Suốt nhiều năm qua, lĩnh vực sắc đẹp và thời trang thường hay đi sau so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, khi kỉ nguyên vũ trụ ảo (metaverse) đang hiện hữu, không ai muốn đứng chờ.
“Tôi cho rằng công ty nào cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ vào metaverse", Dina Fierro, Phó tổng giám đốc hãng mỹ phẩm tại Pháp NARS chia sẻ.
Danh sách công ty đang đầu tư nghiên cứu về metaverse ngày càng dài. Sotheby, công ty chuyên đấu giá tác phẩm nghệ thuật vừa mở một gian hàng trưng bày trong vũ trụ ảo Decentraland. CocaCola cũng tung ra bộ sưu tập NFT nhằm “định hình cho xu hướng vũ trụ ảo".
Hình ảnh trong thế giới "Khu vườn Gucci" được phát hành bởi Roblox. Ảnh: Gucci. |
Thời trang là lĩnh vực đầu tư mạnh nhất vào metaverse. Adidas, ông trùm trang phục thể thao đã hợp tác với tổ chức đứng sau bộ sưu tập token không thể thay thế (NFT) Bored Ape Yacht Club để phát hành bộ sưu tập NFT “Đi vào thế giới metaverse".
Ngoài ra còn có những cái tên nổi bật khác. Gucci kết hợp với công ty làm game Roblox nhằm phát hành không gian ảo “Khu vườn Gucci". Balenciaga cũng đã đặt một chân vào thế giới metaverse khi liên kết với trò chơi Fortnite để bán một số trang phục ảo.
Thay đổi chiến lược
Tuy vậy, các công ty đã có sự thay đổi về cách họ tiếp cận với metaverse. “Hiện tại cơn sốt đã qua đi. Nhiều công ty đang tập trung vào các dự án có tầm nhìn dài hạn. Họ không còn đơn thuần muốn tận dụng sức nóng truyền thông để lôi kéo khách hàng nữa”, Cathy Hackl, chuyên gia tư vấn về metaverse nhận định.
Bằng chứng cho những kế hoạch dài hạn bắt đầu bằng việc Nike sáp nhập hãng thời trang ảo RTFKT và thành lập bộ phận phát triển sản phẩm số. Tiếp đó, Microsoft làm nức lòng giới blockchain khi CEO Satya Nadella cho biết thương vụ gần 70 tỷ USD thâu tóm Activision Blizzard nhằm phục vụ cho kế hoạch metaverse. Apple cũng tham gia cuộc đua khi CEO Tim Cook nhận định “Ban lãnh đạo thấy metaverse có nhiều tiềm năng và chúng tôi đang đầu tư vào đây".
Cửa hàng giày RTFKT trong Decentraland. Ảnh: RTFKT. |
“Tiềm năng” mà Tim Cook đề cập chính là lợi nhuận mà lĩnh vực này có thể đem lại. Grayscale, công ty con của quỹ đầu tư Digital Currency Group dự đoán metaverse là thị trường có vốn hoá 1.000 tỷ USD.
Vũ trụ ảo mở ra một thị trường kinh doanh mới. Trang phục số hay một căn nhà ảo trong Decentraland trở nên giá trị hơn. Việc chi 2,9 triệu USD cho một bức hình con vượn bỗng nhiên trở thành chuyện thường ngày.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mà tài sản số như Bitcoin có giá trị ngang hoặc cao hơn nhiều loại tài sản thực", Michael Toner, Giám đốc quảng cáo tại Threedium, công ty tư vấn về metaverse chia sẻ.
Quyền sở hữu tài sản số không khác mấy so với sở hữu trí tuệ hiện nay. “Không bao lâu nữa, đồng hồ, bàn ghế, nội thất ảo sẽ trở thành xu hướng và được giao dịch đại trà. Giống như cách sách điện tử được mua bán”, Michael Toner chia sẻ.
Các khách hàng của ông Toner đều tạo ra 2 phiên bản thực và ảo cho sản phẩm của họ. Thay vì sở hữu một bộ đồ Hugo Boss thật, người dùng có thể lên cửa hàng trong Decentraland và mua phiên bản số của chúng. “Chúng ta đang bước vào kỉ nguyên kinh doanh trên vũ trụ ảo (meta-commerce)”, Toner nhận định.
Những vấn đề metaverse có thể giải quyết
Lindsey McInerney, trưởng bộ phận xu hướng toàn cầu tại AB InBev, công ty mẹ của 3 hãng bia Budweiser, Corona và Beck's tin rằng lĩnh vực đồ uống có thể thu được lợi nhuận khủng khi metaverse hoàn thiện. Từng là một chuyên gia về mạng xã hội, McInerney luôn dõi theo mọi xu hướng, trong đó có thực tế ảo và blockchain.
McInerney làm ngỡ ngàng đồng nghiệp khi cô tung ra một bài luận về Web3 và vũ trụ ảo. Cô tin rằng đang có một sự kiện “rung chuyển thế giới" và ban lãnh đạo cần hiểu rõ chúng.
“Thật ngoạn mục. Metaverse và Web3 có tác động giống như thương mại điện tử hiện nay vậy. Có thể hơn thế nữa. Mọi thứ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt", McInerney chia sẻ.
Những con ngựa trong bộ trang phục theo phong cách bia Artois. Ảnh: The Drum. |
Trong giai đoạn thử nghiệm, McInerney yêu cầu ban lãnh đạo hãy hợp tác với Zed Run, một trò chơi đua ngựa vận hành bằng blockchain. McInerney tự tin rằng dòng bia Stella Artois của công ty cô có thể được dùng để quảng cáo trong Zed Run.
AB inBev đã tung ra bộ trang phục cho các con ngựa ảo theo phong cách của bia Stella Artois và bán đấu giá chúng dưới dạng NFT. Lần đầu tiên, một thương hiệu bia có tiếng xuất hiện trong vũ trụ ảo.
Chương trình đã thành công vang dội. McInerney cho biết dòng bia Stella đã thu hút 100 triệu lượt tương tác chỉ trong tuần đầu tiên, xuất hiện trên trang bìa Forbes và AdWeek. McInerney cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Metaverse không chỉ nâng tầm lĩnh vực thương mại điện tử. Mọi thứ đều sẽ bị ảnh hưởng”.
“Một mảnh ghép khác trong lĩnh vực quảng cáo đang gặp phải vấn đề chính là chương trình khách hàng thành viên. Các chương trình tích điểm thành viên thường là một trải nghiệm tồi tệ.
Kevin Wright, quản lý bộ phận thương hiệu tại Adidas cho rằng ít người nhận ra vấn đề này. Chương trình thành viên bằng token có thể giải quyết những khuất mắc tồn đọng. Mọi thứ đều được lập trình sẵn và không có sai sót con người.
Các chuyên gia Web3 như Jeremiah Owyang tại thung lũng Silicon cũng đồng tình với ý kiến của ông Wright. “Điểm số của khách hàng nên được chuyển đổi thành 1 loại token”, chuyên gia Jeremiah bình luận.
Theo ông Wright, những điểm thưởng này là “một khoản nợ khổng lồ đối với công ty”. Giống như cách ngân hàng vận hành, nếu họ nhận lượng lớn yêu cầu rút tiền từ những cá nhân gửi tiền để nhận lãi suất trong khoảng thời gian ngắn, chủ ngân hàng sẽ không thể thanh toán hết và dẫn đến vỡ nợ.
“Dù chuyện này chưa từng xảy ra với các chương trình quà tặng, nhưng nếu chuyện đó xảy ra thì công ty lớn như Starbucks cũng phải gặp rắc rối”, Wright chia sẻ. Một chương trình thẻ thành viên vận hành bằng token sẽ giảm thiểu các rắc rối tài chính và kế toán như trên. Tuy nhiên ông Wright không chia sẻ cơ chế để quản lý chương trình này.
“Đã đến lúc ứng dụng metaverse vào quá trình quản lý các chương trình này”, Wright đề cập với CoinDesk. “Chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho việc phát triển sản phẩm mà chưa chú tâm giải quyết những yếu tố liên quan đến tài chính, kế toán", ông Wright bình luận.
Các cuộc họp, sự kiện được tổ chức trên vũ trụ ảo là một xu hướng tất yếu. Janet Balis, cố vấn tại công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) cho rằng dù đại dịch Covid-19 có qua đi, nhiều sự kiện vẫn sẽ được tổ chức hoàn toàn trực tuyến. “Metaverse là cách giúp các công ty có thể tổ chức sự kiện khi nhiều nhân viên phải làm việc tại nhà", bà Balis chia sẻ.
Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Harvard Business Review, bà Balis cho rằng các bác sĩ có thể được huấn luyện chuyên môn thông qua nhân vật trong vũ trụ ảo của Microsoft. Gã khổng lồ Nvidia cho biết họ có thể cắt giảm chi phí trong quá trình sản xuất và đem lại kết quả nghiên cứu tốt hơn nhờ vào môi trường giả lập trên metaverse. Hãng máy bay Boeing đang sử dụng vũ trụ ảo để thiết kế máy bay được sắc sảo hơn.
Nhà máy ảo của Nvidia. Ảnh: Nvidia. |
Không chỉ các công ty tăng trưởng và có đội ngũ nghiên cứu hùng hậu, nhiều công ty truyền thống cũng thích nghi với thời đại. Ban lãnh đạo của Want Branding, một công ty tư vấn cho biết họ liên tục bị đối tác chất vấn về blockchain.
“Khách hàng của chúng tôi đều quan tâm đến blockchain. Họ liên tục hỏi rằng công nghệ này có tác động như thế nào đến độ nhận diện thương hiệu”, John Downey, Giám đốc quảng cáo tại Want Branding bình luận.
Công ty kiểm toán EY cũng đưa ra kết luận tương tự. “Hầu hết công ty đều muốn triển khai một chiến dịch quảng cáo trên metaverse hoặc cho phép người dùng trải nghiệm vũ trụ ảo", bà Balis chia sẻ.
EY thậm chí đã thành lập bộ phận metaverse nhằm phục vụ cho các yêu cầu của khách hàng. Deloitte, đối thủ của EY đã mở một cửa hàng trong vũ trụ ảo nhằm “hỗ trợ, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho khách hàng về mục tiêu của họ trong metaverse".
Hao tốn tiền của
Rủi ro mà metaverse có thể đem lại cũng không ít. Dù ủng hộ ý tưởng về vũ trụ ảo, bà McInerney luôn đảm bảo những kế hoạch đề ra phải hiệu quả. Không thể trông chờ vào việc phát hành 10.000 bức hình NFT rồi đợi giá chúng tăng phi mã. Chi phí quảng cáo, thiết kế, xây dựng cộng đồng khá tốn kém.
Một cách tiếp cận ít tốn kém được nhãn hàng làm đẹp Clinique triển khai thành công. Thay vì bán NFT, Clinique yêu cầu khách hàng chia sẻ những câu chuyện tích cực trên Instagram. Sau đó Clinique sẽ tặng NFT và 10 năm sử dụng sản phẩm cho các cá nhân có những câu chuyện truyền cảm hứng.
“Lòng trung thành và sự tương tác giữa công ty và khách hàng được đẩy lên tầm cao mới", Roxanne Iyer, Phó tổng giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng chia sẻ.
Hầu hết chiến dịch quảng cáo đều thất bại. Công ty nào cũng mơ ước thành công được như sự kiện phát hành NFT của Pepsi. Chuỗi bài đăng về sự kiện “Mic drop" của Pepsi luôn đạt mức tương tác cao, thậm chí được Meta phản hồi trên Twitter.
Các NFT được Pepsi phát hành. Ảnh: Pepsi. |
Các công ty cần nhiều bằng chứng hơn về khả năng thành công của metaverse. “Tôi muốn làm rõ những rủi ro khi triển khai một chiến dịch trên vũ trụ ảo", bà Balis chất vấn. Yếu tố pháp lý như thế nào? Liệu có bị thu thuế? Đây là những câu hỏi mà một nhãn hàng lớn như Adidas luôn muốn làm rõ.
“Chúng tôi có hơn 60.000 nhân viên với nhiều thương hiệu đang được vận hành với phong cách khác nhau", ông Wright chia sẻ. Hoặc đơn cử như loại tiền tệ được sử dụng trong thanh toán. Châu Âu sẽ dùng Euro, Mỹ thì dùng USD và phí giao dịch NFT là một loại token nào đó. “Đối với một công ty đa quốc gia, đem NFT vào hoạt động kinh doanh là vấn đề phức tạp", Wright nói thêm.
Theo ông Fierro, công ty mỹ phẩm NARS của ông đã phải chi nhiều tiền và thời gian để hoàn thiện các sản phẩm NFT. “Thành thật mà nói thì một chiến dịch NFT tiêu tốn nguồn lực ở mức độ mà nhiều công ty khó có thể chấp nhận", ông Fierro chia sẻ.
Một sự thật khiến metaverse vẫn còn nhiều bất cập nếu muốn ứng dụng rộng rãi chính là cơ sở hạ tầng chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu. “Một số vũ trụ ảo chỉ có thể truy cập thông qua kính thực tế ảo. Một số khác thì qua màn hình máy tính", Balis chia sẻ. Có vũ trụ ảo thì dành cho bản di động. Phần lớn metaverse thực ra được lưu trữ tập trung. Chỉ có số ít được lưu trữ phi tập trung ở nhiều máy chủ.
Theo ông Wright tại Adidas, vấn đề nổi cộm mà giới làm metaverse cần giải quyết chính là những vụ lừa đảo, đầu cơ token hoặc rút thảm (rug pull). “Với mỗi vụ lừa đảo trên sàn giao dịch NFT OpenSea, chúng ta mất đi 10-15 người dùng", Wright chia sẻ.
Nhìn chung, những vấn đề trên cũng là điều mà các chuyên gia về thương hiệu cần giải quyết khi tiến vào vũ trụ ảo. “Metaverse có phải là nơi mà tôi đem lại cho khách hàng của mình trải nghiệm tốt nhất? Cách nào để quảng bá thương hiệu của mình một cách chân thật nhất? Liệu tôi có thể kể câu chuyện của mình một cách nhịp nhàng”, Balis đưa ra những câu hỏi quan trọng mà các thương hiệu cần tự chất vấn.
Chiến lược của AB InBev
Chiến lược tiếp thị của McInerney, trưởng bộ phận xu hướng toàn cầu đặt ra câu hỏi hệ trọng: Uống và đặt mua bia trong metaverse có cảm giác như thế nào?
Theo McInerney, uống bia ảo chắc chắn không có cảm giác sảng khoái như những lon bia ướp lạnh ngoài đời thực. Nhưng nếu nhìn ở góc độ quảng cáo, so với những tấm biển nhàm chán trên các tòa nhà, bia ảo hơn hẳn về độ ấn tượng.
Trong tương lai, ngành bia hoàn toàn có thể kiếm tiền trong thế giới metaverse. McInerney cho rằng sự kết hợp giữa thế giới thực và ảo là xu hướng trong nhiều năm tới.
Một cửa hàng bia Miller Lite trong vũ trụ ảo Decentraland. Ảnh: PrNewsWire. |
“Khi tôi ở London, Anh còn bạn ở bang Denver, Mỹ cùng nhau vào xem một cuộc đua ngựa ảo trên Zed Run. Sau đó chúng ta đi vào một quán bia trên vũ trụ ảo Decentraland và đặt vài cốc bia. 20 phút sau, bia thật sẽ được giao đến tận nhà bạn bởi các tài xế Uber”, McInerney chia sẻ về trải nghiệm kết hợp thực-ảo.
Có người cho rằng đó là sự ảo tưởng. Vài cá nhân tin rằng chúng là thật. Các doanh nghiệp thì luôn hướng về cùng một chí hướng, đó là kiếm lời nhờ vào metaverse.
(Theo Zing)