Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp 

24/06/2022, 16:49

Theo Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CÐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CÐS.

Bám sát chủ trương này, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, viện trường, sở ngành hữu quan đề ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình CÐS trong nông nghiệp một cách toàn diện, hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín, cho biết:

- Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ áp dụng ngày càng sâu rộng. Ðiển hình như mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng nền tảng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái; lắp đặt thiết bị máy quan trắc khí tượng thủy văn tự động trên đồng ruộng,... Từ đó cho thấy, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã nắm bắt kịp xu thế CÐS trong nông nghiệp, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp dựa theo tập quán sang nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Cùng với đó, trên địa bàn TP Cần Thơ có các viện, trường được xếp vào loại hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp như Trường Ðại học Cần Thơ, Viện Lúa ÐBSCL,… Về phía thành phố có Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… Mới đây, Dự án Trung tâm dữ liệu ÐBSCL tại TP Cần Thơ được khởi công xây dựng; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ cũng đang xúc tiến triển khai. Ðây là những những tiền đề cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố trong quá trình CÐS nông nghiệp.

Thời gian qua, Sở KH&CN có những hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy CÐS nông nghiệp như thế nào?

- Năm 2021, thành phố có hơn 1.460 nhiệm vụ KH&CN các cấp đang tiến hành, 967 nhiệm vụ được nghiệm thu, 797 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Trong đó, có nhiều nghiên cứu khoa học hướng đến tạo nền tảng, tiền đề thuận lợi cho hoạt động CÐS trong nông nghiệp đã và đang được triển khai thực hiện: Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ; Dự án Xây dựng DNA mã vạch cây dâu Hạ Châu của TP Cần Thơ; Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên thực vật hữu ích trên địa bàn thành phố; Dự án kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ…

Ngoài ra, thông qua Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2013-2017 và giai đoạn 2018-2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng. Qua đó, có nhiều dự án trong lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến thực phẩm được hỗ trợ hướng đến số hóa như ứng dụng dây chuyền công nghệ đóng gói và bảo quản trái cây, cải tiến và đổi mới hệ thống chế biến các loại hạt nông sản...

Sở KH&CN phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp”. Xin ông vui lòng cung cấp một số thông tin về sự kiện này?

- Hội thảo diễn ra vào ngày 24-6 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Sự kiện lần này ngành Nông nghiệp cũng đóng góp rất quan trọng cho khâu tổ chức. Thông qua hội thảo nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ứng dụng vào quá trình CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng hệ sinh thái số nông nghiệp. Ðồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong quá trình CÐS nông nghiệp.

Các bài tham luận tại hội thảo xoay quanh các nội dung chính: cơ sở lý luận về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp; thực tiễn phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp công nghệ, thiết bị, mô hình tiêu biểu phục vụ CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp…

Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ có những hoạt động nào để hỗ trợ, thúc đẩy CÐS nông nghiệp thành phố, thưa ông?

- CÐS trong nông nghiệp cần được làm ngay nhưng cần phải có những bước đi chắc chắn, đặc biệt là phải giải quyết được bài toán kết nối trong CÐS. Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các sở ngành hữu quan đồng hành, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử như việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phục vụ CÐS trong nông nghiệp; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái CÐS. Ngoài ra, Sở đang triển khai thực hiện Sàn giao dịch ÐBSCL giúp thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số; hỗ trợ thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn mã QR truy xuất nguồn gốc…

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình CÐS. Vì vậy,  Sở KH&CN sẽ phối hợp với các bên có liên quan tổ chức thêm nhiều hội nghị, tập huấn về CÐS, kỹ năng sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN sẽ vận dụng lợi thế, tiềm năng về KH&CN, đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học trên địa bàn, kết nối với TP Hồ Chí Minh để cùng phối hợp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về CÐS từ Trung ương đến địa phương nhằm hướng tới trở thành trung tâm tạo ra các giải pháp KH&CN trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vùng ÐBSCL và cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO