“Cơn lốc” mạng xã hội và giới trẻ Việt trong thời kỳ chuyển đổi số

04/01/2022, 10:32

Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và Internet.

Trẻ em ngày nay được bao quanh bởi công nghệ kỹ thuật số ngay từ khi chúng mới sinh ra. Cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày của chúng đều bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và Internet. Nhiều đứa trẻ bắt đầu tương tác với công nghệ kỹ thuật số ngay từ khi còn là những đứa trẻ mới biết đi, thậm chí với không ít trường hợp còn là sớm hơn, và cuộc sống trưởng thành của chúng chắc chắn sẽ được gắn kết chặt chẽ và mật thiết với công nghệ kỹ thuật số.

Theo điều tra sơ bộ của UNICEF, cứ 3 người dùng Internet thì có 1 người dưới 18 tuổi và 71% người từ 15-24 tuổi đang trực tuyến, cho thấy nhóm tuổi này được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ tiếp cận số hóa chưa từng có, ngay cả ở các khu vực vùng sâu vùng xa…

Dịch Covid-19 khiến thời gian, cường độ và mức độ tiếp xúc với mạng xã hội, Internet của giới trẻ càng nhiều.

Thói quen dùng mạng xã hội

Chỉ trong vài năm gần đây, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok… đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc mang đến tác động không nhỏ đến cuộc sống thực.

Theo bà Phương Hoài Nga, chuyên gia tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên, người trẻ Việt dùng mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ, với gần như mọi hoạt động, hành vi ứng xử hay thông tin đều được người dùng đăng tải lên đó. Có thể nói, hiện nay, thay vì hỏi số điện thoại của nhau, chúng ta sẽ nhận được câu hỏi “Zalo/Facebook của bạn là gì?”.

Thêm nữa, theo thống kê của Google cho thấy hiện 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng đã khiến thị trường trực tuyến thực sự trở thành một “mảnh đất màu mỡ” cho các bạn trẻ thoả sức “vẫy vùng”.

Bên cạnh đó, hàng loạt các “nghề” hot được ra đời trên nền tảng số, mạng xã hội như KOL, gamer, streamer (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến)…

Theo bà Nga, đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là GenZ (những đứa trẻ sinh ra từ năm 1997, thời kỳ Internet bắt đầu vào Việt Nam đến nay), Internet, mạng xã hội, game… là cuộc sống “thực” tương tự như cuộc sống vật lý đối với con người.

Đây là thế hệ sinh ra trong thời kỳ “bùng nổ” Internet, thông tin và cũng đúng lứa tuổi con người có khả năng thích ứng, học hỏi cao, do đó tư duy phản biện của thế hệ này rất mạnh mẽ so với bất kỳ thế hệ nào khác trước đây hay bất kỳ giai đoạn tuổi nào khác. Phải ghi nhận một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như hoạt động chính trị, biến đổi khí hậu…

“Điều này rất khác so với thế hệ trước khi giới trẻ quan tâm đến những vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu chứ không chỉ quan tâm đến những vấn đề mang tính chất nơi cư trú địa phương của mình”, bà Phương nhận định.

Mạng xã hội và công nghệ số được một số người trẻ tận dụng tốt trong việc nói lên "tiếng nói" của mình

Giới trẻ có ý thức rõ ràng và lớn hơn về “tiếng nói” của mình

Mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” rất khác của GenZ trong thời đại số hóa, bao gồm giới trẻ Việt. Thời gian qua có 2 hoạt động của giới trẻ trên mạng xã hội đã gây không ít “sóng gió” cho các nhãn hàng và buộc các nhãn hàng này phải lên tiếng công khai xin lỗi.

“Trong chiến dịch quảng cáo “Chuyến đi của thanh xuân” của BitisHunter, nhãn hàng đã phun sơn vào giày để lại dấu chân trên thân cây, bậc đá… với ý tưởng dấu chân của tuổi trẻ. Giới trẻ Việt đã phản ứng rất mạnh với quảng cáo này. Họ bày tỏ quan điểm tuổi trẻ Việt có thể phá cách, điên rồ… nhưng không phá hoại môi trường. Đồng thời phát động phong trào tẩy chay sản phẩm, tẩy chay nhãn hàng đến mức họ phải lên tiếng xin lỗi”, bà Nga nói.

Năm 2021, hãng thời trang H&M cũng phải đứng trước làn sóng tẩy chay không chỉ ở riêng Việt Nam mà của giới trẻ nhiều quốc gia liên quan đến đường lưỡi bò xuất hiện trên trang phục của hãng. Trên hàng loạt các diễn đàn, giới trẻ Việt đã bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ.

“Thà mặc trên người cả cây Made in Đồng Xuân còn hơn bỏ tiền ra mua bộ chính hãng nhưng không tôn trọng chủ quyền đất nước” là một trong số những phong trào của giới trẻ Việt năm qua.

“GenZ có ý thức rất lớn về “tiếng nói” của mình, bằng chứng là giới trẻ có riêng một kênh Đài Tiếng nói GenZ trên mạng xã hội Facebook và Tiktok để thể hiện quan điểm của mình. Giới trẻ đã quan tâm đến chính trị, chủ quyền, toàn cầu… và chúng trở thành luận điểm của giới trẻ khi họ đưa ra một quyết định nào đó. Tất cả điều này là do khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội, sự phát triển thần tốc của internet”, bà Nga nhấn mạnh.

Việc được đi học trực tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô sẽ giúp trẻ có sức khỏe thể chất và tâm thần tích cực hơn.

Dịch Covid-19 và sức khỏe tâm thần của giới trẻ

Trong báo cáo Tình hình trẻ em năm 2021, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, cùng với những cơ hội đáng kể mà thời đại kỹ thuật số mang lại, là một loạt rủi ro và tác hại khác nhau. Dịch Covid-19 cũng khiến gia tăng thời gian giới trẻ sử dụng công nghệ kỹ thuật số và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động thể chất và sức khỏe tâm thần của người trẻ.

Bằng chứng cho thấy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở mức độ vừa phải có thể có lợi cho sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, trong khi việc sử dụng quá nhiều có thể gây bất lợi. Những tiến bộ kỹ thuật số còn khiến nạn bắt nạt không còn ở cổng trường nữa; đe doạ trực tuyến là một phương pháp mới để những kẻ bắt nạt làm tổn thương và làm nhục nạn nhân của họ chỉ bằng một nút bấm… Những vấn đề này gây rối loạn tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe, việc học tập của những người trẻ.

Theo ước tính, hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần được chẩn đoán theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó, 86 triệu em thuộc nhóm 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi.

“Sức khỏe tâm thần thường gặp phải kỳ thị và hiểu lầm nghiêm trọng, trong khi trên thực tế, đây là một trạng thái sức khỏe tích cực và là nền tảng để trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng tương lai. Song, tương tự như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần cần phải được luyện tập, bồi dưỡng, định hướng phát triển tích cực. Điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ môi trường gia đình, môi trường tương tác trực tiếp xung quanh người trẻ”, đại diện Unicef bày tỏ.

Tại Việt Nam, những nỗ lực phòng chống dịch của chính phủ đã đưa lại những kết quả khả quan, và Việt Nam đã bắt đầu vào cuộc sống bình thường mới. Việc được đi học trực tiếp, tiếp xúc với bạn bè, tương tác với thầy cô… có thể giúp giới trẻ giảm bớt thời gian sống trong môi trường “ảo”. Cùng với đó, sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên có thể được cải thiện tốt hơn./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO