Đà Nẵng: 'Thành phố thông minh' với lĩnh vực môi trường

09/11/2021, 10:48

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng “thành phố thông minh” ở lĩnh vực môi trường, phát triển thành phố toàn diện mọi lĩnh vực.

Môi trường nước mặt TP.Đà Nẵng đang có các dấu hiệu bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do nước thải chưa được thu gom và xử lý triệt để, xả ra nguồn tiếp nhận (khu vực ô nhiễm tập trung chủ yếu tại các tuyến kênh hở và hồ điều tiết), một phần cũng do chưa kiểm soát chặt chẽ việc xả chất thải rắn ra môi trường. Môi trường nước ngầm cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm về chất lượng, đặc biệt là ô nhiễm Coliform.

Theo Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, trong lộ trình xây dựng “thành phố thông minh” ở lĩnh vực môi trường, TP hiện đã triển khai, kết nối hệ thống dữ liệu quan trắc của hơn 30 trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, khí thải của các đối tượng liên quan. Tất cả tích hợp về Nền tảng dịch vụ quan trắc môi trường của Sở TN&MT để theo dõi, giám sát tập trung, đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, để đồng hành cùng “thành phố thông minh”, một số doanh nghiệp đã sớm hưởng ứng lắp đặt các trạm quan trắc tự động thay cho quan trắc định kỳ thông thường, nhiều nhà máy lớn đã phát huy tính hiệu quả.

Thành phố Đà Nẵng với môi trường xanh và bầu không khí sạch. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2019, Trạm xử lý nước rỉ rác bãi rác Khánh Sơn (Q.Liên Chiểu) đã được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư 2 tỉ đồng, khi vận hành vào năm 2020 đã cho thấy tiến triển rõ rệt. Ông Hoàng Văn Tùng, đại diện Công ty CP Kỹ thuật Seen (đơn vị thiết kế thi công, quản lý vận hành trạm xử lý nước rỉ rác) cho biết trước đây việc kiểm soát chất lượng nước đầu ra rất khó. Khi người dân phản ánh kênh thoát nước có mùi, màu bất thường thì cơ quan chức năng mới lập đoàn kiểm tra; việc giám sát phải thực hiện định kỳ, lấy mẫu hàng tháng, liên tục, tốn kém chi phí nhưng hiệu quả không cao.

“Mức đầu tư 2 tỉ đồng không cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt, các dữ liệu chỉ số quan trắc về độ pH, COD, độ màu, amoniac, lưu lượng, nhiệt độ cùng hình ảnh xả thải được truyền về Trung tâm CNTT Sở TN&MT. Lãnh đạo sở cũng giám sát trực tiếp qua thiết bị di động, rất thuận tiện quản lý, nâng cao công tác bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Văn Tùng nói. Hệ thống quan trắc thông minh và camera giám sát còn giúp cơ quan chức năng loại trừ các nguồn xả thải khi xuất hiện dấu hiệu sự cố môi trường trên các kênh thoát nước, từ đó truy vết ô nhiễm hiệu quả.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thành phố thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỉ USD; Giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỉ USD; Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỉ lệ nội địa hóa tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Thành phố định hướng không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường, thâm dụng lao động, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo,…

Nguyễn Linh (T/h)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO