Dư luận tin rằng trường học là nơi thích hợp để giáo dục cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch. Tư duy phê phán và sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm là những kỹ năng quan trọng ngày nay, cần thiết để định hướng trong thế giới hiện đại.
Trường học nơi thích hợp để dạy giới trẻ bảo vệ bản thân trước những thông tin sai lệch
Theo báo cáo của Đại học Harvard (Mỹ), những người trẻ dưới 25 tuổi là nhóm tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch nhất và dễ tin vào nó nhất.
Đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra rằng, thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến cuộc sống con người như thế nào và nó có thể ảnh hưởng mức độ nào đến quá trình ra quyết định về các vấn đề chính trị và xã hội quan trọng, chẳng hạn như tiêm chủng. Bản chất của tin tức giả mạo và vai trò của các nền tảng truyền thông xã hội trong việc truyền bá nó, giới trẻ là nhóm mục tiêu ưu tiên của những chuyên gia đào tạo truyền thông hiện nay.
Trong số 2,8 triệu tin nhắn được chia sẻ trên Twitter, 59% được người dùng chia sẻ mà không cần mở liên kết trước.
Viện Kościuszko, hợp tác với Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan, đang triển khai cuốn sổ tay tiên phong "Với một tấm chắn - cách bảo vệ bản thân trước những thông tin sai lệch" dành cho giới trẻ. Nhiệm vụ bao quát của dự án là chuẩn bị tốt hơn cho học sinh, sinh viên và giáo viên, điều này vừa nâng cao nhận thức về các biểu hiện, hậu quả tiềm ẩn và bản chất của các mối đe dọa, vừa trang bị cho họ các công cụ để chống lại thông tin sai lệch một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Viện Kościuszko có thể góp phần hiểu rõ hơn về vai trò của các yếu tố chính trị, công nghệ và xã hội (địa lý) trong việc lan truyền các gián đoạn môi trường thông tin.
Thực tế rõ ràng là giới trẻ, thích mạng xã hội (Facebook, Instagram và YouTube) hơn là các phương tiện truyền thông truyền thống (kênh truyền hình, phát thanh, báo) là nguồn thông tin về mọi thứ. Trong xã hội hiện đại, giới trẻ có thể có được bất kỳ loại thông tin nào thông qua điện thoại thông minh của các em. Giới trẻ dành nhiều thời gian trực tuyến và tích cực tham gia chia sẻ, bình luận, đăng bài và phản ứng với một số xu hướng nhất định vì nội dung thú vị, video giải trí, hình ảnh đẹp và meme vui nhộn. Tuy nhiên, trong lúc lên mạng giải khuây, người trẻ cũng có nguy cơ bị bắt nạt trên mạng, quấy rối, thông tin sai lệch và vấn đề an ninh kỹ thuật số.
Quốc gia lân cận Việt Nam là Campuchia cũng đã có những bước chuẩn bị khá kỹ và đầy đủ khi mạnh dạn đưa kiến thức truyền thông trong trường trung học áp dụng cho cả những thanh niên nông thôn. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao của Campuchia đã phê duyệt việc đưa kiến thức truyền thông vào chương trình giảng dạy chính thức ở bậc trung học. Chương trình giảng dạy kiến thức truyền thông điện tử bao gồm các cuộc thảo luận về các phương tiện truyền thông như Facebook, Twitter, Line, Instagram và Google+ bắt đầu từ năm học 2016-2017.
Môi trường truyền thông và công nghệ truyền thông mới là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của thanh niên Campuchia nói riêng, của giới trẻ toàn cầu nói chung. Việc mạnh dạn đưa vào học đường những kiến thức, chương trình đào tạo này với mục đích giúp họ ý thức về cách thức định hình các phương tiện truyền thông, văn hóa và quan điểm phổ biến cũng như cách chúng ảnh hưởng đến sự lựa chọn cá nhân, biết cách sử dụng Internet và cách tự bảo vệ mình trong thế giới mạng ồn ào và sôi động. Điều này sẽ cho phép các em hòa thuận với bạn bè cùng trang lứa ở các nước phát triển hơn.
Giáo dục truyền thông có tính chất tích lũy và bạn bắt đầu học càng sớm thì càng tốt. Giáo dục truyền thông được đưa rộng rãi vào chương trình giảng dạy của Phần Lan. Nó bắt đầu từ giáo dục mầm non và được dạy thông qua giáo dục cơ bản, và tích hợp như một phần của nhiều môn học ở cấp học mầm non.
Những bước đầu tiên để hiểu biết về truyền thông được thực hiện trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non thông qua việc tò mò, vui chơi và thử nghiệm không thiên vị. Trẻ em được làm quen với các phương tiện truyền thông hàng ngày từ rất sớm. Phương tiện truyền thông được sử dụng khi trẻ cùng khám phá môi trường, tìm kiếm thông tin về các vấn đề trẻ quan tâm hoặc các vấn đề được chia sẻ. Sự tương tác và tôn trọng người khác, những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, được thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh việc trải nghiệm và làm mọi việc, trẻ còn học cách sử dụng các thiết bị và nội dung đa phương tiện một cách an toàn và có trách nhiệm cùng với người lớn.
Phương pháp đào tạo, tiếp cận cần sáng tạo và phù hợp với tư duy người trẻ
Các quốc gia phát triển đã và đang đào tạo đội ngũ giáo viên thành người huấn luyện, đảm nhận cung cấp các khóa về đào tạo truyền thông thường xuyên, lâu dài cho sinh viên, học sinh. Thông thường, điểm chung là chương trình đào tạo không sử dụng bài giảng làm phương pháp giảng dạy như truyền thống và khô khan. Thay vào đó, cho phép cách tiếp cận có sự tham gia tích cực, cho phép học sinh vui chơi trong khi học tập, vừa học, vừa chơi. Học sinh thích thú với các trò chơi chủ đề đa dạng cùng chuyên gia. giảng viên, động não, tranh luận, phát triển sản phẩm truyền thông..v.v.
Ngoài ra, họ còn có cơ hội suy nghĩ sâu hơn, suy ngẫm và thảo luận về các vấn đề liên quan đến truyền thông. Chủ đề tạo các sản phẩm truyền thông như ảnh hoặc video về các chủ đề cụ thể với điện thoại thông minh. Những chủ đề này gắn liền với cuộc sống của học sinh, do đó các em trở nên tự tin hơn trong việc sử dụng phương tiện truyền thông để chia sẻ câu chuyện của mình và đóng góp vào cuộc thảo luận ở các nền tảng mạng xã hội.
“Nói với tôi thì tôi sẽ quên. Dạy tôi, có lẽ tôi sẽ nhớ. Hãy cho tôi tham gia và tôi sẽ học được". (Benjamin Franklin).
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc trực quan hóa, giáo viên ở nhiều quốc gia tiến bộ đã áp dụng cách dạy kiến thức về truyền thông kỹ thuật số thông qua trò chơi sáng tạo.
Hiểu được sức mạnh của phương tiện kỹ thuật số và cách vận dụng nó là một kỹ năng quan trọng nên “Hands on Media Education” là một tổ chức của Canada sử dụng hoạt hình stop-motion để giới thiệu những khái niệm này cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Giám đốc Jessie Curell cũng khẳng định lợi ích của việc trực quan hóa, học qua các trò chơi.
Dạy công dân ở mọi lứa tuổi cách tương tác với các công cụ kỹ thuật số bằng cách trở thành người sáng tạo tích cực của phương tiện truyền thông, thay vì người tiêu dùng thụ động, là những gì tổ chức này đã và đang làm.
Hoạt hình stop-motion là một trải nghiệm hấp dẫn cho tất cả mọi người. Hội thảo về iPad Stop Motion Animation của “Hands on Media Education” khuyến khích những kỹ năng này với cả thanh thiếu niên, người lớn cũng như người lớn tuổi. Bản chất xúc giác và kỹ thuật số của dự án, kết hợp với tính chất linh hoạt và dễ tiếp cận của hội thảo, đảm bảo trải nghiệm hấp dẫn cho tất cả mọi người. Suy cho cùng thì hoạt hình là việc tạo ra phép thuật và mọi người ở mọi lứa tuổi đều thích thú với thế giới của trí tưởng tượng và sự tưởng tượng.
'Kiến thức truyền thông' là khả năng sử dụng, hiểu, phân tích và sản xuất phương tiện truyền thông. Bằng cách tạo hoạt ảnh trên iPad, người sáng tạo cũng đang học các kỹ năng đọc viết kỹ thuật số quan trọng, chẳng hạn như điều hướng trên màn hình cảm ứng, chụp ảnh, sản xuất video, chỉnh sửa video, ghi âm giọng nói, âm nhạc và bổ sung hiệu ứng âm thanh.
“Hands on Media Education” là một tổ chức trao quyền cho các nhà giáo dục, học sinh và phụ huynh những kỹ năng đọc viết kỹ thuật số quan trọng thông qua cách kể chuyện và sáng tạo. Đây cũng được xem là một trong những hình mẫu để giáo viên tham khảo và vận dụng.
Tại sao tất cả các chuyên gia, các nhà giáo dục cần am hiểu về kiến thức truyền thông?
Bà Linda Ellerbee, người dẫn chương trình Nick News (1992-2015), cho biết: “Hiểu biết về truyền thông không chỉ quan trọng mà còn vô cùng quan trọng. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa việc trẻ em là công cụ của truyền thông đại chúng hay truyền thông đại chúng là công cụ để trẻ em sử dụng”. Nói cách khác, chúng ta muốn học sinh bị phương tiện truyền thông thao túng hay chúng ta muốn trao quyền cho họ sử dụng phương tiện truyền thông?
Các nhà học giả lĩnh vực truyền thông tin chắc rằng nhiệm vụ của mỗi giáo viên là chuẩn bị cho học sinh trở thành những công dân hiểu biết và hữu ích của thế kỷ 21. Người trẻ hiện nay dành trung bình từ 6-9 giờ để sử dụng phương tiện truyền thông mỗi ngày. Mức thời gian này chưa bao gồm thời gian để làm bài tập về nhà.
Vì vậy, vấn đề đặt ra không còn là liệu học sinh, con em chúng ta có trở thành công dân kỹ thuật số hay không mà là liệu họ có trở thành công dân kỹ thuật số tốt và nhà lãnh đạo kỹ thuật số hay không! Với sự hướng dẫn về kiến thức truyền thông, họ có thể là cả hai.
Khi công nghệ không ngừng phát triển, việc truy cập phương tiện truyền thông trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên, nó vẫn mang đến nhiều hệ lụy, mặt trái.
Chính vì vậy, việc giảng dạy kiến thức về truyền thông cung cấp người trẻ, thanh thiếu nhiên những kỹ năng giúp họ trước hết có tư duy phản biện về truyền thông là đòi hỏi cấp thiết. Việc này cũng trang bị các kỹ năng khác của thế kỷ 21 đang đòi hỏi và đặt ra. Đó là những kỹ năng thích ứng, sáng tạo, hợp tác và giao tiếp, cũng như nâng cao kỹ năng hiểu biết về kỹ thuật số thông qua tương tác với các phương tiện truyền thông, thông tin và công nghệ. Hướng dẫn kiến thức về truyền thông cũng có thể giúp học sinh phát triển thành những người tiếp nhận, tiêu thụ tin tức tích cực, xác định các nguồn đáng tin cậy, thừa nhận những thành kiến trong truyền thông và là người tạo ra truyền thông có trách nhiệm. Đây là một một phần không thể thiếu trong lớp học, đời sống học đường.
Để xã hội có những công dân số thành công, thông thái ở thế giới trực tuyến, vai trò của đội ngũ nhà giáo, người làm công tác giáo dục là cực kỳ quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết./.