Tháng 7-2021, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) được Hội Nông dân tỉnh chọn làm mô hình điểm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị trên nền tảng số.
Theo đó, khi tham gia đề án, các thành viên của HTX đều được tập huấn trang bị các kỹ năng lập trang web và sử dụng phần mềm quản lý quy trình chăn nuôi, đăng ký kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc thông qua việc gắn chíp điện tử riêng cho từng vật nuôi.
Anh Đào Đức Khải (thôn 3, xã Xuân Phú), thành viên HTX chia sẻ: “Ngay sau khi tham gia dự án, tôi đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm AutoAgri để nhập liệu, đăng tải toàn bộ thông tin, hình ảnh, quy trình chăm sóc vật nuôi, từ cập nhật lượng thức ăn hằng ngày, thời gian tiêm vắc xin… Bên cạnh đó, khi có việc bận tôi vẫn có thể quan sát, quản lý vật nuôi thông qua hệ thống camera gắn ở khu vực chuồng trại”.
Anh Đặng Quang Đức (bên phải), Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên hướng dẫn thành viên hợp tác xã gắn mã QR cho vật nuôi. |
Tuy mới triển khai được hơn 4 tháng, nhưng việc áp dụng công nghệ số đã bước đầu đạt hiệu quả. Hầu hết thành viên đều đã sử dụng thành thạo các phần mềm. Mô hình này cũng giúp HTX giảm chi phí vận hành quản lý, điều hành.
Anh Đặng Quang Đức, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên cho biết: “Thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình theo dõi các trang trại mà còn giúp chúng tôi kịp thời có kế hoạch, biện pháp để hướng dẫn, định hướng lại cho thành viên trong quá trình chăn nuôi làm sao để đàn heo sinh trưởng phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, việc gắn mã QR cho từng vật nuôi sẽ giúp hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký hợp đồng liên kết thu mua ngay khi đến kỳ xuất chuồng. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm, gồm: giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Việc làm này giúp tăng giá trị cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, dễ dàng đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở các thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, 10 thành viên của HTX đã dần quen với các bước thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi, thời gian tới nếu đạt hiệu quả cao, chúng tôi sẽ hỗ trợ 75 thành viên liên kết cùng tham gia mô hình này”.
Mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ số của Hợp tác xã Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên. |
Việc hỗ trợ hội viên nông dân từng bước làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật, tham gia vào các chuỗi liên kết, tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp gia tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu mà còn phục vụ hữu ích cho công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước”. Ông Lại Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Là nông hộ có trên 20 năm gắn bó với cây lúa, ông Nguyễn Đình Vinh, thành viên của HTX Nông nghiệp Thành Tín (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cho hay: “Thông qua Hội Nông dân xã, HTX, tôi được tham gia các lớp tập huấn về công nghệ số, tiếp cận với phương thức canh tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mới đây nhất, chúng tôi được tiếp cận với thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng. Nếu như trước đây việc phun thuốc bảo vệ thực vật phải thuê nhân công với mức giá khoảng 75.000 đồng/sào thì sau khi sử dụng thiết bị bay, chúng tôi chỉ chi trả 25.000 đồng/sào. So với cách làm truyền thống thì phương pháp này giúp giải phóng được sức lao động, giảm chi phí, đồng thời không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân. Đặc biệt, toàn bộ vỏ chai thuốc qua sử dụng được các nông hộ thu gom và bỏ vào nơi quy định để xử lý, không xả thải ra môi trường”.
Để giúp nông dân bắt nhịp với công nghệ số, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường củng cố phát triển tổ hợp tác, HTX đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các nông hộ.
Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ tín dụng được quan tâm, nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Nhờ đó, đến nay có nhiều hội viên nông dân đã ứng dụng chuyển đổi số và đã thu hái thành công từ khâu tiếp cận khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường nông sản và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Vân Anh