Giảm tỷ lệ người sử dụng điện thoại 2G |
Tại buổi giao ban quản lý Nhà nước tháng 10-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số thì việc đầu tiên là mỗi người có một smartphone. Mục tiêu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao cho các doanh nghiệp viễn thông là đến tháng 6-2022 chỉ còn 5% dân số sử dụng mạng 2G.
Còn đối với cáp quang thì hết năm 2022 phải phủ tới 85% hộ gia đình, tức là phải thêm 5 triệu thuê bao cáp quang nữa để đạt tổng cộng 24 triệu hộ gia đình được phủ cáp quang.
“Muốn mục tiêu kinh tế số thành công thì các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện được được hai việc: Mỗi người có một smartphone và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tăng dụng lượng, tốc độ 4G và xem xét, đặt mục tiêu người dùng di động sử dụng Mobile Money lên 80% là việc làm cần thiết; Song song với đó là phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022. Ngay trong tháng 11-2021, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thực hiện kế hoạch.
Theo Thông tư 43/2021/TT-BTTTT của Bộ TT-TT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến”, từ ngày 1-7-2021, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Những điện thoại 2G, 3G được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước 1-7-2021 vẫn được phép lưu hành.
Đây được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý I-2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc.
Hồi đầu năm nay, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019 xuống còn khoảng 24 triệu máy năm 2020.