Từ 1/7, điện thoại di động nhập về hỗ trợ công nghệ 4G trở lên
Từ ngày 1/7/2021, Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT về ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực, theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường GFK (Growth from Knowledge), trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 20 triệu máy điện thoại, trong đó, khoảng 60% là máy smartphone, 40% là máy featurephone (điện thoại cục gạch) là 8 triệu máy. Như vậy khi Thông tư 43 có hiệu lực sẽ tác động đến số lượng máy featurephone chỉ hỗ trợ 2G, 3G đưa vào hoạt động trên mạng di động, tăng nhu cầu chuyển đổi sang smartphone 4G, 5G. Với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G/3G đang hoạt động trên mạng, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung.
Cục Viễn thông cho biết, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Dừng công nghệ 2G, 3G để thúc đẩy người Việt dùng smartphone |
Xây dựng phương án dừng công nghệ cũ
Bộ TT&TT đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Ngoài ra, đến tháng 9 năm 2024 khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn, Bộ sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng băng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt trong giai đoạn tới.
Cục Viễn thông cho biết, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đã có địa phương xung phong thí điểm dừng công nghệ cũ, thúc đẩy sử dụng smartphnone như thành phố Đà Nẵng, huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh. Một số địa phương đã chủ động đề nghị Bộ TT&TT và các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G như Đà Nẵng, Huế, Bình Phước. Hiện nay các doanh nghiệp đã triển khai thử nghiệm thương mại 5G, Viettel tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; VNPT tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Phước; MobiFone tại Tp. Hồ Chí Minh… Việc thử nghiệm kỹ thuật và thử nghiệm thương mại 5G đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, giúp thúc đẩy mạnh nhu cầu của thị trường với công nghệ, thiết bị 5G trong thời gian qua.
Mở tính năng VoLTE trên smartphone để sẵn sàng đáp ứng dừng công nghệ cũ
Cục Viễn thông cho hay, công nghệ VoLTE là công nghệ cho phép gọi điện thoại với chất lượng cao (HD) trên nền tảng mạng 4G, mang lại những trải nghiệm mới cao cấp hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thuê bao sử dụng công nghệ này trên mạng 4G ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiện trạng này một phần do các nhà mạng chưa chủ động triển khai cung cấp dịch vụ một cách đầy đủ và rộng khắp nên người sử dụng chưa biết đến dịch vụ, thiết bị đầu cuối người dùng chưa hỗ trợ hoặc chưa được nhà sản xuất hỗ trợ mở tính năng VoLTE. Hiện Viettel, VNPT và Vietnamobile đã cung cấp dịch vụ này, MobiFone dự kiến quý 3-4/2021 mới cung cấp dịch vụ.
Trong thời gian qua, Cục Viễn thông đã phối hợp với các doanh nghiệp di động, nhà sản xuất/đại diện nhà sản xuất/đại lý cung cấp điện thoại smartphone như Apple, Samsung, Oppo, Vivo, Nokia, Realme, Bkav,… thống nhất thực hiện: rà soát và phát hành phiên bản phần mềm hệ thống cho các điện thoại 4G còn mới và đủ khả năng để hỗ trợ, cập nhật bật tính năng VoLTE; kích hoạt tính năng VoLTE cho các các thuê bao đủ điều kiện sử dụng (máy điện thoại hỗ trợ VoLTE, sử dụng SIM 4G); gửi tin nhắn thông báo đến các thuê bao hiện đang sử dụng máy điện thoại đã có phần cứng VoLTE và đã được nhà sản xuất phát hành phần mềm (SW/FW) kịp thời nâng cấp, cập nhật phiên bản phần mềm (SW/FW) hỗ trợ mở tính năng VoLTE. Thống nhất từ ngày 1/7/2021, các smartphone mới sản xuất sẽ tích hợp 4G, bật mặc định tính năng VoLTE.
Sau khi triển khai, đến nay số lượng máy điện thoại có VoLTE đã tăng từ 23,5 triệu lên 26 triệu. Trong đó, số lượng người dùng đã kích hoạt, sử dụng VoLTE (cuộc gọi thoại trên mạng 4G thay vì trên mạng 2G/3G) đã tăng từ 3,3 triệu lên 5,4 triệu, đạt khoảng 21% số lượng máy hỗ trợ VoLTE. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021, 50% người dùng máy điện thoại hỗ trợ VoLTE sử dụng được dịch vụ VoLTE.
Cục Viễn thông cho hay, trong thời gian tới các doanh nghiệp di động cần chủ động nâng cấp hệ thống kịp thời, dung lượng hệ thống phải đủ đáp ứng cho toàn bộ thuê bao sử dụng VoLTE trước khi tắt sóng các công nghệ cũ (2G và 3G).
Cục Viễn thông cũng đã làm việc với các doanh nghiệp di động, các doanh nghiệp sản xuất để kích hoạt các tính năng tiên tiến của công nghệ LTE-Advanced trên mạng băng rộng di động.
Triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trên smartphone
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cài đặt trên smartphone trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua như chủ trương thúc đẩy cài đặt ứng dụng Bluezone, ứng dụng khai báo y tế NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam… Tác dụng và hiệu quả của sử dụng smartphone có cài đặt ứng dụng công nghệ đã góp phần truy vết khoanh vùng dịch , góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó khi số người sử dụng smartphone tăng và tỷ lệ cài ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tăng lên sẽ góp phần nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay hơn 29% thuê bao điện thoại di động sử dụng đầu cuối Smartphone đã cài đặt ứng dụng Bluezone trên toàn quốc.
Các nhà mạng cũng đã có nhiều chương trình thúc đẩy nhu cầu sử dụng smartphone thông qua việc cung cấp trải nghiệm dữ liệu cho người dùng: Thiết kế các gói cước khi chuyển đổi sang sử dụng smartphone trong đó cung cấp dung lượng data miễn phí để cho người dùng trải nghiệm. Việc miễn phí giúp tăng nhu cầu trải nghiệm và kích thích tiêu dùng dữ liệu là một trong các yếu tố, động lực để người sử dụng chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp di động, doanh nghiệp sản xuất điện thoại thực hiện hỗ trợ giá sản phẩm smartphone. Đến nay, chương trình này đã hỗ trợ chuyển đổi được khoảng 90.000 máy smartphone cho người dân. Bên cạnh đó còn hỗ trợ trả góp khi mua smartphone. Đối với người sử dụng có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có đủ khả năng chi trả, các nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống cửa hàng kinh doanh điện thoại di động đã triển khai chính sách phối hợp với bên thứ 3 (ngân hàng, tổ chức tín dụng...) để hỗ trợ người dân mua trả góp smartphone.
Với chính sách và giải pháp đã triển khai đã có tác động tăng số người sử dụng điện thoại smartphone tại Việt Nam. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, Newzoo Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có số người sử dụng smartphone nhiều nhất trên thế giới đạt 63,1% dân số.
Phạm Dương