Học sinh, giáo viên đều có thể là nạn nhân của quấy rối qua Zoom

23/09/2021, 07:48

Không dừng ở việc đường truyền kém hay khó tập trung, các vấn đề nảy sinh trong lúc học online nghiêm trọng hơn vì giáo viên, học sinh có thể bị quấy rối ngay trong lớp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn học sinh trên toàn thế giới không thể đến trường. Giải pháp thay thế là học trực tuyến tại nhà và ứng dụng Zoom nổi lên với nhu cầu sử dụng tăng đột biến.

Theo tác giả Brian X. Chen, biên tập viên New York Times, miễn phí và dễ sử dụng là hai yếu tố giúp Zoom thu hút lượng lớn người dùng. Người không thành thạo công nghệ cũng có thể tham gia các cuộc họp chỉ với một cú nhấp chuột.

Tuy vậy, ngay khi vừa phổ biến vào đầu năm 2020, dịch vụ này đã gây ra nhiều hoài nghi về lỗ hổng bảo mật, tính an toàn, quyền riêng tư cho người sử dụng, nhất là với đối tượng học sinh nhỏ tuổi.

Zoom nổi lên như một ứng dụng phổ biến nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra và rắc rối cũng sinh ra từ đó.

Dội bom Zoom

Ngoài các vấn đề về đường truyền, kết nối, lỗi mạng, các lớp học online còn trở thành mục tiêu cho các đối tượng lạ mặt nhảy vào quấy rối.

Vấn đề này phổ biến và xảy ra nhiều đến nỗi thuật ngữ Zoombombing (tạm dịch: dội bom Zoom) ra đời để chỉ hành động phòng họp trực tuyến bị gián đoạn giữa chừng bởi thông tin vô bổ hay nặng hơn là bị tấn công bởi hình ảnh khiêu dâm, ngôn từ thù ghét.

Các giáo viên khổ sở vì bị chọc phá, thậm chí là vô lễ trong những giờ học trực tuyến. Còn học sinh phải tiếp nhận những thông tin độc hại.

Thông thường, các buổi học trực tuyến qua Zoom sẽ có thêm mã ID (mã số phòng) và mật khẩu để tránh người lạ tùy tiện ra vào. Song, chỉ cần một người chia sẻ, ai cũng có thể truy cập mà không gặp khó khăn.

Cuối tháng 3 năm ngoái, một trường trung học ở Massachusetts (Mỹ) báo cáo vụ việc một giáo viên đang giảng bài trực tuyến trên Zoom thì bị một kẻ nặc danh vào lớp, la hét tục tĩu và đọc to địa chỉ nhà riêng của giáo viên.

Người lạ dễ dàng vào lớp học trên Zoom. Ảnh: The Verge.

Hai tháng sau đó, lớp học nghiên cứu về kinh thánh trực tuyến được tổ chức bởi Saint Paulus Lutheran - một trong những nhà thờ có lịch sử lâu đời nhất ở thành phố San Francisco (Mỹ), cũng gặp hành vi quấy phá tương tự.

Sau khi lớp học diễn ra được 42 phút, màn hình chính của lớp học bị "hack", với các nút điều khiển bị vô hiệu hoá. Một đoạn băng khiêu dâm xuất hiện trước mặt cả lớp.

Ở Singapore, ngay trong tuần đầu tiên các trường học chuyển sang dạy trực tuyến vào cuối tháng 3 năm ngoái, nhiều sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Một trong số đó là việc hình ảnh tục tĩu nhiều lần xuất hiện đột ngột trên màn hình giảng bài hay nhiều người đàn ông lạ bỗng "vào lớp" và đưa ra bình luận “khiếm nhã” với các học sinh tuổi vị thành niên.

Theo lời một phụ huynh, con gái đang học cấp 2 của mình bị hai kẻ nặc danh gạ gẫm chụp, gửi ảnh nhạy cảm ngay trong lúc nghe giảng. Giáo viên phụ trách ngay lập tức hủy bỏ buổi học trên.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng xảy ra. Trên một vài hội nhóm kín trên mạng xã hội, một số học sinh tiết lộ ID, mật khẩu vào lớp công khai, thậm chí cố tình kêu gọi người lạ vào phá lớp học. Để đánh lừa giáo viên cho "vào lớp", những người này còn đăng tải cả tên bạn học.

Thuật ngữ Zoombombing (tạm dịch: dội bom Zoom) ra đời khi các vụ quấy phá lớp học online trên ứng dụng này diễn ra liên tiếp.

Sau khi vào được lớp, những kẻ phá phách mở nhạc, video chửi bậy, đổi tên thành các nhân vật giang hồ mạng như Ngô Bá Khá, Huấn Hoa Hồng rồi dùng lời lẽ tục tĩu trong phần tin nhắn chung của cả lớp.

Bên cạnh đó, khi bài giảng được chia sẻ trên màn hình, nhiều tài khoản Zoom còn cố tình viết bậy lên.

Nhiều nơi đồng loạt cấm

Tháng 4 năm ngoái, cảnh sát thành phố Madison (bang Connecticut, Mỹ) bắt giữ một học sinh trường Trung học Daniel Hand vì tiếp tay chia sẻ ID và mật khẩu của lớp học.

"Chúng tôi có quyền bắt giữ những kẻ truy cập lớp học trực tuyến cư xử vô học với giáo viên, cố tình quấy rối những người khác", phía cơ quan chức năng cho hay.

Cảnh sát trưởng Madison cho biết nam sinh này nhiều lần gửi link truy cập vào lớp học trên Zoom cho một YouTuber. Hai người lên kế hoạch phá hoại và YouTuber sẽ là người thực hiện những hành động thiếu tôn trọng với giáo viên sau khi vào lớp.

Cùng tháng, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ lớp học trực tuyến qua Zoom bị gián đoạn trên diện rộng.

Sau vụ việc bị quấy rối, nhà thờ Saint Paulus Lutheran đã đâm đơn kiện Zoom, chỉ trích ứng dụng này ưu tiên lợi nhuận, doanh thu thay vì đề cao bảo vệ dữ liệu và bảo mật người dùng, kèm yêu cầu bồi thường.

Thanh, thiếu niên và học sinh nhỏ tuổi trở thành nạn nhân của những kẻ lạ biến thái trên Zoom.

"Những hình ảnh khiêu dâm phát đi thật bệnh hoạn và kinh tởm", hồ sơ vụ kiện đề cập. Zoom sau đó thừa nhận kẻ đứng sau vụ tấn công là một tin tặc "đã nhiều lần thực hiện hành vi" và họ đã báo cáo nhiều lần với chính quyền về trường hợp này.

Chỉ sau một tuần giảng dạy online, Bộ Giáo dục Singapore đã ngăn giáo viên sử dụng Zoom.

Vào thời điểm đó, ông Aaron Loh - Giám đốc bộ phận thuộc Phòng Công nghệ giáo dục tại Bộ Giáo dục Singapore cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra các sai phạm từ ứng dụng này và gửi báo cáo đến cảnh sát Singapore.

Ngoài yêu cầu giáo viên không chia sẻ đường link lớp học cho bất kỳ ai, ông Loh cũng yêu cầu phụ huynh, trường học cần hướng dẫn học sinh biết ứng xử thích hợp trong giờ học online. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các biện pháp kỷ luật mạnh sẽ được áp dụng.

Khi trường học đóng cửa, học trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ như Zoom là cách phổ biến nhất để giúp việc học không bị đứt đoạn. Ảnh: Korea Times.

Chung biện pháp ngăn chặn, Đài Loan và New York là hai thành phố cũng ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng Zoom trong hệ thống trường học. Các ứng dụng an toàn hơn như Microsoft Teams, Google Meet được khuyến nghị sử dụng.

Trước một loạt bê bối về tính bảo mật liên tiếp xảy ra, Eric Yuan - Giám đốc điều hành của Zoom - đã phải lên tiếng xin lỗi người dùng.

Trong một phát biểu trên Wall Street Journal, vị CEO này cho biết công ty mình đã không đáp ứng được các kỳ vọng về quyền riêng tư và bảo mật và đang cố lấy lại niềm tin của người dùng.

Việc các lỗi trên Zoom lặp đi lặp lại liên tục được cây bút Brian X. Chen ví với câu nói "không có bữa ăn nào là miễn phí".

"Chúng xảy ra thường xuyên đến mức khiến tôi liên tưởng đến trò đập chuột trong các khu vui chơi giải trí: Hết lỗi này được sửa thì đến lỗi khác phát sinh. Việc chúng ta sử dụng một công cụ miễn phí, tiện lợi đồng nghĩa với xác định rủi ro đánh đổi khả năng mất an toàn dữ liệu và quyền riêng tư", Chen so sánh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO