Theo The Star, ngày càng có nhiều đội bóng lớn tung ra tiền mã hóa của riêng mình, gọi là "fan token", cho phép người hâm mộ ủng hộ CLB bằng cách đầu tư vào đây. Làn sóng này diễn ra khi các CLB đối mặt với những khó khăn tài chính do sụt giảm doanh thu khi Covid-19 hoành hành.
Trong số các CLB tung ra tiền mã hóa có Manchester City, AC Milan, Barcelona, AS Roma, Atletico Madrid, Juventus... Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đại diện tuyển Tây Ban Nha cho biết đang có kế hoạch tung ra tiền mã hóa riêng. Argentina đã có mã tiền số cho riêng mình từ tuần trước.
Malcolm Clarke, Chủ tịch Hiệp hội những người ủng hộ bóng đá, đại diện cho người hâm mộ ở Anh và xứ Wales, cho biết các CLB đang cố gắng kiếm tiền từ người hâm mộ bằng cách cho phép họ đầu tư vào tiền mã hóa. Tuy nhiên, ông cho rằng cách làm này là không cần thiết và "không đẹp mắt".
Các đội bóng đá thường hợp tác với một công ty công nghệ về tiền điện tử để phát hành token mới, sau đó nhận được một phần doanh thu từ lần bán hàng đầu tiên khi niêm yết trên sàn giao dịch. Giá cả khác nhau, nhưng mức giá thường vào khoảng 2 USD mỗi đồng khi được niêm yết.
Tại châu Âu, các CLB chủ yếu hợp tác với Chiliz, một đơn vị của Mediarex Enterprises có trụ sở tại Malta. Trong khi đó, đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha và Rangers (Scotland) hợp tác với nền tảng blockchain của Thổ Nhĩ Kỳ. Borussia Dortmund của Đức đang làm việc với hai công ty khởi nghiệp về tiền số khác.
Theo Alexandre Dreyfus - CEO của Chiliz và từng là CEO một hãng cá cược trực tuyến - cho biết công ty của ông đã trả một khoản phí cho câu lạc bộ và chia sẻ doanh thu từ việc bán token đầu tiên lên sàn tiền mã hóa. "Mục tiêu của chúng tôi là đạt doanh thu 200 triệu USD trong 2021, một nửa sẽ chia cho các CLB đối tác", Dreyfus nói.
Cũng theo Dreyfus, Chiliz tặng một số token cho những người hâm mộ "khó tính", chẳng hạn người mua vé suốt cả mùa giải. Những người này cũng sẽ được ưu tiên khi phát hành các mã tiền mới.
Hiện tại, Chiliz đã phát hành mã tiền ảo cho 21 CLB hàng đầu, với tổng vốn hóa khoảng 260 triệu USD tính đến 13/6. Con số này tăng 2/3 so với 2020 nhưng giảm một nửa so với tháng 5 - khi thị trường tiền số lên mức đỉnh.
Gắn kết người hâm mộ
Đại diện các CLB cho biết, các mã tiền ảo của họ đang giúp tăng cường sự tương tác với những người hâm mộ trên thế giới. Một số mã còn được dùng để thực hiện các chương trình khuyến mãi và cuộc thi.
Theo phát ngôn viên của AC Milan, việc phát hành tiền số là chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện của CLB trên môi trường Internet và giúp họ "ở gần hơn" với 500 triệu người hâm mộ trên toàn cầu. Giorgio Ricci, đại diện Juventus, cho rằng tiền số như một cách để tương tác với người hâm mộ trong thời gian giãn cách, đồng thời đánh giá nó "có lợi cho cả CLB lẫn người hâm mộ".
Katia Gigliotti, một người hâm mộ CLB AS Roma, cho biết ban đầu cô do dự về việc đầu tư vào mã tiền của CLB mình yêu thích, nhưng sau đó đã quyết định chi. Cô đánh giá cao sự tương tác của đội bóng với những người hâm mộ trong thời gian giãn cách xã hội thông qua môi trường tiền điện tử.
"Việc không thể đến xem các trận đấu yêu thích là tổn thương của những người như chúng tôi. Nó cũng khiến các CLB gặp khó khăn. Tiền điện tử là cách để chúng tôi tiếp tục ủng hộ đội bóng mình yêu thích", Gigliotti nói.
"Tôi có cảm giác mình tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của CLB và điều đó làm tôi hạnh phúc", Giuseppe Bognanni, Giám đốc bán lẻ 39 tuổi và là người hâm mộ Juventus, nói với Reuters.
Dù vậy, không phải CLB nào cũng muốn phát hành mã tiền số cho riêng mình. "Tại sao bạn phải chi tiền cho những thứ không có thật với mức giá không hề rẻ. Nó làm tăng thêm chi phí khi hâm mộ một đội bóng nào đó", Sue Watson, người đứng đầu nhóm người hâm mộ CLB West Ham United, nêu quan điểm. Năm ngoái, West Ham United đã có ý tưởng tung token riêng với Chiliz nhưng không thành hiện thực.
Borussia Dortmund đã phải đối mặt với sự phản đối của những người hâm mộ. CLB của Đức đã có kế hoạch tung ra tiền số hồi tháng 3, nhưng dự án chưa trình làng cho đến nay.
Giá biến động mạnh khi diễn ra Euro 2021
Trước khi giải vô địch bóng đá châu Âu khởi tranh hôm 11/6, một loạt mã tiền số của các CLB tăng mạnh từ 20 đến 50%. Trong đó, Barcelona tăng 20%, AS Roma là 50%, Atletico Madrid với 42% hay Juventus với 25%...
Tuy vậy, đà tăng bị "thổi bay" chỉ sau một ngày, khi Bitcoin xuống dưới mốc 35.000 USD. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy chúng vẫn bị tác động lớn của đồng Bitcoin, tương tự các altcoin khác.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, khi Euro 2021 cũng như giải đấu khác - Copa America 2021 tại Nam Mỹ bước vào vòng loại trực tiếp (knock-out), giá tiền số của các CLB sẽ biến động mạnh. Sự biến động này sẽ tùy thuộc vào thành tích của các cầu thủ ở CLB đang tham gia đội tuyển quốc gia.
Ngoài ra, trong tương lai, mức tăng/giảm của tiền số theo hệ bóng đá cũng tùy thuộc vào thành tích của các CLB.
Bảo Lâm tổng hợp