và số hóa sản phẩm, quản trị sản xuất tự động, quản trị nguồn lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…

Bà Ba Huân, khẳng định, đây là hành trình “chuyển mình" từ một doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp nông nghiệp số. Việc hợp tác với FPT giúp Ba Huân chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành, giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị.

Hệ thống công nghệ này giúp công ty quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, FPT sẽ xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng. Hệ thống của FPT giúp Ba Huân nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh toàn chuỗi, giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất.

“Cách đây 10 năm, anh Trương Gia Bình đã “ngỏ lời” hỗ trợ Ba Huân chuyển đổi số. Song tôi chưa dám nhận lời vì quy mô công ty nhỏ, nhân sự chưa đủ năng lực công nghệ đáp ứng mô hình chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số trước hết là ở con người, người vận hành. Đến nay, tôi tự tin là đội ngũ Ba Huân có thể đáp ứng được và có thể bắt tay với anh Trương Gia Bình làm công nghệ. Nhà máy Ba Huân đã chuyển đổi máy móc thiết bị  sang áp dụng công nghệ tự động, phần nào khởi đầu thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số toàn diện. Tôi nghĩ trong tương lai, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp phải thay đổi, phải chuyển đổi số để phát triển lâu dài”, bà Ba Huân nói.

Bà Ba Huân chia sẻ thêm: “Khi thực hiện dự án này, tôi không kỳ vọng nâng cao doanh thu, lợi nhuận hay lợi ích kinh tế cho Ba Huân mà kỳ vọng FPT và Ba Huân làm gương đi đầu để doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyển đổi theo. Dự án hợp tác rất lớn lao này sẽ tạo tiếng vang cho ngành nông nghiệp. Việt Nam là nước nông nghiệp, tài nguyên vô giá nhưng người nông dân còn thiệt thòi vì chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học công nghệ. Ba Huân muốn làm gương: Một doanh nghiệp phát triển từ một bà buôn gánh bán bưng mà còn quyết tâm chuyển đổi số, thì tại sao các doanh nghiệp khác không làm”.

Chia sẻ về câu chuyện hợp tác với Ba Huân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh: Ba Huân đã đi lên và thành công từ một sản phẩm rất nhỏ bé là quả trứng nhưng tầm nhìn và mô hình phát triển của Ba Huân đã cho thấy, bằng sự trân trọng và bước đi chiến lược, các sản phẩm nông nghiệp Việt xứng đáng có vị thế lớn trên thị trường. 

Người đàn bà đi trước thời đại

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại các dự án của Tập đoàn TH.

Các cụm trang trại TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) được xây dựng với khoảng cách tối thiểu giữa các trại là 10 km. Trang trại số 3 nằm ở cụm trại 1, là “nhà” của hơn 7.000 con bò sữa, trong đó có hơn 3.500 con đang cho sữa. Trang trại số 3 ứng dụng hệ thống AfiAct để phát hiện động dục tự động, quản lý sinh sản và quản lý chất lượng sữa của đàn bò. Hệ thống vắt sữa được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam, được thiết kế để vắt sữa cho khoảng 3.600 con bò/ngày, mỗi ngày vắt 3 ca. Một trong những điểm khác biệt giữa sữa tươi sạch TH true MILK với những nhãn hiệu sữa khác ở Việt Nam là khâu vắt và bảo quản sữa nguyên liệu. Bò được tắm và làm mát trước khi vắt sữa hoàn toàn tự động bằng 4 núm vú chân không.

Để quản lý được đàn bò với số lượng lớn, chân bò được đeo chip Perometer, toàn bộ thông tin về sức khỏe bò được truyền trực tiếp vào hộp nhận tín hiệu tại trung tâm vắt sữa và cập nhật vào máy tính. Những con bò ốm sẽ được phát hiện trước 4 ngày và hệ thống tự động từ chối vắt sữa của bò bệnh. Dòng sữa tươi sạch chỉ được thu hoạch từ những "cô bò" khỏe mạnh nhất. Sau khi vắt, sữa sẽ đi qua hệ thống đường ống Inox kín, được làm lạnh xuống 2 - 4 độ C, chuyển ngay đến bồn bảo quản sữa và vận chuyển sang Nhà máy sữa TH để chế biến. Đây là một chu trình vắt sữa kín hoàn hảo, không hề có một chút không khí lọt vào sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo nguyên vẹn, tuyệt đối sự tươi, sạch.

Không chỉ dừng lại ở khâu vắt sữa, TH ứng dụng công nghệ vào cả khâu đóng gói và bảo quản sản phẩm. Dây chuyền vận chuyển chạy với tốc độ rất cao, 7 hộp/giây. Hệ thống có camera nhận diện tự động. Nếu phát hiện hạn sử dụng bị mất hoặc không rõ, hay chưa có thìa trong thùng sữa chua, hệ thống sẽ cảnh báo ngay lập tức và cánh tay máy tự động đẩy sản phẩm lỗi ra khỏi dây chuyền. Hệ thống này thay thế cho con người, giúp kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng đóng gói, tối ưu về thời gian. Tương tự như công nghệ xử lý ảnh, giúp kiểm tra, phát hiện các sản phẩm lỗi trong khâu đóng gói, đó là hệ thống cân tự động. 

Trước đây, cần một công nhân làm duy nhất một nhiệm vụ rất nhàm chán là ngồi nhìn cái cân đo trọng lượng của thùng sản phẩm. Nếu số trên cân không đúng thì công nhân đó sẽ bốc ra kiểm tra. Cách làm thủ công này từng phát sinh nhiều vấn đề như mỏi mắt nên nhìn nhầm số cân, công việc nhàm chán gây buồn ngủ, dễ mất tập trung. Bây giờ, máy móc thay thế người công nhân đó, giúp phát hiện thùng sản phẩm không đủ trọng lượng để cánh tay máy tự động gạt thùng đó ra ngoài.

Ở cuối dây chuyền, các thùng sản phẩm đạt chất lượng được xếp chồng lên pallet để chuẩn bị vận chuyển vào kho. Trước đây, ở công đoạn này cần 3-4 nhân công để thay phiên nhau bê vác và sắp xếp hàng. Sau khi áp dụng công nghệ, robot với cánh tay máy khổng lồ sẽ tự động nhận diện thùng hàng và sắp đặt ngay ngắn lên pallet. 

Cuối cùng, công đoạn kho vận và quản lý cũng được ứng dụng WMS - hệ thống chuyên biệt dành cho các kho chứa hàng với công suất lớn, có nhiều tính năng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, giúp thay thế sức người trong quá trình vận hành. Chỉ cần nhập dữ liệu chính xác, WMS sẽ tự động tính toán và gợi ý chiến thuật sắp xếp, phân bổ hàng hóa trong kho, sao cho tối ưu về quãng đường di chuyển, tối ưu về khoảng trống sắp xếp sản phẩm.

Nếu như bây giờ câu chuyện chuyển đổi số, ứng dụng IoT là trào lưu nở rộ thì tại TH True Milk, công cuộc chuyển đổi số đã diễn ra từ hàng chục năm trước. "14 năm trước, chuyện cho bò gắn chip, nghe nhạc, tắm mát nghe là lạ, vui tai. Nhưng thực tế đó là yếu tố sống còn của việc chăn nuôi bò sữa, là cuộc cách mạng của ngành chăn nuôi ở Việt Nam. Bằng việc gắn chip, chúng tôi có thể tiếp nhận dữ liệu trong từng cá thể bò, biết được khi nào con vật động dục, tình trạng sữa và cả tình trạng sức khoẻ, bệnh tật để chữa trị sớm", đại diện TH True Milk nói.

TH dưới sự dẫn dắt của bà Thái Hương được biết đến như một trong những doanh nghiệp giữ vai trò tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Trước đó, TH đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành sữa từ năm 2008 bằng việc đầu tư vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tập trung sử dụng công nghệ cao.

Thái Khang

(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO