Giao dịch điện tử với kho bạc sắp có hành lang pháp lý cụ thể

03/06/2021, 15:11

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Đây không chỉ là hành lang pháp lý quan trọng để KBNN hiện thực hóa mục tiêu hình thành “kho bạc số” mà còn mang đến sự thuận tiện và minh bạch hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Kho bạc nhà nước Thành phố Thủ Đức vắng bóng khách hàng

Giao dịch dễ hơn, minh bạch hơn

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I và triển khai công việc trọng tâm năm 2021 của hệ thống KBNN, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Chi yêu cầu các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc.

Thực hiện chỉ đạo này, các đơn vị đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định cụ thể các giao dịch điện tử giữa KBNN với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và trong nội bộ hệ thống kho bạc và trình Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến đóng góp.

Theo dự thảo Thông tư, cổng thông tin điện tử của KBNN (địa chỉ truy cập là https://vst.mof.gov.vn/) là điểm truy cập duy nhất của KBNN trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà KBNN cung cấp. Tài khoản đăng nhập do KBNN cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo cũng quy định rõ, giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN được thực hiện qua các trang thông tin điện tử tích hợp của Cổng thông tin điện tử KBNN bao gồm: giao dịch điện tử liên quan đến việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN trên môi trường điện tử; các giao dịch điện tử liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng, hợp đồng điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN; giao dịch chia sẻ dữ liệu số trong hoạt động nghiệp vụ KBNN; các giao dịch điện tử khác trong hoạt động nghiệp vụ KBNN.

Theo đó, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức điện tử qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN. Riêng thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đáng chú ý, theo dự thảo Thông tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch bằng phương thức điện tử thì không phải thực hiện phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. KBNN cũng không yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp lại dữ liệu mà KBNN đang quản lý hoặc dữ liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu phục vụ cập nhật hoặc sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra dữ liệu.

Để tạo sự minh bạch cho các giao dịch điện tử, dự thảo Thông tư quy định KBNN được giao kết hợp đồng bằng hình thức điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Hiện thực hóa mục tiêu “kho bạc số”

Thời gian qua, hệ thống KBNN đã nỗ lực cải cách và triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm hình thành kho bạc số, hay còn gọi là kho bạc “ba không” - không chứng từ, không khách hàng, không tiền mặt như: “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến tới tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách; đa dạng và hiện đại hóa các phương thức thu ngân sách (thu ngân sách nhà nước qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, Internet banking, Mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng thương mại…); triển khai Chương trình quản lý thu ngân sách nhà nước để kết nối, trao đổi, thống nhất thông tin, dữ liệu điện tử về thuế, phí, lệ phí giữa KBNN, cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản và phối hợp thu.

Kết thúc năm 2020, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước đi qua dịch vụ công trực tuyến đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến.

Cũng tại thời điểm này, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,71% so với tổng thu qua KBNN (giảm 0,1% so với cuối năm 2019); số chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua KBNN chiếm 1,1% so với tổng chi qua KBNN (giảm 1,42% so với cuối năm 2019). Ngay cả các giao dịch của những cá nhân nhỏ lẻ liên quan đến những khoản thu như nộp phạt hành chính, phạt vi phạm giao thông, lệ phí trước bạ nhà đất... cũng hầu như được thực hiện bằng các hình thức điện tử.

Cùng với đó, KBNN vận hành Hệ thống Quản lý ngân quỹ để thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại từ tháng 12.2020, chấm dứt gửi tiền kiểu thủ công như trước và giúp công tác quản lý ngân quỹ ngày càng hiện đại, minh bạch.

Theo Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi, khi được ban hành, Thông tư quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để KBNN tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu với các đơn vị liên quan và các đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện lưu trữ chứng từ điện tử, sớm hình thành Kho bạc không có chứng từ giấy ngay trong năm nay...

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO