Nghề xu hướng của thế giới
Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, công nghiệp 4.0 là một "nghề của tương lai", hiện đang là xu hướng và chắc chắn sẽ rất nóng trong thời gian tới.
Thí sinh Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 tham gia thi nghề công nghiệp 4.0 tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 Trọng tín |
Ông Trường chia sẻ: "Đây là một nghề chưa có trong danh mục đào tạo, và cũng chưa có quốc gia nào đưa vào trong các kỳ thi kỹ năng nghề. Năm nay, Việt Nam lần đầu tiên và cũng là quốc gia đầu tiên tổ chức thi kỹ năng nghề với nghề này nhằm đón đầu xu hướng. Đây là bước chuẩn bị cho kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới được tổ chức vào năm 2022, cũng là năm đầu tiên kỳ thi này đưa công nghiệp 4.0 vào danh sách các nghề để thí sinh tranh tài".
Tiến sĩ Trường cho biết, công nghiệp 4.0 là nghề kết nối, điều khiển, lập trình các dữ liệu nhằm xử lý, giải quyết nhiều vấn đề trong các lĩnh vực để đạt được hiệu quả, năng suất công việc tốt nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. "Người giỏi nghề phải nắm vững các kiến thức về tự động hoá, cơ điện tử, cơ khí, điện tử công nghiệp và công nghệ thông tin. Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên băng thông rộng và dữ liệu lớn. Nghề công nghiệp 4.0 sẽ giúp chúng ta khai thác nguồn dữ liệu đó để phục vụ công cuộc sản xuất, phục vụ cuộc sống", ông Trường nhận định.
Sẽ đưa vào đào tạo tại các trường nghề
Được biết, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia diễn ra từ ngày 2-12.12, nghề công nghiệp 4.0 là một trong những nghề được tổ chức thi trực tuyến và có 10 thí sinh của 5 đội trên toàn quốc tham gia.
Tiến sĩ Trường cũng cho rằng, không chỉ công nghiệp 4.0 mà nhiều nghề khác như ứng dụng điện thoại di động và điện toán đám mây ... chưa được đào tạo trong các cơ sở giáo dục. "Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến khích các trường xây dựng chương trình và đưa các nghề này vào đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thực tế", ông Trường thông tin thêm.
Là đại diện của một doanh nghiệp được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hợp tác để tổ chức thi nghề công nghiệp 4.0, ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo Việt Nam, nhìn nhận: "Nếu nghề này được đưa vào đào tạo thì sau khi học xong, các em có thể làm những công việc như lập trình, thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động tại các nhà máy, công ty, tập đoàn lớn.
Những công ty này có công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại nhất theo công nghệ của cách mạng 4.0, IoT (vạn vật kết nối) và IIoT (vạn vận kết nối trong công nghiệp sản xuất)… Đây là các công nghệ mang tính kết nối internet cao từ đưa lên dữ liệu lớn, số hoá, điện toán đám mây cho đến các kỹ thuật trong an ninh mạng, giúp người lao động thích ứng với xu hướng phát triển nhanh của công nghệ mới".
Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng ngay với sinh viên tốt nghiệp nghề công nghiệp 4.0 vì sinh viên nghề này chắc chắn có tư duy liên ngành rất tốt và làm được rất nhiều việc.