Giao dịch tài chính trực tuyến phải bảo mật nhưng vẫn cần linh hoạt, tốc độ cao

30/11/2022, 09:51

Tổng giám đốc AWS Đông Nam Á khẳng định hệ thống thanh toán kỹ thuật số cần bảo mật nhưng vẫn phải bảo đảm tính linh hoạt, dễ mở rộng và tốc độ xử lý nhanh chóng.

Ông Conor McNamara, Tổng giám đốc AWS khu vực Đông Nam Á, cho hay dịch vụ ngân hàng số là một trong hai xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn khu vực trong năm vừa qua. Nhờ xây dựng trên nền tảng đám mây, các ngân hàng số dễ dàng mở rộng quy mô khi số lượng người dùng ngày một tăng.

Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ tài chính kỹ thuật số ra đời trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, và người dân ngày càng sử dụng dịch vụ online nhiều hơn. 

Ông Conor McNamara, Tổng giám đốc AWS khu vực Đông Nam Á, đánh giá mảng ngân hàng số phát triển mạnh tại Việt Nam năm qua. (Ảnh: Hải Đăng)

Đánh giá của AWS phù hợp với công bố mới do Google, Bain & Company thực hiện. Theo đó, do sự thay đổi hành vi ngoại tuyến sang trực tuyến của người dùng Đông Nam Á sau đại dịch, tất cả các phân ngành liên quan dịch vụ tài chính số - thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư, bảo hiểm – đều tăng trưởng hai con số.

Báo cáo cũng cho thấy, các ngân hàng số ngày càng tung ra nhiều dịch vụ đa dạng hướng đến người tiêu dùng đại chúng và những người chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Dưới áp lực này, các ngân hàng truyền thống buộc phải đẩy nhanh quá trình số hóa.

Trong tiến trình chuyển đổi, ông Conor cho rằng các tổ chức tài chính cần đa dạng hoá dịch vụ, song cũng cần bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu.

“Hệ sinh thái thanh toán rất rộng mở và đan xen, vì vậy các thành phần phải kết nối được với nhau và dễ mở rộng”, ông Conor đề cập đến việc tích hợp nhiều dịch vụ liên quan với nhau trong một ứng dụng, và mở rộng chúng khi số lượng người dùng tăng lên.

Trong quá trình này, vấn đề an toàn và bảo mật cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài trung tâm dữ liệu cần được bảo vệ, các thuật toán, các dịch vụ cùng cần đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Dữ liệu cũng phải được mã hoá, phân quyền, và nhiều tiêu chuẩn ngành khác cần được đáp ứng.

“Những điều này giúp xây dựng một hệ thống thanh toán đa năng, dễ mở rộng nhưng cũng bảo mật”, ông Conor nói với VietNamNet. 

Dù đề cao an toàn nhưng các tổ chức tài chính khi xây dựng dịch vụ, sản phẩm cũng nên cân bằng yếu tố này với hiệu năng. Thông thường, do các lớp bảo mật được xây dựng kỹ lưỡng và nhiều lớp, tốc độ xử lý sẽ giảm xuống, gây ảnh hưởng đến việc vận hành toàn hệ thống và trải nghiệm của khách hàng.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần xây dựng dịch vụ trên các tảng đám mây có tính bảo mật cao nhưng tốc độ xử lý đủ nhanh, ông Peter DeSantis, Phó chủ tịch cấp cao mảng điện toán đám mây (AWS) nói tại sự kiện re:Invent của hãng này đang tổ chức tại Las Vegas (Mỹ).

Ông Peter DeSantis, Phó chủ tịch cấp cao mảng điện toán đám mây (AWS), cho rằng bảo mật là cần thiết nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu năng xử lý trên đám mây. (Ảnh: Hải Đăng)

Trong sự kiện, AWS giới thiệu một chip xử lý mới sử dụng cho nền tảng điện toán đám mây của họ, hứa hẹn mức tăng hiệu suất lên khoảng 35% tuỳ công việc. Độ trễ xử lý cũng thấp hơn, hiệu suất trên mỗi watt tốt hơn tới 40% so với trước. Để đạt được điều này, AWS đã tăng gần gấp đôi số lượng bóng bán dẫn trong con chip Nitro mới.

Khi hiệu năng xử lý trên đám mây được cải thiện, những dịch vụ chạy trên đó được hưởng lợi theo. Chẳng hạn, Timo, một dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam, vừa xây dựng nền tảng ngân hàng lõi của họ lên đám mây, hứa hẹn nâng cao tính bảo mật và tốc độ xử lý. Nền tảng mới này được kỳ vọng giúp Timo tăng lên 5 triệu người dùng vào năm 2025, và xử lý liên tục 2 triệu giao dịch tài chính hàng tháng, bao gồm chuyển khoản, quản lý và tiết kiệm tiền trên thiết bị di động.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Trong 6 tháng năm 2022, thanh toán di động ghi nhận tăng trưởng lần lượt 98,3% và 84,3% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động và dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 30,2% trong giai đoạn 2020-2027.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO