Mới đây, ông Đỗ Đình Hạ (SN 1954) ở thôn Kèn, xã Phương Sơn (Lục Nam) đến bộ phận một cửa của Công an xã để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú cho người nhà. Ngay khi đến đây ông đã ấn tượng và có thiện cảm với căn phòng tuy nhỏ song được bài trí gọn gàng, danh sách mã QR niêm yết thủ tục hành chính (TTHC) công khai.
Cán bộ Công an xã Phương Sơn (Lục Nam) hướng dẫn công dân giải quyết TTHC. |
Ông Hạ được Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng Công an xã - cán bộ trực tiếp dân đón tiếp và hướng dẫn tận tình. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thủ tục của ông Hạ đã xong. Được biết, Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng là một trong các cán bộ trẻ thành thạo tin học văn phòng, được lãnh đạo giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC từ tháng 3 đến nay.
Mỗi ngày bộ phận một cửa của Công an xã đón tiếp hàng chục công dân đến giải quyết TTHC. Dù lực lượng mỏng lại phải bảo đảm thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc nhưng để nâng cao chất lượng phục vụ, Công an xã cắt cử 2 đồng chí trực vào giờ hành chính từ thứ Hai đến thứ Bảy. Công dân đến, các anh cố gắng tiếp nhận và giải quyết trong ngày, có trường hợp rút ngắn 1/2 thời gian; hướng dẫn tận tình.
Thiếu tá Giáp Minh Thành, Trưởng Công an xã thông tin: “Khi triển khai xây dựng mô hình, lãnh đạo Công an huyện đã làm việc với Đảng ủy, UBND xã. Công an xã được địa phương tạo điều kiện hỗ trợ trang bị bàn ghế, trang trí khánh tiết. Cán bộ của đơn vị cũng vận động nguồn xã hội hóa trang bị thêm điều hòa, hệ thống phát wifi miễn phí phục vụ công dân tra cứu xây dựng mô hình CCHC. Tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng”.
Tại Lục Nam, Công an huyện chọn Công an thị trấn Đồi Ngô và Công an xã Phương Sơn làm điểm thực hiện mô hình CCHC. Dù là mô hình mới song chỉ huy, cán bộ các đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và vận động nguồn lực xã hội hóa. Nhờ đó, bộ phận một cửa được bố trí khang trang, tạo thiện cảm cho công dân, tổ chức.
Được biết tại bộ phận một cửa các đơn vị, cán bộ làm nhiệm vụ ở đây đều là những người có năng lực, thành thạo tin học văn phòng.
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh chia sẻ: "Mô hình CCHC ở công an cấp xã bản chất là tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền theo cơ chế một cửa tại cơ sở, góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, thống nhất trong lực lượng về công tác CCHC. Mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững vàng về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đẩy mạnh kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử".
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu lọt tốp 10 toàn quốc về CCHC, phòng chuyên môn đã tham mưu Ban Giám đốc chọn 25 đơn vị công an các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình CCHC. Trong đó, TP Bắc Giang thực hiện ở 3 đơn vị; huyện Việt Yên thực hiện tại 5 đơn vị; 8 huyện còn lại mỗi huyện 2 đơn vị. Tại đây, cán bộ tiếp nhận, giải quyết hàng chục thủ tục liên quan đến các lĩnh vực: Xuất, nhập cảnh; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; khiếu nại, tố cáo; phòng cháy, chữa cháy; đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân.
Những TTHC được niêm yết công khai, nội dung tiếp nhận, phản ánh, tuyên truyền trên trang zalo, fanpage của đơn vị. Thực hiện giải quyết TTHC rút ngắn thời gian trả kết quả, có sổ sách theo dõi, thống kê với phương châm "4 xin, 4 luôn, 5 không".
Cuối tháng 6/2022, sau khi thẩm định, đánh giá, Công an tỉnh sẽ công nhận các đơn vị có kết quả tốt; đồng thời rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng tới 100% công an cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. |
Thời gian đầu đưa mô hình vào thí điểm có một số khó khăn. Do chưa có trụ sở riêng biệt nên ở một số địa phương, mặt bằng bộ phận một cửa của công an xã, thị trấn còn chật hẹp, thiếu trang thiết bị. Kinh phí cho công tác CCHC chưa được bố trí; trình độ chuyên môn của cán bộ ở một số nơi chưa đồng đều.
Để mô hình CCHC tại công an xã, thị trấn đạt hiệu quả, ngày 9/3/2022, Công an tỉnh ban hành hướng dẫn nội dung xây dựng trong đó nêu 10 tiêu chí, đơn cử như về hồ sơ CCHC, cơ sở vật chất, trang thiết bị; công tác chỉ đạo của Trưởng Công an xã, tổ chức tiếp dân, đánh giá của cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt có tiêu chí thước đo sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với tinh thần phục vụ của cán bộ, chiến sĩ và chất lượng giải quyết TTHC.
Căn cứ vào những tiêu chí này, các phòng, đội nghiệp vụ sẽ kịp thời tháo gỡ khúc mắc trong quá trình thực hiện. Trước mắt về kinh phí, công an các xã, thị trấn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo công an huyện để có nguồn hỗ trợ; tích cực vận động xã hội hóa thực hiện mô hình. Đến nay, một số đơn vị địa phương có kết quả bước đầu đáng ghi nhận như: Công an xã Phương Sơn (Lục Nam), Công an thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Công an phường Trần Phú (TP Bắc Giang)…
Trung tá Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm, dù mới thực hiện song mô hình này đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân, tổ chức cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương. Công an một số tỉnh, TP như: Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng hay Phú Yên, Bình Định… cũng liên hệ học hỏi kinh nghiệm triển khai mô hình CCHC ở công an các xã, thị trấn.
Bài, ảnh: Tuyết Mai