Theo đó, Zepz, chủ sở hữu của hai thương hiệu chuyển tiền quốc tế WorldRemit và Sendwave, đang săn lùng các vụ sáp nhập và mua lại (M&A) sau khi cắt giảm 26% lực lượng lao động toàn cầu vào tháng trước, CEO của công ty tuyên bố với CNBC.
Được biết, với mức định giá 5 tỷ USD, Zepz hiện là một trong những công ty fintech lớn nhất châu Âu, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư hàng đầu bao gồm Accel, TCV và Leapfrog.
Sản phẩm của công ty cho phép người dùng gửi tiền từ điện thoại thông minh hoặc máy tính cho những người nhận ở nước ngoài, nhận tiền trong tài khoản ngân hàng, ví di động hoặc dưới dạng nạp tiền điện thoại.
Dịch vụ này trở thành một thách thức đối với các ngân hàng lớn và dịch vụ chuyển tiền truyền thống như Western Union, bởi chi phí sử dụng rẻ hơn và tốc độ chuyển tiền nhanh chóng. Một đối thủ cạnh tranh khác là Wise, cũng đã đưa ra tuyên bố cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế rẻ hơn so với các ngân hàng.
Ông Mark Lenhard, Giám đốc điều hành Zepz, cho biết công ty muốn phát triển danh mục đầu tư kinh doanh trong nỗ lực sở hữu một phần lớn hơn của “chiếc bánh” thanh toán kỹ thuật số toàn cầu.
CEO Lenhard không đưa ra nhận định Zepz đang nhắm tới công ty nào, nhưng cho biết tình hình sụt giảm mạnh trong định giá fintech tư nhân biến đây là thời điểm hấp dẫn để bắt đầu thăm dò M&A.
VÍ ĐIỆN TỬ
Tổng giá trị thanh toán xuyên biên giới được dự báo sẽ tăng từ 150 nghìn tỷ USD năm 2017 lên hơn 250 nghìn tỷ USD vào năm 2027, theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương Anh. Đây là một ngành công nghiệp cạnh tranh gắt gao với nhiều người chơi khác nhau hoạt động và đã có được tệp khách hàng cố định.
Một trọng tâm đặc biệt trong sản phẩm của Zepz thời gian tới là ví điện tử, ông Lenhard nói, công ty có kế hoạch ra mắt ví kỹ thuật số đầu tiên trong tương lai gần.
"Chúng tôi muốn trở thành một trung tâm tài chính cốt lõi cho một phân khúc khách hàng rất cụ thể", ông chia sẻ với CNBC vào đầu tuần, đặc biệt tập trung vào các cộng đồng người dân di cư muốn gửi tiền về nhà.
Nhiều chuyên gia nhận định việc đẩy mạnh M&A của Zepz là một động thái khá bất ngờ vì theo sau là một khoản giảm chi phí đáng kể. Vào tháng 5/2023, Zepz đã sa thải 420 nhân viên, tương đương với khoảng 26% lực lượng lao động toàn cầu.
Zepz cho biết việc cắt giảm nhân sự nhằm củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi sau khi mua lại công ty kiều hối Sendwave của Mỹ dẫn đến sự trùng lặp trong một số vai trò nhất định.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Zepz cho biết sẽ không tạm dừng tuyển dụng và đang tích cực cố gắng lấp đầy 200 vị trí mới.
Sự kiện đánh dấu lần thứ hai sa thải nhân viên hàng loạt chỉ trong vòng chưa đầy một năm của Zepz. Trước đó, vào tháng 6/2022, Zepz đã cắt giảm khoảng 5% lực lượng lao động, theo Sky News.
"Bất cứ khi nào phải sa thải nhân viên của mình, điều đó thật khó khăn, thật tệ, nhưng chắc chắn là điều đúng đắn để làm. Chúng tôi mở rộng mọi hoạt động từ đó", ông Lenhard nói khẳng định.
Vị CEO nói thêm rằng hy vọng sản phẩm ví kỹ thuật số sắp tới của công ty sẽ thuyết phục được khách hàng gắn bó nhiều hơn với Zepz, thay vì sử dụng các ngân hàng kỹ thuật số cạnh tranh và các ứng dụng tài chính khác. Ví dụ, PayPal cung cấp cho người dùng ví di động, mua và bán tiền điện tử, dịch vụ mới mua trước, trả sau (buy now, pay later) hay các khoản vay trả góp.
Giống như các fintech khác, Zepz bật chế độ cắt giảm chi phí khi ngành công nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn từ sự sụt giảm định giá công nghệ, gây ra bởi một loạt các vấn đề kinh tế vĩ mô bao gồm lạm phát và lãi suất cao.
Mặc dù vậy, Zepz cho biết công ty ít bị ảnh hưởng bởi những áp lực kinh tế đó hơn so với các doanh nghiệp khác trong cùng thị trường. Kiều hối thế giới ít bị ảnh hưởng bởi áp lực kinh tế vĩ mô hơn so với ngân hàng truyền thông, theo CEO Lenhard.
Công ty cho biết, các giao dịch khách hàng tổng thể của Zepz đã tăng 25% từ đầu năm tính đến tháng 4/2023, trong khi tăng trưởng khách hàng tăng tốc lên trung bình 30% và có thể lên tới 80% ở một số khu vực nhất định.