Hà Tĩnh bắt nhịp chuyển đổi số

21/01/2023, 09:16

Hà Tĩnh đang từng bước tiếp cận phương thức phát triển mới, hình thành xã hội số và xây dựng nền kinh tế số để mở ra một không gian phát triển mới, làm chủ công nghệ, vươn tầm, hòa nhập với thế giới.

Hoạt động thanh toán trực tuyến tại chợ Hà Tĩnh.

Hiệu quả từ chuyển đổi số

Trong những ngày cuối năm, hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc khách hàng và bà con tiểu thương làm quen với hình thức thanh toán trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Tín - chủ cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng thực ra thanh toán trực tuyến rất dễ. Chúng tôi liên kết với nhiều ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để tạo tiện lợi cho khách hàng. Hiện tại, giao dịch online tại cửa hàng nhỏ của chúng tôi đã chiếm khoảng 50%. Riêng với hoạt động nhập hàng, chúng tôi nhận qua đơn vị vận chuyển và thanh toán trực tuyến mà không cần gặp gỡ đối tác”.

Vừa thao tác chuyển tiền thanh toán, anh Nguyễn Văn Hiếu (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) cùng tham gia vào cuộc trò chuyện: “Cá nhân tôi hiện rất ít khi sử dụng tiền mặt. Không chỉ khi đi chợ mà trong thanh toán nhiều loại hóa đơn khác, hay đi ăn nhà hàng, uống cà phê…, chúng tôi đều thanh toán trực tuyến qua Internet Banking, mobile Banking, như vậy, vừa nhanh, vừa tiện lợi”.

HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp số trên diện tích 30 ha.

Bên cạnh thanh toán số, chuyển đổi số cũng đang góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà. HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc) là một trong những điển hình áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp số trên diện tích 30 ha. Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư 3,3 tỷ đồng cho hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng theo công nghệ Israel. Với phần mềm được lập trình sẵn, công nghệ tưới tiên tiến đã giải phóng sức lao động rất lớn. Theo tính toán, nếu làm thủ công, muốn tưới hết trang trại phải cần ít nhất 20 công nhân làm việc trong nhiều giờ liền. Còn hiện nay, chỉ cần một số thao tác trên điện thoại di động hoặc máy tính là đã có thể hoàn thành công việc”. Bên cạnh đó, HTX đã và đang đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, thực hiện thanh toán trực tuyến… Hiện HTX có gần 5.000 gốc bưởi, 5.000 gốc cam, 1.500 gốc ổi, 1.000 cây thanh long, 800 gốc táo và khoảng 2.000 cây các loại. Doanh thu của HTX đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm, trong đó, gần 30% các sản phẩm hàng hóa của HTX được mua bán qua các sàn thương mại điện tử.

Phát triển hạ tầng, xây dựngchính quyền số, triển khai dữ liệu mở

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trang bị máy tính có kết nối internet miễn phí để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Hạ tầng số bao gồm: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng trung tâm dữ liệu, là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT chia sẻ: Tại Hà Tĩnh, cơ sở hạ tầng số cơ bản đảm bảo phục vụ cộng đồng. Đến nay, đã có khoảng 98% vùng dân cư được phủ sóng di động 4G, cáp quang đến 100% xã. Dự kiến năm 2023 tỉnh sẽ thực hiện xóa 100% vùng lõm sóng. Cùng đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT và các cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương được duy trì, bảo đảm phục vụ công tác quản lý Nhà nước thường xuyên. Ngoài ra, việc triển khai cơ sở dữ liệu đất đai đã thực hiện trên hầu hết các địa phương. Việc khai thác, ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư đang từng bước được triển khai theo đúng lộ trình.

Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2022-2027 được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua triển lãm thực tế ảo, triển lãm ảnh điện tử, điểm danh đại biểu bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt, số hóa tài liệu Đại hội qua mã QR và kiểm phiếu bằng phần mềm điện tử…

Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng chính quyền số là đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành, qua đó làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Tại Hà Tĩnh, đến nay, 100% văn bản gửi nhận giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện trên môi trường số; 95% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện được thực hiện qua không gian mạng. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; ứng dụng đồng bộ chữ ký số;... 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có cổng/trang thông tin điện tử. Thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp cổng dịch vụ công của tỉnh.

Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số trên phạm vi toàn tỉnh, thúc đẩy cải cách hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó, phát triển KT-XH trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc.

Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số trên phạm vi toàn tỉnh.

Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Hà Tĩnh sẽ là một trong những địa phương tiên phong triển khai và quản trị tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh là triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu và chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP); từng bước kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, xây dựng cổng dữ liệu số cấp tỉnh (data.hatinh.gov.vn) trên cơ sở tích hợp các thành phần dữ liệu của các ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; kết nối với cổng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển cơ sở dữ liệu mở phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Song song với đó, tỉnh sẽ tiếp tục từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, hướng đến xã hội số. Trong đó, tập trung các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chuyển đổi nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số. Xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đối với các lĩnh vực, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm phụ trợ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Thúc đẩy các cơ sở kinh doanh bán lẻ ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO