Đà Nẵng: Kết nối đồng bộ mạng lưới đô thị thông minh

04/09/2023, 11:15

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Để thực hiện mục tiêu, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó, xác định xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (Trung tâm IOC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị dự án thực hiện nghi thức cắt băng khai trương Trung tâm IOC Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đầu mối giám sát, thu thập thông tin, dữ liệu

Sau thời gian thí điểm triển khai theo dạng mini IOC và các trung tâm giám sát chuyên ngành gồm camera giao thông (OC giao thông) và camera an ninh (OC an ninh), giữa tháng 8-2023, thành phố chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm IOC (giai đoạn 1). Khác với nhiều địa phương trên cả nước, Đà Nẵng xây dựng Trung tâm IOC theo mô hình toàn diện, bao gồm: kế thừa dữ liệu số hiện có, trang bị công cụ phân tích tập trung (IOC cấp thành phố); các trung tâm điều hành quận, huyện (OC quận, huyện) và các trung tâm điều hành chuyên ngành (OC chuyên ngành), đáp ứng yêu cầu phân cấp, được phân quyền dùng chung, cung cấp thông tin, số liệu, cảnh báo để chỉ đạo, điều hành theo mô hình chính quyền đô thị.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm IOC thành phố có vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện; OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý Nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ triển khai chính quyền đô thị. IOC thành phố còn giúp phát hiện, cảnh báo sớm các vấn đề, sự kiện bất thường liên quan đến hoạt động của đô thị, thông báo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời; hỗ trợ làm trung tâm chỉ huy tập trung của thành phố trong xử lý các tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Được biết, Trung tâm IOC thu nhập, sử dụng dữ liệu từ 3 nhóm chính từ các hệ thống, ứng dụng chính quyền điện tử; hệ thống, ứng dụng quản lý đô thị thông minh và dữ liệu do doanh nghiệp, cộng đồng triển khai. Từ đó, thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, tiêu biểu như: xử lý góp ý, phản ánh; cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin trên môi trường mạng; quan trắc môi trường nước, không khí; số liệu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành trình xe cứu thương, cứu hỏa; thu gom, xả, xử lý nước thải; lượng mưa, ngập nước đô thị; hoạt động tàu cá trên biển; phân tích dữ liệu hệ thống camera, flycam phục vụ quản lý địa bàn và chuyên ngành…

Việc giám sát, cảnh báo, điều hành vừa theo hình thức biểu diễn trực quan trên biểu đồ (dashboard) vừa trên bản đồ số với thông tin hiện trường từ khoảng hơn 300 thiết bị cảm biến IoT. Giai đoạn 1, Trung tâm IOC có 15 nhóm dịch vụ gồm các nhóm chức năng về giám sát, điều hành và nhóm chức năng về phân tích, cảnh báo.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Giám sát, điều hành thông minh thành phố cho biết dữ liệu số từ Trung tâm IOC sẽ cung cấp thông tin cho lãnh đạo thành phố thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành; các cơ quan, sở, ban, ngành có thông tin, chia sẻ dữ liệu để chủ động trong công tác quản lý Nhà nước. Đối với người dân, ngoài thụ hưởng các nhóm dịch vụ đô thị thông minh do thành phố cung cấp; còn được trực tiếp sử dụng các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh trên ứng dụng Danang Smart City, kịp thời nhận được các thông báo khi có các tình huống xấu, khẩn cấp xảy ra trên địa bàn… góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và cộng đồng.

Con người, quy trình, công nghệ đóng vai trò quyết định

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho hay, Trung tâm IOC Đà Nẵng là trung tâm thứ 37 trên cả nước Viettel được giao trọng trách triển khai. Khác với những dự án trước, Trung tâm IOC Đà Nẵng là trung tâm giám sát, điều hành thông minh đầu tiên được triển khai trên mô hình toàn diện, với phạm vi quy mô lớn nhất. Đơn vị và chính quyền thành phố thống nhất triển khai đồng bộ ngay từ đầu 3 yếu tố là: con người, quy trình và công nghệ.

Thành phố đã phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể; xây dựng các quy chế làm việc, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin; đồng thời, truyền thông đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn để đồng lòng cùng chính quyền thành phố quyết tâm triển khai thành công hệ thống. Riêng với yếu tố công nghệ, Trung tâm IOC Đà Nẵng được áp dụng nhiều công nghệ 4.0 hiện đại để trở thành trung tâm phục vụ chỉ huy, điều hành tập trung, đa nhiệm của thành phố cũng như cung cấp các dịch vụ tiện ích thông minh cho người dân, doanh nghiệp.

Một số ứng dụng công nghệ điển hình như ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu camera phục vụ các bài toán quản lý trên địa bàn và chuyên ngành như cảnh báo mất an ninh trật tự, biểu tình, xả rác sai nơi quy định…; ứng dụng phân tích dữ liệu trong các toán thống kê, dự báo phục vụ ra quyết định; bước đầu hình thành công cụ nền tảng quản lý IoT với hơn 300 thiết bị cảm biến được tích hợp giúp thành phố có công cụ giám sát, điều hành đô thị và hỗ trợ người dân…

Là thành viên của Hội đồng tư vấn chuyển đổi số thành phố, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm IOC. Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số với các trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số. Đây là một trong những yếu tố giúp Đà Nẵng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và thực hiện hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, để Trung tâm IOC hoạt động hiệu quả, thành phố cần quan tâm đến 3 vấn đề quan trọng như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thành phố đầy đủ, tích hợp được các nguồn dữ liệu địa phương cũng như có khả năng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của quốc gia; cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong nền kinh tế số; cần tích hợp dữ liệu từ nhiều hoạt động khác trong toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố như hệ thống giao thông, điện lực, viễn thông… để thông tin được cập nhập đầy đủ, toàn diện, từ đó giúp cho việc điều hành được hiệu quả hơn.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO