Việt Nam là một thị trường thương mại điện tử năng động, với số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh. Tuy hiện tại 80% các giao dịch thương mại điện tử vẫn theo hình thức COD (thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng), số lượng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây cùng sự cởi mở của môi trường pháp lý báo hiệu tiềm năng của hoạt động này.
Một trải nghiệm thanh toán mượt mà, nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục được khách hàng. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đa số các nền tảng thương mại điện tử hiện tại như Tiki, Shopee, Lazada… đều tích hợp với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nếu đang chạy cửa hàng offline hay bán hàng qua website/Facebook, doanh nghiệp có thể dễ dàng phát triển nhiều hình thức thanh toán tiện ích như: thanh toán qua thẻ quốc tế, qua ví điện tử, chuyển khoản, quét mã, sử dụng thẻ tích điểm... Một trải nghiệm thanh toán mượt mà, nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục được lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh hoạt động thu hút, giữ chân khách hàng nhằm gia tăng doanh thu, giá trị của hoạt động chuyển đổi số còn nằm ở việc tối ưu hóa các khâu ở giữa nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và rút ngắn tốc độ phản ứng trước thị trường.
Trong một thị trường nhiều biến động, sự thành bại nằm ở việc đơn vị nào phản ứng nhanh hơn và có thể thực thi các chiến lược nhanh chóng hơn. Ví dụ như trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp nhìn ra cơ hội đưa sản phẩm của mình lên môi trường số, cung cấp các dịch vụ giao hàng, thanh toán trực tuyến. Nhưng đâu mới là doanh nghiệp phản ứng nhanh nhất? Thực tế đã cho thấy, Bách Hóa Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) đã cấp tốc ra mắt dịch vụ đi chợ giùm khách ngay thời điểm TP Hồ Chí Minh bước vào chuỗi ngày cách ly xã hội. Vài ngày sau khi quy định về cách ly phòng dịch có hiệu lực, chuỗi lẩu Kichi Kichi của Tập đoàn Golden Gate Group cũng tung ra mô hình lẩu online. Sự thay đổi linh hoạt, kịp thời đó chỉ có thể xuất hiện với bộ máy tinh gọn, các quy trình cộng tác được tối ưu khoa học.
Muốn vậy, cần số hóa các quy trình, công việc và thông tin trong doanh nghiệp. Nhờ chuyển đổi số mà cấp quản lý doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được các dữ liệu về vận hành, từ đó phân tích và đưa ra biện pháp tối ưu.
Ngoài việc áp dụng trong quản lý bán hàng, công nghệ còn tạo ra sự liên kết dễ dàng giữa các dịch vụ doanh nghiệp với nhau, tạo thành các nền tảng win-win cho phát triển bền vững. Cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát logistics đem lại một trải nghiệm xuyên suốt dành cho khách hàng.
Đông Phong