Đằng sau tính năng gây tranh cãi nhất của Apple

16/03/2022, 09:55

Nội bộ hãng công nghệ từng lục đục vì tính năng giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Một nhóm những thành viên quan trọng nhất trong ban quản trị của Apple từng tranh cãi kịch liệt vì tính năng chặn ứng dụng theo dõi người dùng trên iOS 14.5.

Theo The Information, 3 cái tên bất đồng về tính năng là Craig Federighi - Phó chủ tịch phụ trách phần mềm, Phil Schiller - người dẫn dắt nhóm App Store và Eddy Cue, Giám đốc mảng dịch vụ.

Năm 2020, Apple cho ra mắt tính năng App Tracking Transparency (ATT), cho phép người dùng chủ động kiểm soát những ứng dụng nào được hoặc không được phép theo dõi hoạt động của mình.

Với các ứng dụng không được cho phép, ATT sẽ ẩn mã nhận dạng quảng cáo (IDFA). Sau một thời gian, Eric Neuenschwander, người tạo ra IDFA từng đưa ra lo ngại trước việc các ứng dụng sử dụng mã nhận dạng này để theo dõi người dùng trái phép.

Tính năng ATT được Apple giới thiệu trên iOS 14.5. Ảnh: MacRumors.

Nỗ lực sửa sai của Apple

Các ứng dụng trên iOS được phép thu thập và chia sẻ một tập dữ liệu, bao gồm vị trí, có những app nào trên điện thoại, thời điểm dùng app, địa chỉ email (đã mã hóa), số điện thoại của người dùng. Tất cả những thông tin này được gán với một con số gọi là mã số cho nhà quảng cáo (IDFA).

Người dùng càng sử dụng iPhone lâu và qua nhiều app thì càng để lại nhiều dấu vết dữ liệu. Các ứng dụng, thông qua mã số IDFA, có thể sử dụng các dữ liệu đó để tạo ra một bộ hồ sơ ảo về người dùng, qua đó hướng các quảng cáo tới họ tốt hơn.

“Đội thiết kế chúng tôi không lường trước được cách thức ngành công nghiệp quảng cáo sử dụng IDFA. Họ xây dựng cả một hệ sinh thái chuyên theo dõi người dùng. Những kẻ bất lương sẽ dùng mã nhận dạng đó để thu thập dữ liệu vị trí của người dùng và rồi kiếm lời bằng cách bán cho những doanh nghiệp chuyên môi giới thông tin”, ông Neuenschwander cho biết.

Chia sẻ với đồng nghiệp, Neuenschwander cho hay ông hối hận vì đã tạo ra mã IDFA, đặc biệt là khi những đối thủ khác như Google học theo Apple và tạo ra nhiều mã nhận dạng khác.

ATT từng được đánh giá là một trong những nỗ lực của Apple để trở thành nền tảng đề cao quyền riêng tư. Ảnh: Mac365.

Trước khi ATT ra đời, Apple từng cho phép người dùng bật tính năng “Hạn chế quảng cáo theo dõi” (Limit ad tracking) trên iPhone. Tuy nhiên, vì nằm quá sâu trong mục “Cài đặt” (Settings) nên tùy chọn này không được nhiều người sử dụng.

Năm 2016, nhóm của Eric Neuenschwander bắt đầu tìm cách đưa lựa chọn này ra gần với người dùng hơn, bao gồm cả ẩn mã nhận dạng khỏi các ứng dụng theo yêu cầu của người dùng.

Sau đó, vì những nỗ lực này vẫn không thể bù đắp tác hại khi lạm dụng IDFA, Craig Federighi chuyển hướng sang phát triển ATT, một tính năng mới với khả năng tương tự “Limit ad tracking”.

Lục đục nội bộ

Theo The Information, ý tưởng tạo ra ATT manh nha từ năm 2019, khi Federighi khuyên Neuenschwander “nên làm điều gì đó với IDFA đi”. Federighi đã huy động một nhóm nhân viên làm việc ở mảng phần mềm để hiện thực hóa tính năng này và hứa hẹn sẽ được giới thiệu vào sự kiện sắp tới của Apple.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã vướng phải nhiều sự phản đối từ quản lý cấp cao của Apple, một nguồn tin nội bộ Apple cho biết.

Trước khi Táo khuyết công bố ATT, Federighi, Cue và Schiller đã cùng nhau quyết định mức độ hãng có thể can thiệp vào việc các ứng dụng theo dõi người dùng, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của tính năng này đối với các nhà lập trình.

Giờ đây, ATT chỉ đơn giản là một bảng thông báo xuất hiện mỗi khi người dùng mở ứng dụng lần đầu. Ảnh: Business Insider.

Là người quản lý App Store, Schiller lo ngại ATT sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của kho ứng dụng và những quảng cáo chạy trong app. “Việc thu thập mã IDFA bị giới hạn sẽ làm cho người dùng ít thấy các quảng cáo hơn, từ đó, họ sẽ ít tải app về máy hơn”, ông cảnh báo. Điều này sẽ khiến lượt tải về cũng nhưng mua ứng dụng của người dùng Apple giảm xuống.

Bên cạnh đó, là người quản lý kho nội dung của Apple như iTunes Store, iBooks Store và Apple Music, Eddy Cue quan ngại ATT sẽ vượt quá giới hạn cho phép. Nhóm của ông rất thận trọng trong việc đánh giá hậu quả của tính năng chặn mã IDFA, theo báo cáo của The Information.

Mặt khác, Craig Federighi lại ủng hộ tính năng chặn ứng dụng theo dõi người dùng này. Ông chính là người theo sát đội bảo mật trong nỗ lực giảm thiểu tác hại của IDFA trước các công ty quảng cáo, nhà lập trình và những kẻ môi giới thông tin.

Từ tranh cãi đi đến thống nhất

Chính những những bất đồng trong quan điểm của nhóm quản lý cấp cao đã tạo nên tính năng ATT được phổ biến tới người dùng hiện nay. ATT giờ đây chỉ đơn giản là một bảng thông báo buộc người dùng lựa chọn cho phép hoặc không cho theo dõi khi lần đầu mở ứng dụng.

Theo The Information, ban đầu ATT là tính năng giúp người dùng tắt dịch vụ theo dõi trên toàn bộ ứng dụng. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, những lãnh đạo của Apple quyết định ATT chỉ là một hộp tùy chọn nhỏ, xuất hiện ở từng app.

“Bộ 3 quản lý cấp cao này đã đi đến thống nhất và quyết định người dùng iPhone sẽ lựa chọn app nào được phép theo dõi mình. Điều này sẽ giúp hãng dễ biện hộ cho mình khi các nhà lập trình ứng dụng, các công ty quảng cáo phản đối", nguồn tin nội bộ cho biết.

Tính năng ATT ảnh hưởng mạnh tới các công ty sống bằng quảng cáo như Facebook. Facebook thậm chí còn "dọa" người dùng nên cho theo dõi để tiếp tục sử dụng miễn phí. Ảnh: Ashkan Soltani.

Cuối năm 2019, Federighi điều một vài thành viên của đội kỹ thuật phần mềm để phát triển ATT. Đến tháng 6/2020, nhóm nhân viên đã hoàn thành công việc. Apple giới thiệu tính năng này tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) của mình.

Kể từ iOS 14.5, mọi ứng dụng phải xin phép người dùng để được truy cập dữ liệu gắn với IDFA. Nếu như người dùng từ chối, ứng dụng sẽ không thể lấy dữ liệu gắn với IDFA của họ.

Nếu nhà phát triển tìm cách thay thế IDFA bằng một hình thức thu thập dữ liệu khác, ví dụ như địa chỉ email, ứng dụng sẽ bị coi là vi phạm quy định của App Store.

Trong suốt 9 tháng trước khi sự kiện diễn ra, thành viên trong đội của Federighi cũng hỏi ý kiến của luật sư Apple về việc các cơ quan quản lý có thể hoài nghi về tính năng bảo mật này. Nhóm nhân viên thậm chí còn nảy ra tranh cãi khi sử dụng từ “theo dõi” trong hộp thông báo mỗi khi người dùng lần đầu mở ứng dụng.

Phản hồi với báo cáo của The Information, đại diện của Apple cho biết nhân viên của hãng sẽ hợp tác với nhau, cùng nỗ lực trong việc phát triển những tính năng bảo mật, tương tự như mảng thiết kế, nhằm mang đến người dùng những sản phẩm tốt nhất.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO