Indonesia siết chặt giám sát tiền điện tử

15/02/2022, 10:38

Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) thuộc Bộ Thương mại Indonesia đang siết chặt giám sát các hoạt động giao dịch tài sản tiền điện tử.

Đồng tiền điện tử Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) thuộc Bộ Thương mại Indonesia đang siết chặt giám sát các hoạt động giao dịch tài sản tiền điện tử nhằm đảm bảo rằng các nhà đầu tư nhận được thông tin rõ ràng về mọi loại tiền điện tử được giao dịch.
Trong một tuyên bố ngày 13/2, quyền Giám đốc Bappebti Indrasari Wisnu Wardhana nhấn mạnh rằng mọi sản phẩm tài sản tiền điện tử phải đăng ký với Bappebti. Do đó, mọi loại tài sản tiền điện tử không tuân theo quy định của Bappebti đều không thể được giao dịch ở Indonesia.
Theo ông Indrasari, tài sản tiền điện tử mới cần được đăng ký với Bappebti trước khi giao dịch để được đánh giá dựa trên các quy định. Đánh giá tài sản tiền điện tử được thực hiện bằng phương pháp Quy trình phân tích thứ bậc (AHP) với một số tiêu chí đánh giá cụ thể.
Trước đó, Bappebti đã ban hành Quy định số 8/2021 về điều kiện giao dịch của các loại tài sản tiền điện tử trên Thị trường tài sản tiền điện tử vật lý, và Quy định số 7/2020 về việc xác định danh sách tài sản tiền điện tử có thể được giao dịch trên Thị trường tài sản tiền điện tử vật lý.

Theo ông Indrasari, công chúng Indonesia có thể đầu tư vào các loại tài sản tiền điện tử đã được xác định theo quy định của Bappebti. Hiện cơ quan này đã phê duyệt 229 loại tài sản tiền điện tử có thể được giao dịch trên Thị trường tài sản tiền điện tử vật lý.

Ông Indrasari nhấn mạnh rằng Bappebti hoan nghênh các loại tài sản tiền điện tử do các công dân Indonesia tạo ra miễn là chúng tuân thủ các quy định có hiệu lực, đồng thời cho rằng tương lai của các loại tài sản tiền điện tử này “khá tươi sáng”.
Theo ông Indrasari, tiềm năng và sự đổi mới sáng tạo của người Indonesia, cũng như tiềm năng của thị trường tiền số trong nước rất lớn và đang tiếp tục phát triển. Trong vài năm gần đây, một số tài sản tiền điện tử do người Indonesia tạo ra đã được tiếp thị ở nước ngoài và đăng ký theo Quy định số 7/2020 của Bappebti.

Ông Indrasari kêu gọi công chúng hiểu rõ cơ chế và rủi ro trước khi lựa chọn đầu tư vào các loại tài sản tiền điện tử. Ngoài ra, công chúng cần kiểm tra các loại tài sản tiền điện tử đã được Bappebti xác nhận là hợp pháp và đang được giao dịch với tư cách là tài sản tiền điện tử vật lý.
Trước đó hồi tháng Một, Bộ Thương mại Indonesia cho biết giá trị giao dịch tiền điện tử trong nước có thể tăng gấp ba lần lên mức 2,5 triệu tỷ rupiah (180 tỷ USD) trong năm nay do ngày càng có nhiều người biết đến loại tài sản kỹ thuật số này.

Theo Thứ trưởng Thương mại Jerry Sambuaga, giao dịch tiền điện tử sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong năm nay từ mức 859.000 tỷ rupiah vào năm 2021 – thời điểm các giao dịch tiền số tăng 14 lần so với mức 60.000 tỷ rupiah vào năm 2020.
Theo Bappebti, Indonesia có 11,2 triệu nhà đầu tư tiền điện tử vào năm ngoái, tăng mạnh so với mức chỉ 4 triệu người vào năm 2020. Quốc gia này đã ghi nhận nhiều nhà đầu tư cá nhân vào tài sản tiền điện tử hơn so với thị trường vốn kể từ tháng Năm năm ngoái. Tổng số nhà đầu tư chứng khoán đã đạt 7,35 triệu người tính đến ngày 17/12.
Hiện Bappebti đang hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh cho sàn giao dịch tài sản tiền điện tử quốc gia với tư cách là sàn giao dịch tương lai theo Quy định số 8/2021 của Bappebti về các sàn giao dịch tài sản tiền điện tử. Tính đến tháng 1/2022, Indonesia có 11 nền tảng giao dịch tiền điện tử được Bappebti cấp phép./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO