Đưa ngành game vào đào tạo đại học nhận được nhiều ý kiến ủng hộ

06/04/2023, 09:20

Với việc thiếu hụt nhân sự hiện nay, việc đưa ngành game vào đào tạo ở các trường đại học nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc VTC, năm 2015 nhân lực ngành game là 7.000 người nhưng đến 2021 đã lên tới 25.000 người. Còn theo thống kê, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. 

Nhân lực cho ngành game hiện vẫn thiếu

Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Định kiến xã hội về ngành game đã khiến sự phát triển nhân sự cho ngành game càng thêm khó khăn. Lực lượng công nghệ thông tin được đào tạo nhưng không chuyên sâu về ngành game, dẫn tới việc không có số liệu chính xác cho nhân sự làm trong ngành game. 

Việc đưa game vào đào tạo thành chuyên ngành ở trường đại học nhận được nhiều ủng hộ

Chính vì thế, phát biểu tại sự kiện GameVerse 2023 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, để đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho ngành game, Bộ TT&TT và Học viện Bưu chính Viễn thông sẽ đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ngành học mới chuyên đào tạo cho ngành game. 

Phát biểu của ông Lê Quang Tự Do đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người trên mạng xã hội, đặc biệt khi nó được đưa lên trang facebook Thông tin Chính phủ. 

Theo đó, người dùng Điêu Thuyền cho rằng, nhìn vào các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ để học hỏi thì ngành game có rất nhiều tiềm năng để đào tạo chẳng hạn như: lập trình game, thiết kế đồ hoạ cho game, game design (sáng tác kịch bản game),… đây là những nghề mà ở Việt Nam chưa có một trường lớp nào đào tạo bài bản trong khi nhu cầu nhân lực ngày càng nhiều. 

Người có nickname Sola Lee cũng bình luận rằng quyết định này của Bộ TT&TT là rất quan trọng, mang tính thừa nhận chính thống, bởi một số trường đại học Việt Nam cũng đã đưa ngành game vào học cách đây 8-10 năm, nhưng phải mượn mã ngành về CNTT chứ bản thân game không có một mã ngành riêng. 

Còn người có nick name Tien Luat cho biết, với việc đưa game vào đào tạo, cho thấy chính sách nhà nước ngày càng đổi mới và cởi mở, nắm bắt sát điều kiện thực tế với môi trường thế giới.

eSport cần được đào tạo bài bản trong tương lại.

Đáng chú ý, rất nhiều bình luận quan tâm đến việc đào tạo về thể thao điện tử (eSport), các ý kiến đều cho rằng, hiện nay game eSport đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, xuất hiện rất nhiều người chơi và đội tuyển chuyên nghiệp với nguồn thu nhập rất cao từ tiền lương, tiền bản quyền hình ảnh, cho đến giá trị giải thưởng lên đến hàng triệu USD.

eSport cũng đã được đưa vào các giải đấu thể thao chính chức như Sea Games 31 vừa qua và sắp tới là Sea Games 32. Chính vì thế, đây là một lĩnh vực cần được đào tạo một cách bài bản và trong tương lai sẽ đóng góp cho ngành thể thao nước nhà, cũng như phát triển ngành kinh tế số.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO