Fintech "lấn sân" sang mảng di động, lượt cài đặt ứng dụng tăng vọt

02/06/2021, 16:41

Với số lượt cài đặt tăng trưởng hơn 50% và phiên truy cập ứng dụng fintech toàn cầu tăng 85% trong năm qua là minh chứng cho thấy người dùng đang ngày càng ưa chuộng ứng dụng thanh toán và ngân hàng số…

Dựa trên dữ liệu đến từ 2.000 ứng dụng top đầu và bộ dữ liệu từ các ứng dụng Fintech, Game và Thương mại điện tử, Adjust- nền tảng phân tích marketing ứng dụng toàn cầu vừa công bố báo cáo thường niên về xu hướng ứng dụng di động năm 2021.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tỷ lệ người dùng tải và mở ứng dụng tăng mạnh so với các năm trước và cao vượt dự đoán. Báo cáo nhấn mạnh ứng dụng di động sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Số lượt cài đặt tăng 50% trên tất cả các ngành vào năm 2020 và tăng 31% trong quý đầu tiên của năm 2021. Trong khi đó, số phiên truy cập tăng 30% trong năm 2020 và hiện đã tăng thêm 4,5%.

NGƯỜI DÙNG NGÀY CÀNG CHUỘNG ỨNG DỤNG FINTECH

Báo cáo phân tích từ xu hướng của lượt cài đặt và phiên truy cập đến thời gian người dùng dành cho ứng dụng và số lần cài đặt lại ứng dụng…

Những con số ghi nhận trong năm qua cho thấy, fintech tiếp tục “lấn sân” sang mảng di động. Nhiều ngân hàng truyền thống đã hợp tác với các fintech và neobank (các ngân hàng kỹ thuật số kiểu mới, không cần phòng giao dịch, không cần chi nhánh, mọi hoạt động diễn ra trên không gian mạng) ngày càng được đón nhận rộng rãi. Ứng dụng ngân hàng đã ghi nhận đạt mức 3,6 tỷ USD doanh thu. Đến giữa năm 2020, ngân hàng kỹ thuật số đã chiếm 25% tổng số ứng dụng ngân hàng được tải xuống, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2017.

Dữ liệu cho thấy, mỗi người dùng trung bình cài đặt khoảng 2,5 ứng dụng tài chính. Mức thanh toán toàn cầu năm qua đã đạt 1,390 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ lên mức 1,680 tỷ USD trong năm nay.

Tỷ lệ đón nhận thanh toán di động đã có sự tăng mạnh trên toàn cầu, trong đó cao nhất ở Trung Quốc với hơn 81%, tiếp đó là Ấn Độ (37,6%), Nhật Bản (25,3%) và Italia (21,1%)…

Từ những con số tăng trưởng fintech cho thấy, người dùng ngày càng ưa chuộng ứng dụng thanh toán và ngân hàng số.

Nhìn nhận một cách tổng quan, fintech có số lượt cài đặt tăng mạnh nhất trong tất cả các ngành, tăng 51% vào năm 2020 so với năm trước. Riêng những tháng đầu năm 2021, số lượt cài đặt tăng 12% so với mức trung bình của năm 2020.

Số phiên truy cập của ứng dụng fintech cũng tăng vọt vào năm 2020, với mức 85% so với năm trước. Số phiên truy cập tăng ổn định trong suốt năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất vào đầu tháng 10 (cao hơn trung bình 22%) và cuối tháng 11 (cao hơn mức trung bình 24%). Số liệu cũng ghi nhân đạt đỉnh vào trung tuần tháng 7, khi cao hơn mức trung bình năm 15%.

Trong năm 2021 ghi nhận đến thời điểm hiện tại, số phiên truy cập ứng dụng fintech đang có mức tăng 35%. Những con số tăng trưởng này cho thấy, người dùng đang ngày càng ưa chuộng ứng dụng thanh toán và ngân hàng số.

DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CHO GAME VÀ TĂNG MUA SẮM ONLINE

Cùng với fintech, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã phần nào phản ánh vào con số tăng trưởng của ngành thương mại điện tử và game.

Game đạt những cột mốc mới vào năm 2020, đặc biệt là ở mảng hypercasual (dòng game nhẹ, có thể chơi ngay lập tức và chơi lại không giới hạn), với số lượt cài đặt tăng 43% so với 26% của các loại game khác (game non-hypercasual). Số phiên truy cập của game hypercasual tăng 36%, trong khi số phiên truy cập của game non-hypercasual tăng 27% vào năm 2020.

Thị trường game di động được định giá 165 tỷ USD vào năm 2020. Châu Á vẫn là một thị trường lớn, chiếm 41 tỷ USD tổng giá trị thị trường. Số lượng người chơi game di động tăng tới 46% trong năm, từ mức 1,2 tỷ lên 1,75 tỷ người.

Thống kê cho thấy, game di động là nguồn chính tạo nên 51% doanh thu và game hypercasual được dự đoán sẽ cán mốc 2,5 tỷ USD vào năm 2021.

Dự báo chung, thị trường toàn ngành sẽ đạt mức gần 220 tỷ USD vào năm 2023, trong đó, doanh thu từ Google Play chiếm 19,6%, tiếp tục cao hơn App Store (13,2%).

Mặc dù số lượt cài đặt của ứng dụng thương mại điện tử tăng không đáng kể, chỉ 6% nhưng số phiên truy cập tăng tới 44%. Điều này đã phản ánh rõ thực tế người dùng tương tác, mua sắm cao với các ứng dụng thương mại điện tử.

Năm qua cũng được xem là năm thành công của thương mại điện tử với số lượt giao dịch trên ứng dụng tăng 58%, trong đó sức tăng mạnh mẽ nhất vào thời điểm đầu năm khi dịch bệnh bùng phát. Khảo sát cho thấy, số lượng hàng hóa mua trực tuyến đã tăng 24%, trong khi số lượng hàng tại cửa hàng lại giảm 7%. Nghiên cứu dự báo đến cuố năm 2021, có 17% giao dịch trên toàn cầu sẽ được thực hiện qua mạng.

Số liệu về lượt cài đặt và phiên truy cập vào đầu năm 2021 cũng có nhiều khả quan, tăng lần lượt 11% và 14% so với mức trung bình của năm 2020. Số phiên truy cập tăng mạnh nhất vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và 76% so với năm 2019.

Với những thông tin, số liệu phân tích từ các ứng dụng game, thương mại điện tử và fintech trên, các chuyên gia cho rằng, các nhà phát triển và nhà marketing có thể hiểu hơn về đối tượng và thực trạng của nền kinh tế dựa trên ứng dụng (app economy) để có chiến lược đầu tư, phát triển, chiếm lĩnh thị trường phù hợp.

Dựa trên các thông tin về hành vi in-app của người dùng, thời điểm và lý do họ quay trở lại với ứng dụng, các nhà marketing có thể tạo ra một chiến lược toàn diện, kết hợp chiến dịch được cá nhân hóa và hoạt động truyền thông, từ đó xây dựng lòng tin thương hiệu… Người dùng ngày càng ưa chuộng ứng dụng và đây là thời điểm để thu hút người dùng mới, các chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Paul H. Müller, đồng sáng lập và CEO tại Adjust cho rằng, với các nhà marketing, tiềm năng tiếp cận người dùng mới là cao chưa từng có, nhưng sức ép cạnh tranh cũng "nóng" hơn bao giờ, do vậy cần đẩy mạnh chiến lược marketing qua tự động hóa và hiểu rõ hành vi in-app của người dùng.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO