Nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới |
Duy trì tăng trưởng
RikkeiSoft ít xuất hiện trên truyền thông, báo chí, bởi thị trường chính của công ty này ở nước ngoài. “Lặng lẽ” hoạt động gần 10 năm, đến nay, RikkeiSoft có khoảng 1. 000 lao động, chủ yếu xuất khẩu phần mềm bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, doanh thu mỗi năm hàng chục triệu USD.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Covid-19 diễn biến phức tạp, song RikkeiSoft vẫn tăng trưởng doanh thu 2 chữ số. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, các mảng mới như đầu tư và phát triển sản phẩm công nghệ tăng trưởng vượt bậc.
Các “cựu binh” trong lĩnh vực phần mềm cũng ghi nhận tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,2% và 20,9% so với cùng kỳ năm 2020. Khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 56% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế (tương đương 9.098 tỷ đồng và 1.306 tỷ đồng) của toàn Tập đoàn.
Một doanh nghiệp khác là CMC cũng đạt kết quả khả quan với doanh thu từ tháng 3 - 6/2021 tăng trưởng 23%, lợi nhuận tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tại TPHCM, các doanh nghiệp đều đặn có thêm khách hàng mới, thị trường mới. 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại QTSC ước đạt 4.945 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị xuất khẩu ước đạt 175,94 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ…
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá, gần đây, bên cạnh những doanh nghiệp phần mềm kỳ cựu, như FPT, MISA, CMC, TMA, VNG..., đã nổi lên một số doanh nghiệp, như RikkeiSoft, GMO-Z.com Runsystem, KMS... Nhiều doanh nghiệp đã phát triển lên ngưỡng 500 - 900 lao động. So với 5 năm trước, hầu hết doanh nghiệp đều phát triển lên một tầng mới.
“Xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…, nhiều doanh nghiệp Việt đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đang đem những kinh nghiệm, công nghệ, quy trình tích lũy sau nhiều năm làm cho đối tác nước ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao Make in Vietnam”, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA nhận xét.
Gần 2 năm qua, Covid-19 hoành hành cũng khiến các doanh nghiệp phần mềm bị ảnh hưởng nặng nề. Phần lớn doanh nghiệp phải bố trí cho nhân viên ăn, ở, làm việc tại chỗ hoặc từ xa; việc đàm phán, ký kết hợp đồng và bán hàng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn là cơ hội. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nỗ lực duy trì tăng trưởng ổn định, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.
Không những vậy, các doanh nghiệp gia công, xuất khẩu phần mềm Việt Nam còn đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Theo dự báo của MarketLine, trong vòng 4 năm tới, thị trường phần mềm thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng cao với tỷ lệ trung bình 11,3% và dự kiến đạt 969 tỷ USD vào năm 2024. Riêng năm 2021, giá trị của thị trường dự báo đạt 685 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2020.
Cơ hội rộng mở
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Tổng giám đốc TMA Solutions chia sẻ, làn sóng start-up tại Mỹ đang phát triển đột phá, có thêm nhiều “kỳ lân” và họ thiếu nhân lực, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin có năng lực như TMA tham gia liên doanh. Với thị trường Australia cũng vậy, vừa qua, TMA đã liên doanh với một số đối tác Australia để phát triển sản phẩm về giải pháp quản lý nhân lực.
Theo ông Lệ, các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu đang phục hồi, nhu cầu làm phần mềm ngày càng tăng, nhưng lao động quay trở lại làm việc giảm mạnh, do đó, nhiều doanh nghiệp cần tới đối tác bên ngoài. Đặc biệt, dù trong khu vực đang phục hồi hay còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hiện đều có phương án quản lý online, thực hiện số hóa… Đây là cơ hội đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Dự báo tình hình thị trường, ông Phan Thế Dũng, Tổng giám đốc RikkeiSoft đánh giá, trong thời gian tới, thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là chuyển đổi số cho một số lĩnh vực như bán lẻ, thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khỏe trực tuyến… Tuy nhiên, Covid-19 diễn biến khó lường, nên các doanh nghiệp cần thận trọng, lên nhiều kịch bản phát triển, đề phòng rủi ro, đồng thời cần có phương án để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao.
Liên quan vấn đề nhân lực, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, các doanh nghiệp phần mềm đang rất “đau đầu” để giữ nhân nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh thu hút nguồn lực cao cũng chứng tỏ, ngành phần mềm, đặc biệt là phần mềm xuất khẩu, đang tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch.
“Khảo sát sơ bộ trong năm 2020 - 2021, tốc độ tăng trưởng của các công ty phần mềm xuất khẩu thường cao hơn tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2 - 4 lần. Bằng chứng rõ nhất là, hiện có khoảng 6 - 8 công ty phần mềm có quy mô trên 700 nhân viên hoặc doanh thu trên 1000 tỷ đồng mà các nhà sáng lập là người từ FPT tách ra, rồi từ các công ty đó lại có nhiều người khác tách ra lập công ty mới. Điều đó chứng tỏ, tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm rất cao… Vấn đề lớn nhất bây giờ là việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phần mềm. Đây là chiến lược của quốc gia, của ngành giáo dục - đào tạo, chứ không phải của một công ty nào”, ông Bảo nói.