Giữa vòng xoáy COVID-19: Ngân hàng song hành cùng dịch vụ công trực tuyến

Hương Giang | 09/07/2021, 10:37

Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trong khi dịch vụ công vẫn phải hoạt động xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy, để hỗ trợ người dân và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, ngành Ngân hàng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tích cực tham gia.

Ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn tăng lên từng ngày, một số nơi phải áp dụng giãn cách xã hội, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp vẫn được đảm bảo thông suốt nhờ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Tính đến 6/2021 đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc kết nối, cung cấp dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 7000 giao dịch cho dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử trong khu vực công, tiếp tục được chú trọng, mở rộng.

Đánh giá về kết quả 3 năm (2018-2020) thực hiện Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng cho biết hoạt động này đã mở rộng về số lượng dịch vụ, về quy mô xử lý và chất lượng dịch vụ, như 92,3% các giao dịch thu ngân sách và 94,35% số tiền điện được thực hiện thanh toán qua ngân hàng, vượt mức mục tiêu đề ra tại Đề án.

"Đến nay, nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được kết nối tới hầu hết các tài khoản tại các ngân hàng, cho phép mở rộng mạng lưới thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia", Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy mạnh trong lĩnh vực công, nhiều ngân hàng đã tích cực tham gia. Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Ngân hàng đang triển khai thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với hơn 1.000 dịch vụ công như: nộp lệ phí trước bạ và tờ khai đăng ký ôtô, xe máy; nộp lệ phí phạt vi phạm giao thông; đăng ký đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp... 

Hay tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), số lượng giao dịch trung bình hằng tháng thanh toán dịch vụ trong năm 2020 tăng hơn 55% so với 2019. Doanh số giao dịch trung bình hằng tháng thanh toán dịch vụ năm 2020 tăng hơn 68% so với 2019.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam - NAPAS (với vai trò là tổ chức chuyển mạch) cho phép kết nối thanh toán trực tiếp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia với tất cả các tổ chức tín dụng/trung gian thanh toán có nhu cầu.

Từ tiện ích vượt trội đến lợi ích 5K

Để có được kết quả này, ngành Ngân hàng đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, các tổ chức cung ứng dịch vụ công, ngân hàng, các trung gian thanh toán để mở rộng, phát triển các hình thức thanh toán điện tử mới tiện lợi, an toàn bảo mật, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng. Hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ công đã thực hiện liên kết thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động với các trung gian thanh toán, các ngân hàng, giúp cho việc thanh toán tiện lợi hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, để TTKDTM trong dịch vụ công đến gần hơn với khách hàng, nhiều chương trình miễn giảm phí, ưu đãi dịch vụ thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thực hiện nhằm thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Đơn cử như chương trình miễn phí giao dịch cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khi TTKDTM trong dịch vụ công đến hết năm 2021 của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). 

Với việc thực hiện thanh toán trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể giảm được 3 lần đi lại trực tiếp tới các cơ quan và thực hiện trên môi trường điện tử từ bất kỳ địa điểm và khung thời gian nào. 

Theo đó, người dân không tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện thủ tục thành toán; không tập trung, không cần đến cơ quan thuế, ngân hàng; không tiền mặt, không chứng từ giấy, không cần nộp chứng từ cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; không giới hạn bởi khung giờ hành chính, địa điểm thực hiện, có thể nộp tiền bất cứ lúc nào kể cả ngoài giờ hành chính hay trong những ngày nghỉ.

Với các giải pháp này, nhiều chuyên gia đánh giá, việc thực hiện TTKDTM không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực với người dân, doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị liên quan; góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng, chống đại dịch COVID-19...

Để TTKDTM trong dịch vụ công phát huy vai trò trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai hệ thống bù trừ điện tử ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đưa ra cam kết việc kết nối TTKDTM trong dịch vụ công sẽ được triển khai trên hệ thống công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo đúng quy trình nghiệp vụ, an toàn, chính xác, gia tăng giá trị cho khách hàng.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO