Sự cần thiết của y tế số từ thực tế phòng chống, dịch COVID-19
Mở đầu buổi hội thảo, TS.BS Đỗ Thị Tường Oanh, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã nêu bật sự cần thiết của y tế số trong việc giảm tải áp lực cho các bệnh viện, bác sĩ, điều dưỡng cho đến các hiệu thuộc… đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Vào giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại TPHCM, lây lan nhanh, trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến nhiều người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế; tình trạng quá tải ở các bệnh viện; bệnh nhân COVID-19 tại nhà, các khu cách ly không thể được theo dõi hết, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong…
Trước tình hình đó, bác sĩ Oanh cùng PGS.TS Hồ Thanh Phong, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), cùng eDoctor và các cộng sự đã triển khai chương trình "SPO2 tại nhà", giúp các địa phương kết nối được nguồn lực chuyên môn, gồm bác sĩ và nhân viên y tế cơ sở; kịp thời theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà; chuyển những trường hợp trở nặng đến bệnh viện điều trị…
Thông qua ứng dụng, nền tảng công nghệ, chương trình với mục tiêu theo dõi bệnh nhân từ xa này đã được triển khai đồng bộ tại 3 quận, huyện tại TPHCM và 2 tỉnh Đồng Tháp, Long An… Ước tính đội ngũ gần 100 chuyên gia của chương trình đã tư vấn tận tình cho hơn 4.000 F0, giúp họ có được những hướng dẫn cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, giảm tải áp lực lực cho các bệnh viện… Đến nay, việc theo dõi bệnh nhân từ xa này vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, hiện tại chủng Omicron đang thay thế dần chủng Delta, có khả năng lây lan nhanh, diễn biến dịch trong tương lai vẫn phức tạp, khó nói trước điều gì. Vì thế, y tế số Việt Nam cần đi trước 1 bước để có sự chuẩn bị tốt nhất, nhằm ứng phó với đại dịch.
Thực trạng và thách thức của y tế số Việt Nam
Tính đến hết năm 2021, 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim; 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Từ trước dịch COVID-18, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau.
Số lượng các ứng dụng phục vụ y tế số cũng tăng nhanh trong những năm vừa qua như eDoctor, DoctorAnywhere, Jio Health, AI Health... Xu hướng chung của thị trường đang ủng hộ việc số hóa hoạt động y tế. Trên thực tế, người dân đã quen với các dịch vụ được cung cấp thông qua các ứng dụng công nghệ như tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, đặt mua vật tư và thiết bị y tế gia đình...
Từ những kết quả đáng khích lệ của chương trình "SPO2 tại nhà", ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc điều hành SIHUB nhấn mạnh hệ sinh thái y tế số sẽ đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực y tế như người dân, cộng đồng đến các bệnh viện, bác sỹ, điều dưỡng cho đến các hiệu thuốc… Ngoài ra, y tế số sẽ giảm áp lực cho các bệnh viện, gia tăng tiện ích cho người dân, giúp đội ngũ y bác sỹ tiết kiệm thời gian đưa ra chẩn đoán, điều trị bệnh nhờ vào hệ thống dữ liệu, công nghệ hiện đại, kết nối thông suốt.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai thực hiện theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Để triển khai thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, ngoài vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp công nghệ góp phần vô cùng quan trọng trong việc biến những chủ trương, chính sách, định hướng thành giải pháp, ứng dụng y tế cụ thể.
Ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành của eDoctor nhấn mạnh nguồn lực xã hội cần được huy động hiệu quả để đẩy nhanh quá trình số hoá trong hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân, hướng đến nền y tế thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế từ xa và tại nhà; giảm tải cho các cơ sở y tế; hướng đến việc mỗi gia đình Việt Nam có 1 bác sĩ gia đình trực tuyến…
Nhân dịp này, SIHUB và eDoctor sáng lập Câu lạc bộ Y tế số với sự tham gia của những chuyên gia nhiều năm trong ngành, góp phần nhanh chóng đưa nền tảng y tế số vào cuộc sống, tạo mô hình thành công và nhân rộng ra các địa phương khác.