Trung bình đứt 10 lần/năm
Tuyến cáp quang biển có chiều dài hàng chục ngàn kilômét và nó được thiết kế với nguyên tắc gia cường ở gần bờ, song khá “mỏng manh” ở ngoài khơi. Cáp quang biển thường chỉ là những sợi dây được đặt nằm trần trên nền cát dưới biển, riêng ở gần bờ mới được gia cường bởi thép bện và các lớp vật liệu tăng cường khác.
Các thống kê cho thấy, 70% số vụ đứt cáp quang trên biển là do mỏ neo tàu bè và các hoạt động đánh bắt cá của con người gây ra. Điều này giải thích tại sao nhiều vụ đứt cáp chỉ xảy ra ở một số vùng nước nhất định. Cụ thể, mức nước ở vùng biển Đông của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Vũng Tàu, nơi tuyến cáp AAG đổ bộ lên đất liền tương đối cạn; trong khi hoạt động tàu bè xung quanh khu vực này lại rất lớn nên đây là vùng biển dễ xảy ra tình trạng đứt cáp ngầm biển. Đến nay, biện pháp giải quyết đứt cáp quang biển là nối, nhưng thường kéo dài nhiều tháng mới hoàn tất.
Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021, đại diện của Viettel Networks cho biết, 5 năm gần đây, các tuyến cáp quang biển Việt Nam bị đứt trung bình 10 lần/năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng. Do vậy, các doanh nghiệp chỉ sử dụng được khoảng 3/4 các tuyến cáp. Ông Hoàng Đức Dũng (đơn vị Viettel Networks) nhận định, Việt Nam hiện chỉ có 7 tuyến cáp quang biển nối với quốc tế, số lượng ít so với các nước trong khu vực khiến mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ internet cho người dùng Việt Nam còn hạn chế.
Dự phòng vẫn chưa đủ
Băng thông kết nối internet quốc tế ở Việt Nam phần lớn thông qua các tuyến cáp quang biển. Hiện một số doanh nghiệp FPT, Viettel, VNPT tham gia khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế như AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1)…
Theo đại diện FPT Telecom, tất cả các nhà mạng ở Việt Nam khi đã sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống sẽ bị sự cố đứt cáp quang biển xảy ra. Để nâng cao khả năng kết nối quốc tế, trong thời gian tới, FPT Telecom sẽ đầu tư thêm một số tuyến cáp quang biển mới. Để phòng ngừa, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khẳng định, đơn vị có sự chuẩn bị các phương án dự phòng.
Theo đó, hiệu suất sử dụng của toàn mạng lưới luôn được duy trì tối đa dưới 65%, dung lượng 35% còn lại luôn được đảm bảo sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra, hoặc để san tải cho hệ thống khi lưu lượng tăng đột biến.
Hệ thống mạng Viettel cũng kết nối với 2 tuyến cáp quang đất liền là tuyến Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào - Campuchia để đảm bảo các phương án kết nối. Riêng VNPT đang khai thác nhiều tuyến cáp quang quốc tế, trong đó có 5 tuyến cáp quang biển. VNPT còn có tuyến cáp quang đất liền CSC kết nối từ Lạng Sơn đi Trung Quốc, là tuyến cáp có độ ổn định cao trong các hướng kết nối quốc tế nên được VNPT ưu tiên định tuyến cho những khách hàng có nhu cầu internet quốc tế cao.
Nhìn nhận chất lượng truy cập internet bị chậm khi cáp quang biển bị đứt, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, cho rằng, để đảm bảo chất lượng cho người dùng internet trong nước, phương án dễ thấy nhất là đặt dung lượng dự phòng lớn hơn so với nhu cầu thông thường. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước, xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước để giúp giảm ảnh hưởng khi cáp quang bị đứt.
Hạ tầng internet tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh, từng bước hoàn thiện nhưng so với nhiều nước trong khu vực vẫn ở mức thấp. Cụ thể, kết nối internet của Việt Nam ra quốc tế phụ thuộc vào 7 tuyến cáp quang biển.
Trong khi đó, Singapore có 30 tuyến cáp, Malaysia có 22 tuyến và Thái Lan có 10 tuyến. Theo một số nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) trong nước, hạ tầng hiện nay về lâu dài vẫn chưa đủ phục vụ cho các thuê bao. Khi có sự cố đứt cáp, một số nhà cung cấp dịch vụ gặp khó khăn vì không đủ hạ tầng ứng cứu, trong khi nhu cầu sử dụng của người dùng ngày càng cao, với mức tăng trung bình 30% mỗi năm, nên việc gia tăng số lượng cáp quang biển quốc tế là giải pháp cần thiết.
Ông Trần Cường, Giám đốc Công ty Truyền thông V.B, cho hay: “Những thời điểm cáp quang bị sự cố mà có hẹn kết nối, hội họp trực tuyến với khách hàng nước ngoài thì thực sự khó chịu, ảnh hưởng rõ ràng đến chất lượng công việc, thậm chí ảnh hưởng hợp đồng. Lúc đó mình có phàn nàn, khiếu nại nhà cung cấp dịch vụ internet cũng khó giải quyết thỏa đáng vì không thể cân, đo thuyết phục hai bên”. Cũng theo ông Cường, khi có sự cố đứt cáp quang biển, người dùng internet chịu thiệt, chỉ biết “kêu gào” với nhà cung cấp và đành chịu vì khó khiếu kiện các nhà cung cấp dịch vụ; thế nên trong các hợp đồng cung cấp interner cần có thêm điều khoản đền bù thiệt hại cho người dùng mới là thỏa đáng. |
BÁ TÂN - TRẦN LƯU