Doanh nhân Đỗ Tuấn Anh: Trong kinh doanh không có đối thủ và không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn

02/08/2021, 10:50

Mỗi ngày, chàng sinh viên Khoa Sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có ước mơ trở thành nhà báo ngày nào chỉ được ngủ 5 tiếng và anh thực sự hối hận với nhiều cơ hội đã bị bỏ qua trong quá khứ. Nhưng anh không có gì phải hối tiếc, vì bản thân luôn tin rằng, có rất nhiều cánh cửa phía trước tốt hơn sẽ mở ra. Và nếu được quay trở lại thì anh vẫn chọn cách làm như thế, nếu không, thì chắc chắn không có một Tuấn Anh nhiều góc cạnh trong lĩnh vực phát triển nội dung số như

Dù tốt nghiệp ngành lịch sử văn hóa Việt Nam năm 2001 không giúp cho Tuấn Anh, hiện là chủ tịch và CEO của Appota, tìm được việc sau khi ra trường, nhưng có lẽ tâm thế “tự học” có vai trò quan trọng để anh thành lập và dẫn đầu Appota từ số vốn ban đầu một triệu đô la Mỹ sau nhiều thất bại. Tuấn Anh cho biết sau vòng gọi vốn lần 2 cuối năm 2013, Appota được các nhà đầu tư từ Singapore và Nhật Bản định giá hơn 30 triệu đô la Mỹ.  

Doanh nhân Đỗ Tuấn Anh, sáng lập Công ty cổ phần Appota. Nguồn: Internet.

Năm 2010, Tuấn Anh tạo ra kho ứng dụng appstore.vn, nhưng chưa đầy một năm sau, anh lại thành lập Appota. Và vài tháng sau đó, anh rời appstore.vn, chuyên tâm phát triển Appota với ý tưởng tạo nền tảng cho thị trường nội dung số trên mobile dành cho người dùng smartphone tại các nước đang phát triển.

Chỉ sau một năm thành lập, hệ thống phân phối nội dung số Appota đã giành được tiếng vang lớn tại sự kiện Demo-Asia, khi vượt qua 565 founder trên toàn thế giới để nhận Giải Most Disruptive (Doanh nghiệp đột phá nhất trong năm) của Founder Institute 2012 trên toàn cầu và nhận được sự bảo trợ của Tập đoàn Microsoft.

Giải thưởng đánh giá cao ý tưởng và mô hình kinh doanh, cũng như những con số biết nói của Appota. Theo đó, trong suốt 2 năm 2012 và 2013, mức độ tăng trưởng theo quý của Appota đều trên 200%, có những quý lên tới 400%. Nguồn thu của Appota có được từ phần doanh thu chia sẻ từ các ứng dụng tính phí và quảng cáo qua các hệ thống như kho tải ứng dụng (appstore.vn, google play, iTunes), Facebook (các fanpage lớn), diễn đàn online, blog.

Khi sang Thung lũng silicon (San Francisco, Mỹ) nhận Giải Most Disruptive, lần đầu tiên anh được đi Mỹ và đứng trên sân khấu lớn, trước các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nhân của các công ty nổi tiếng trong làng IT thế giới. Sau cảm xúc bất ngờ và đầy tự hào ấy, anh quyết định, từ đó trở đi, mọi điều anh nghĩ và làm luôn hướng tới mục tiêu tìm cái gì đó phải phá vỡ cái cũ bằng sự khác biệt.

Cuối năm 2013, khi đưa phiên bản Beta sản phẩm Onclan - mạng xã hội game mobile đầu tiên tại Việt Nam đến Singapore, Appota lại tiếp tục được giới IT tán dương. Ngay sau đó, đội ngũ R&D của Appota đã tiếp thu và đề xuất những tính năng mới thực sự hữu ích cho các game thủ trên mobile, mà hiện chưa sản phẩm nào trên thị trường có được.

Mô hình kinh doanh của nền tảng phân phối nội dung Appota giống như iTunes, Google Play, Facebook. “Tôi học từ họ, họ có rất nhiều thứ để học.” Tuấn Anh thừa nhận. Appota hiện chủ yếu phân phối game (80%) còn lại là ứng dụng khác. “Chưa bao giờ thị trường game cho mobile lại phát triển mạnh như hiện nay tại Việt Nam,” báo cáo về thị trường game mobile của Appota tháng 7/2014 nhận định. “Nhưng chủ yếu vẫn là game chơi giải trí đơn thuần, chưa phải game đỉnh cao, và sẽ tiếp tục nửa sau năm 2014.” Và dù số người chơi game trên nền tảng Android nhiều hơn, nhưng doanh thu từ người dùng iOS lại chiếm tới gần 60% doanh thu của thị trường game dành cho di động ở Việt Nam. 

Doanh nhân Đỗ Tuấn Anh: Trong kinh doanh không có đối thủ và không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Nguồn: Internet.

Trong các cửa hàng ứng dụng di động ở Việt Nam, có khoảng 3.500 game và hơn 700 ứng dụng khác. Còn theo báo cáo của gFk, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai ở Đông Nam Á về số smartphone được bán ra quý 2.2014 so với cùng kỳ năm ngoái (59%, so với Indonesia là 68% và Đông Nam Á là 43%.) Xu hướng này giúp cho các công ty như Appota “ăn nên làm ra,” khi họ cung cấp các kênh phân phối giống như nhà phát triển siêu thị, các nhà làm ứng dụng chuyển hàng đến để bán. Tỉ lệ ăn chia linh hoạt, có thể là 40:60 với game, hoặc 10:90 với các ứng dụng liên quan tới giáo dục.

“Lý do có sự khác biệt là vì tôi muốn có nhiều người phát triển ứng dụng liên quan tới giáo dục, vốn còn quá ít hiện nay.” Appota có bộ phận thẩm định chất lượng của các sản phẩm đầu vào, và sau đó thực hiện các công đoạn tiếp thị, phân phối, phát hành nội dung đến với người dùng

Tuấn Anh từng chia sẻ: “Trong kinh doanh không có đối thủ và không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Trong thế giới của sự liên kết hợp tác và liên kết các nền tảng ứng dụng, chúng tôi không thể quay lưng với đối thủ của mình khi tìm ra được lợi ích chung, giống như mối quan hệ hợp tác và đối thủ giữa Facebook, Google và Apple."

Tuấn Anh nói: “Tôi rất tâm đắc với triết lý ‘The Hacker Way’ của Facebook. Bản chất Hacker không phải là xấu, mà đó là con đường sáng tạo, phá vỡ cái cũ, và làm cho tốt hơn, và chứng minh là điều đó có thể làm được. Tôi muốn các nhân viên của mình hiểu rằng khi làm xong sản phẩm, đưa ra thị trường thì mới là lúc bắt đầu chứ không phải là kết thúc. Khi có người dùng, lúc nâng cấp thay đổi sửa chữa sản phẩm mới là thời điểm quan trọng.”

Nhà lãnh đạo ở đâu trong quy trình đó? Không có vị trí cố định, thực tế là thế. Tuấn Anh không có bàn làm việc riêng trong công ty. Người ta thường thấy anh ngồi ở đâu đó với các nhân viên, hoặc trong phòng họp khi tiếp khách, hoặc quán café. “Tôi thích như thế hơn.”

Đối với Tuấn Anh, trong gần một thập kỷ Appota tồn tại và phát triển, đã trải qua nhiều cú sốc lớn hơn Covid-19. Nhưng cú sốc về đại dịch làm thay đổi khá nhiều điều mang tính chất cốt lõi: khi cả thị trường thay đổi mà ngay cả các chuyên gia đầu ngành cũng khó nhìn ra cơ hội, Appota buộc phải cuốn theo chiều gió, thay đổi định hướng.

Trong đại dịch này, Appota chỉ nhìn ra một điểm chung là toàn thị trường bị chậm lại, thì mình cố gắng đi nhanh bằng cách củng cố vững chắc năng lực sẵn có.

Appota được coi là một ngôi sao đang lên trên thị trường công nghệ, giải trí số nhờ sự tử tế. Các nhà đầu tư săm soi định giá, có lượng sản phẩm và người dùng ổn định trong giới, nhiều thương vụ bắt tay với nền tảng kinh doanh tốt.

Thành quả đó đối với Đỗ Tuấn Anh phải được bảo vệ vững chắc bởi 2 yếu tố. Thứ nhất, luôn suy nghĩ tìm ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới để kiếm tiền, phải có nhiều người dùng thật sự, không thể sống bằng bơm thổi, đi gọi vốn. Thứ hai, duy trì đào tạo, xây dựng con người làm việc đoàn kết.

Appota đặc biệt chú ý tới những thứ xoay xung quanh con người là văn hoá doanh nghiệp - yếu tố rất quan trọng giúp những con người sống và làm việc tại đây liên kết tạo ra sức mạnh phục vụ một mục đích là đẩy doanh nghiệp đi lên, không phải vì giúp nhóm nào đó giàu lên. Bất cứ ai biết hoặc nghe nói về Appota đều thấy có gì đấy khó gọi tên, nhưng lại cực gắn bó, hấp dẫn, đầm ấm, nhẹ nhàng, giúp mọi người bộc lộ năng lực tích cực và cùng toả sáng theo cách riêng. 

“Chúng tôi tạo ra điều đó từ những viên gạch nhỏ mà tôi xây dựng từ khi thành lập công ty. Tôi tự hào vì thời điểm tạo ra nó, tôi đã làm đúng”, Tuấn Anh nói.

Hiện 90% nhân sự đi cùng với Tuấn Anh từ những ngày đầu, 10% còn lại ra đi vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, 10% đó sẵn sàng quay lại bất cứ lúc nào cần.

Vấn đề khôi phục kinh tế sau đại dịch đang sôi sục, khi mọi doanh nghiệp cuống cuồng xoay xở. Trong đó, sẽ có nhóm doanh nghiệp muốn khôi phục kinh tế bằng mọi giá. Appota khôi phục kinh tế bằng nội lực vững chắc đã có, với quan điểm tận dụng lợi thế tất cả đang cùng quay về con số 0, cự ly xuất phát bằng nhau, nhưng tốc độ phải khác nhau.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO