Hạn chế những hệ lụy từ giao dịch online

04/10/2023, 09:55

Các chiến dịch truyền thông sẽ giúp tạo hiệu ứng, lan tỏa năng lượng tích cực, nâng cao ý thức cho người dân, hướng tới xây dựng kênh giao dịch online an toàn, phát triển bền vững...

Nhà tôi đặt mua thực phẩm từ một địa chỉ bán hàng quen thuộc trên mạng có địa chỉ ở trung tâm thành phố. Chưa đầy hai giờ sau đã nhận được điện thoại của shipper báo nhận hàng.

Thật khó hình dung khi lượng hàng chỉ có vài ki-lô-gam mà người mua phải xử lý một khối lượng lớn những loại phụ trợ đi kèm. Nào là khay nhựa, giấy bạc, túi nilon hút chân không, hộp xốp, băng keo, vật liệu bao gói... toàn những thứ rất khó phân hủy trong tự nhiên.

Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng những loại hàng trên, nếu trực tiếp mua ở chợ hoặc siêu thị thì chỉ cần một cái túi xách. So sánh như vậy để thấy, hệ lụy rác thải nhựa từ giao dịch online đang là một thách thức lớn đối với môi trường. Chỉ cần quan sát hoạt động thu gom rác tại các khu chung cư, nơi có số lượng người dân giao dịch online nhiều nhất cũng thấy, lượng rác thải khó phân hủy khủng khiếp đến mức nào.

Hệ lụy như thế, nhưng vấn đề này trên thực tế lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế nó.

Sau đại dịch Covid-19, giao dịch online phát triển mạnh, trở thành kênh chủ đạo ở các đô thị lớn. Tiện ích của thương mại online giúp người kinh doanh tiết kiệm được những khoản chi phí không hề nhỏ từ thuê mặt bằng, người mua thì tiết kiệm được thời gian, công sức. Môi trường này cũng tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người dân, phổ biến là thị trường shipper. Rất nhiều người trẻ nhạy bén với thời cuộc đã khởi nghiệp thành công với mô hình thương mại online.

Sự phát triển mang đến tiện ích cho đời sống xã hội là rất đáng khuyến khích, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các mô hình kinh tế số. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng gây ra nhiều phức tạp cho đời sống xã hội.

Câu chuyện gánh nặng rác thải nhựa từ giao dịch online chỉ là một phần hậu quả xấu. Những hệ lụy phổ biến lâu nay là tình trạng lừa đảo, bùng phát tội phạm công nghệ cao, môi trường cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... phát triển. Tình trạng buôn lậu, trốn thuế qua giao dịch online cũng diễn biến phức tạp.

Giao dịch thương mại online tiện ích bao nhiêu thì những hệ lụy nó gây ra cũng lớn bấy nhiêu. Trong lúc sức “đề kháng” của thị trường còn non yếu do trình độ dân trí, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông minh của đại đa số người dân còn hạn chế, các loại tội phạm sẽ nhắm vào những khâu yếu nhất, lơi lỏng nhất để thực hiện hành vi phạm pháp. Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, thông tin về nạn nhân của lừa đảo online, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao xuất hiện nhan nhản, nhưng số vụ được phát hiện, xử lý vô cùng khiêm tốn.

Trong bối cảnh đó, đưa ra những cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác là vô cùng cần thiết. Nhưng, những việc chúng ta đã làm được là quá ít. Từ những hệ lụy nhãn tiền, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện các chế tài pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này, rất cần phải có những chiến dịch truyền thông.

Việc này cần được tổ chức quy mô, bài bản, có trọng tâm, nhằm khai thác tiện ích, hạn chế hệ lụy. Ngay cả việc tưởng như đơn giản là lạm dụng sản phẩm nhựa để bảo vệ, bảo quản, vận chuyển hàng, là tác nhân gây áp lực nặng nề cho môi trường, cũng cần tạo chuyển biến ngay từ nhận thức. Các chiến dịch truyền thông sẽ giúp tạo hiệu ứng, lan tỏa năng lượng tích cực, nâng cao ý thức cho người dân, hướng tới xây dựng kênh giao dịch online an toàn, phát triển bền vững...

NGUYỄN ĐỨC GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan. 

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO