Đồng hành chuyển đổi số cấp xã

04/01/2022, 10:33

Với những khó khăn về hạ tầng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin…, việc triển khai chuyển đổi số cấp xã sẽ khó thành công nếu không có sự đồng hành, tham gia hỗ trợ từ phía cơ quan chuyên ngành lẫn doanh nghiệp ở lĩnh vực này

Cán bộ thị trấn Nam Phước sử dụng phần mềm dùng chung Q-office trong xử lý công việc.

Chuyển động xã thông minh

Cẩm Thanh (TP.Hội An) là một trong 15 xã được UBND tỉnh cho thí điểm xây dựng “xã thông minh” năm 2021. Nhìn nhận về những thay đổi khi triển khai chuyển đổi số (CĐS), bà Ngô Thị Huyền Trân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, sự thay đổi về nhận thức của cán bộ công chức là điều thấy rõ nhất. Chuyển động trong CĐS ở Cẩm Thanh thể hiện đều trên các trụ cột: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Theo lộ trình, trong năm 2021 Quảng Nam triển khai CĐS tại 15 xã, năm 2022 sẽ là 22 xã và số xã CĐS năm 2023 là 9 xã.

Nội dung CĐS cấp xã tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính gồm: xây dựng hạ tầng số, giao tiếp với người dân, thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương và các dịch vụ thông minh.

Riêng về dịch vụ thông minh, Quảng Nam xác định các xã sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực là du lịch, giáo dục, nông nghiệp và y tế.

CĐS giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong chính quyền xã góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

Với việc ứng dụng nhanh, thuần thục các phần mềm dùng chung trong quản lý công việc như Q-office, Hệ thống thông tin báo cáo LRIS, các phần mềm quản lý cán bộ, kế toán, các group Zalo, trang thông tin điện tử…, không chỉ góp phần truyền tải thông tin kịp thời đến người dân, giữa cán bộ công chức, mà còn thuận lợi trong quản lý dữ liệu.

Bà Trân nói: “Trong công tác chính quyền, nếu lúc trước cán bộ quen làm việc trên giấy tờ khiến tiến độ công việc chậm; khi cần tìm thông tin, dữ liệu về vấn đề gì phải tìm mất thời gian, tốn kém văn phòng phẩm…, thì nay nhờ quản lý công việc trên môi trường số, những tồn tại đó đã được giải quyết.

Nếu lúc trước có công việc đột xuất phải gọi điện thoại hoặc gửi giấy mời bằng giấy, nay có hệ thống Zalo sử dụng chung liên kết đến ban nhân dân các thôn nên cực kỳ tiện lợi…”.

Ngoài xây dựng chính quyền số, việc xây dựng xã hội số và kinh tế số cũng được xã Cẩm Thanh quan tâm. Như việc phối hợp hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Smart Quảng Nam, PC-Covid, các ứng dụng khác liên quan giao tiếp công dân. Thúc đẩy thương mại điện tử khi phối hợp bưu điện đưa sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm Tư Tài lên sàn Postmart…

“Bước đầu triển khai CĐS, xã gặp nhiều khó khăn để hình thành hạ tầng số và việc đào tạo, hướng dẫn chuyên môn. Do đó, khi nhận được giúp đỡ của doanh nghiệp, ngành chuyên môn cấp trên, xã cảm thấy mình như có người đồng hành, tiếp sức” - bà Trân chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh - bà Trần Thị Thu Hòa nhìn nhận, được chọn thí điểm CĐS cấp xã vừa vinh dự nhưng đồng thời là nhiệm vụ nặng với địa phương. Bởi đây là nhiệm vụ mới, trong khi điều kiện cấp xã khó khăn về kinh phí, nhân lực công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận CĐS hạn chế…

“CĐS là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghiệp 4.0. Để phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, trước tiên bộ máy chính quyền phải là những người chuyên nghiệp trong thao tác xử lý công việc của mình. Ở khía cạnh nào đó, CĐS đã giúp cho địa phương giải quyết nhanh thủ tục hành chính, đơn thư của người dân.

Hai năm gần đây, tình trạng nợ đọng đơn thư đã được khắc phục, xã được thành phố đánh giá tốt. CĐS không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận các phần mềm, thao tác nghiệp vụ nhanh chóng, hỗ trợ đắc lực công việc, mà còn tạo cơ chế giám sát tốt hơn” - bà Hòa cho hay.

Doanh nghiệp sát cánh

Ông Nguyễn Ngoạn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, được chọn thí điểm CĐS, nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức của thị trấn được nâng lên. Trong năm 2021, cán bộ công chức được tập huấn triển khai các phần mềm dùng chung như Q-office, một cửa điện tử, báo cáo LRIS.

Cán bộ, người dân được tiếp cận sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm. Thị trấn đã thành lập các nhóm Zalo, Facebook, hướng dẫn cho người dân cài đặt, sử dụng Smart Quảng Nam để tăng tương tác giữa người dân và chính quyền…

Cán bộ VNPT Quảng Nam hướng dẫn đoàn viên thanh niên xã Cẩm Thanh (Hội An) cài đặt các ứng dụng thông minh. Ảnh: VINH ANH

Ông Ngoạn nhìn nhận, sự đồng hành của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cùng các doanh nghiệp như VNPT, Bưu điện Quảng Nam và ngành liên quan ở huyện là cơ sở để thị trấn thực hiện hiệu quả kế hoạch CĐS.

Địa phương mong muốn các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ công chức. Trong điều kiện ngân sách địa phương có hạn, UBND tỉnh cần đầu tư nguồn kinh phí nâng cấp hạ tầng cho các xã trong lộ trình CĐS.

Thực hiện kế hoạch CĐS, thị trấn Nam Phước và xã Cẩm Thanh là 2 trong nhiều đơn vị được VNPT và Bưu điện Quảng Nam quan tâm, hỗ trợ từ những ngày đầu. Như tại thị trấn Nam Phước, từ tháng 4.2021, Bưu điện Quảng Nam đã phối hợp với Sở TT-TT tổ chức triển khai thí điểm “Hệ sinh thái hành chính công” và mô hình “Xã thông minh”.

Đại diện Bưu điện Quảng Nam cho biết, một trong những chức năng cơ bản của hệ sinh thái hành chính công là đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Nhờ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ sinh thái giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến và có thể tra cứu toàn bộ thủ tục hành chính trên cả nước một cách dễ dàng, thuận lợi.

Hiệu quả bước đầu

Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam cho rằng, CĐS cấp xã là mục tiêu quan trọng vì liên quan trực tiếp đến người dân. VNPT đồng hành, hỗ trợ các địa phương một số nội dung và đạt kết quả bước đầu, đem lại nhiều tiện ích cho người dân như triển khai y tế, giáo dục thông minh; triển khai trung tâm điều hành thông minh cấp xã (IOC) và hệ thống internet wifi miễn phí.

Đồng thời phối hợp với bảo hiểm xã hội, bưu điện, đoàn thanh niên xã hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng thông minh như Smart Quảng Nam, Sổ sức khỏe điện tử, Hệ thống định danh điện tử PostID, Bảo hiểm xã hội số VssID...

Chẳng hạn, về lĩnh vực y tế, trước đây cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng rất nhiều phần mềm khác nhau, hệ thống báo cáo khác nhau. Từ khi thực hiện CĐS, việc tích hợp sử dụng phần mềm duy nhất - VNPT HMIS đã số hóa và liên thông các loại báo cáo, sổ sách và liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần giảm tải công việc hành chính cho các trạm.

Đối với lĩnh vực giáo dục, 100% trường trên địa bàn đều triển khai hệ sinh thái giáo dục thông minh. VNPT cài đặt các ứng dụng VnEdu Teacher, VnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin kịp thời, tăng sự tương tác giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh...

Trong giai đoạn tiếp theo 2022 - 2025, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành với địa phương triển khai thực hiện các nội dung như hệ thống camera giám sát an ninh, thiết lập nhà văn hóa thông minh, hệ thống truyền thanh thông minh, nông nghiệp thông minh. Hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, chính quyền quảng bá hình ảnh, thông tin, sản phẩm, dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của địa phương lên môi trường mạng và các sàn thương mại điện tử…

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO