Hiệu quả bước đầu từ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

21/10/2022, 10:16

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT). Việc triển khai chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT của ngành bước đầu đạt một số kết quả.

Cơ sở y tế sử dụng thông tin từ căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về BH, ngày 21/5/2021, BHXH Việt Nam có Quyết định số 455/QĐ-BHXH ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Thời gian qua, BHXH Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng CSDLQG về BH.

Cụ thể, ngành BHXH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành phổ biến pháp luật về CĐS và xây dựng CSDLQG về BH nhằm thông tin các nội dung về CĐS và vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong triển khai xây dựng CSDLQG về BH.

BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành xây dựng dự thảo Quy định kỹ thuật về cấu trúc thông điệp dữ liệu BH, trao đổi với CSDLQG về BH nhằm thống nhất và đồng bộ các thông điệp dữ liệu, chuẩn hóa các dịch vụ cung cấp dữ liệu được chia sẻ từ CSDLQG về BH cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

Phối hợp, xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương góp ý Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ CSDL tập trung ngành BHXH Việt Nam, thay thế Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin từ CSDL tập trung ngành BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-BHXH, ngày 28/11/2018. BHXH Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo để ban hành.

Bước đầu phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế định nghĩa "Nhóm thông tin về an sinh xã hội", "Nhóm thông tin cơ bản về y tế". BHXH Việt Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin từ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT phục vụ đối chiếu, đồng bộ với dữ liệu tiêm chủng cho Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và cung cấp các thông tin từ CSDLQG về BHXH cho UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành

BHXH Việt Nam phối hợp Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục CNTT - Bộ Tư pháp triển khai, thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố; tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại BHXH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

BHXH Việt Nam nhận dữ liệu người nộp thuế do Tổng cục Thuế chuyển sang, bóc tách, xử lý dữ liệu của các gói tin; đang phân tích, đối chiếu với dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để lên biểu mẫu gửi BHXH tỉnh, thành phố khai thác.

Ngày 13-8-2022, BHXH Việt Nam có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi nhu cầu thực tế về kết nối, chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin hai bên đang quản lý để phục vụ chức năng quản lý nhà nước, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nghiệp vụ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam tại Thông báo số 123/TB-VPCP, ngày 22/4/2022.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra hoạt động hệ thống công nghệ thông tin của ngành

BHXH Việt Nam phối hợp Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định tại điểm d, điểm e, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và liên thông dữ liệu Báo cáo tình hình sử dụng lao động theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Cung cấp tiện ích tra cứu cho cán bộ thuộc các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước để tra cứu các thông tin trong quá trình giải quyết trợ cấp BHTN; phối hợp tích hợp, cung cấp dịch vụ công Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

BHXH Việt Nam còn thực hiện thành công việc kết nối kỹ thuật với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để liên thông dữ liệu theo quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan BHXH; chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP, ngày 20/4/2018 và Quyết định số 293/QĐ-TTg, ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ khám, chữa bệnh BHYT, bàn giao toàn bộ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe;...

Triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06), BHXH Việt Nam triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cụ thể, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với CSDLQG về BH; triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT. Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam xác thực 51.814.634 thông tin nhân khẩu có trong CSDLQG về BH với CSDLQG về dân cư; đồng thời, cung cấp, chia sẻ trên 60.671.408 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDLQG về dân cư. Toàn quốc có 11.521 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip phục vụ khám, chữa bệnh BHYT (chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc) với 2.978.985 lượt tra cứu.

Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại Quyết định số 1187/QĐ-BHXH, ngày 24/05/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng dịch vụ công (DVC); cung cấp DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến hết tháng 9/2022, có 262 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.

Trong liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ các đơn vị để tham gia hoàn thiện quy trình, tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông; đã tham gia ý kiến vào tài liệu kỹ thuật, cung cấp các API theo yêu cầu của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BHXH, ngày 01/7/2022 ban hành quy trình tiếp nhận Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp theo DVC Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia; Quyết định số 1433/QĐ-BHXH, ngày 18-7-2022 ban hành DVC trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp để sẵn sàng triển khai tiếp nhận bản điện tử Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử khi ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chuyển bản điện tử Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sang hệ thống của BHXH Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2022, BHXH Việt Nam tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 24.975 trường hợp, phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

BHXH Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên dữ liệu của CSDLQG về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Hiện nay, đầu mối của BHXH Việt Nam đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đơn vị đầu mối của Bộ Công an; nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vào các hệ thống của BHXH Việt Nam.

Tất cả thủ tục hành chính đều được thực hiện trên không gian số

BHXH Việt Nam hiện hoàn thành việc cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia, 7 DVC trên ứng dụng VssID. Như vậy, tất cả thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian số. Điều này giảm tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Việc thực hiện trên không gian số giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ, chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Trong 9 tháng năm 2022, toàn ngành tiếp nhận và xử lý 70.368.913 hồ sơ giao dịch điện tử.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện CĐS mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT làm trung tâm; hình thành ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI,... để mang lại lợi ích cho toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu CĐS quốc gia./.

M.Đ

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO