Nằm trong chuỗi tọa đàm trực tuyến Chỉ Dẫn Đỏ do báo điện tử Dân trí kết hợp cùng thương hiệu giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express tổ chức, số phát sóng đầu tiên mang chủ đề "Chuyển phát nhanh - Thành bại của bán hàng online" đã diễn ra hôm 20/4. Chương trình được đồng hành bởi 2 khách mời: Ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc AccessTrade và ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam.
Covid-19 - Cú huých cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Mở đầu chương trình, các chuyên gia đã cùng nhìn lại về bức tranh của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh tại Việt Nam trong 2 năm qua, cũng như đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường. Mặc dù các yêu cầu về giãn cách xã hội khiến việc mua hàng và giao hàng trở nên khó khăn hơn, nhưng thương mại điện tử đã có sự phát triển bùng nổ trong 2 năm qua.
Xét ở góc độ tích cực, ông Đỗ Hữu Hưng cho rằng, Covid-19 giống như cú huých thúc đẩy nhu cầu thị trường cũng như sự đầu tư của các doanh nghiệp. Nếu trước đây, bán hàng online là lựa chọn của các doanh nghiệp nhỏ, những người kinh doanh tự phát; thì hiện nay, các doanh nghiệp rất lớn đến các đơn vị bán hàng qua kênh B2B cũng phát triển bán hàng qua website, app hoặc mở tài khoản trên các sàn thương mại điện tử.
"Covid-19 trở thành cú huých để người tiêu dùng buộc phải chấp nhận mua hàng online. Trong bối cảnh không ai đi đâu được, các shipper trở thành những "người hùng" mang hàng hóa, dịch vụ đến những nơi có nhu cầu. Tôi nghĩ, hình ảnh người shipper giai đoạn vừa qua rất đẹp và những doanh nghiệp như J&T Express đã thúc đẩy, giải quyết được rất nhiều vấn đề của xã hội", ông Hưng đánh giá.
Thực tế, số liệu của Bộ Công thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu so sánh với tổng bán lẻ Việt Nam năm 2021 vào khoảng 216 tỷ USD, thì bán hàng qua kênh điện tử chỉ mới chiếm đâu đó khoảng 6-7%. Trong khi ở Trung Quốc, doanh thu thương mại điện tử vào khoảng 2.200 USD/năm, chiếm đến 20% tổng bán lẻ.
Trong báo cáo của mình, Google, Temasek và Bain & Co cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" về thương mại điện tử tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD. Theo ông Hưng, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam rất lớn.
Trong quá trình tăng trưởng, thương mại điện tử kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực liên quan, như thanh toán điện tử, các doanh nghiệp hỗ trợ và đặc biệt là chuyển phát nhanh. Từ chỗ giao nhận hàng qua bưu cục, người mua và người bán online ngày nay đều đã quen với hình thức giao nhận tại nhà - "door to door". Ngày càng nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực chuyển phát, đầu tư các trung tâm phân phối quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí giao hàng.
Ông Phan Bình nhớ lại, giai đoạn J&T Express mới vào Việt Nam khoảng 2018-2019, thị trường bán hàng online vẫn chưa phổ biến lắm. Khi nghĩ đến chuyện kinh doanh, người ta thường ưu tiên xây dựng những cửa hàng to đẹp với biển hiệu hoành tráng để thu hút khách hàng. J&T Express cảm thấy khoản đầu tư đó quá nặng nề và mong muốn góp phần hỗ trợ người bán.
Với khẩu hiệu "Express your online business", J&T Express mang lại những giải pháp phục vụ người kinh doanh online một cách hiệu quả và tốt nhất có thể. Các chủ shop không cần phải có cửa hàng hoành tráng mà chỉ cần tập trung đầu tư cho sản phẩm và bán hàng, đơn vị sẽ cung ứng dịch vụ để đưa những hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng. Thông qua J&T Express, các chủ shop có thể lựa chọn sử dụng các dịch vụ nhanh, tiết kiệm hoặc an toàn phù hợp với trải nghiệm mà họ muốn đem lại cho người tiêu dùng. Thông qua J&T Express, họ cũng có thể làm quen với các bạn hàng trên Shopee, Lazada, Tiki…
"Với những khách hàng chưa quen với việc đối soát chi phí, chúng tôi có hệ thống app hoặc website để khách hàng có thể kiểm tra chi phí của mình. Với những doanh nghiệp không biết cách đóng gói, phân loại hàng hóa với số lượng lớn, chúng tôi có sẵn đội ngũ hỗ trợ và cung cấp từ túi giấy, bao bì đến băng keo… Doanh nghiệp không cần đau đầu lo vấn đề là phải trang hoàng cửa hàng to đẹp thế nào, sợ shipper đến trễ, mất hàng hóa... Các bạn chỉ cần chuẩn bị hàng hóa chất lượng và bán hàng thật tốt. Chúng tôi sẵn sàng đem dịch vụ đã có với đội ngũ 25.000 shipper cũng như cộng tác viên, với hơn 1.900 bưu cục và điểm tiếp nhận trên khắp cả nước để hỗ trợ tốt nhất cho bạn", ông Bình khẳng định.
Động lực tăng trưởng giai đoạn mới
Với đà phát triển như hiện tại, đại diện AccessTrade cho rằng, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã bước qua giai đoạn trưởng thành, không còn ở mức sơ khai như những năm trước.
Ông Hưng đánh giá, các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển vượt qua Thái Lan, chỉ đứng sau Indonesia ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là ngành này đã đạt mức tăng trưởng tối đa. Chẳng hạn như chuyển phát nhanh, một trong những mắt xích của thương mại điện tử, ông Hưng cho rằng ngành này vẫn còn tiềm năng bứt tốc trong ít nhất là 10-20 năm nữa. Trong đó, có 2 yếu tố mà các doanh nghiệp có thể cải thiện để thúc đẩy tăng trưởng:
Thứ nhất là giao hàng nhanh hơn nữa. Người dùng hiện nay mong muốn được trải nghiệm sản phẩm tức thì, giống như cách họ mua hàng qua kênh truyền thống. Nếu các đơn vị chuyển phát nhanh có thể giải quyết được vấn đề này, ông tin rằng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ tăng lên.
Thứ hai là giảm chi phí. Theo ông Hưng, với đơn hàng trung bình 250.000 đồng, chi phí giao nhận vẫn chiếm 20%, nếu giao ngoại tỉnh thì khoảng 40.000 - 50.000 đồng phí trên một đơn hàng. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp bán hàng cũng như người mua rất dè dặt. Trừ khi có hỗ trợ "free ship" - từ khóa thần thánh trong bán hàng, người dùng sẽ hài lòng, doanh nghiệp cũng sẵn sàng hưởng ứng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp chuyển phát như J&T Express nên liên kết với các đơn vị thanh toán, đơn vị hỗ trợ bán hàng… tạo thành gói dịch vụ hỗ trợ cho người kinh doanh online. Vì doanh nghiệp chỉ muốn "one-stop-shop" - một giải pháp, không phải ra quyết định nhiều lần. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chịu khó tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, người kinh doanh cá thể... Ông đánh giá, công cụ hỗ trợ kinh doanh online tại Việt Nam không thiếu nhưng rất nhiều đơn vị không biết cách tận dụng hiệu quả.
"Khi các doanh nghiệp làm được điều đó, tôi trông chờ hàng nghìn nông trại ở nông thôn cũng có thể tham gia thương mại điện tử, theo mô hình từ nông trại đến người tiêu dùng (farm to customer). Đến khi nào, Việt Nam thật sự có thể phát triển farm to customer, khi đó nền kinh tế mới thật sự chuyển đổi thành kinh tế số, tạo ra giá trị như chúng ta dự đoán là 56 tỷ USD", ông Hưng kỳ vọng.
Còn theo đại diện J&T Express, ngay từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, đơn vị này đã không mong cầu tạo ra sản phẩm gì đó quá "đao to búa lớn", không cần thiết. Thay vào đó, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dịch vụ mà mọi người đã biết và hoàn thiện nó ở các khâu quan trọng như rút ngắn thời gian giao hàng và tối giản chi phí. Theo đó, đơn vị đầu tư cho các trung tâm phân phối, ứng dụng công nghệ hiện đại để phân loại hàng hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, đào tạo nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ của shipper…
J&T luôn đặc biệt chú trọng trải nghiệm của khách hàng và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phù hợp với những nhu cầu cần thiết của khách hàng. Những khách hàng bán các sản phẩm bình dân có thể chọn gói dịch vụ tiêu chuẩn với chi phí tiết kiệm và thời gian giao hàng theo tiêu chuẩn. Khách hàng cần giao hàng nhanh và an toàn, có thể chọn gói dịch vụ J&T Super là dịch vụ giao hàng hỏa tốc và bảo mật.
"Khi cung - cầu đưa ra rõ ràng như vậy, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn với chính sản phẩm, dịch vụ của mình để mang lại một mô hình tăng trưởng bền vững và an toàn, cũng như những tiện ích tốt nhất cho khách hàng", ông Bình nói thêm.
Song song đó, COD (thanh toán khi nhận hàng) tại Việt Nam hiện nay khá lớn, chiếm khoảng 70% lượng giao nhận hàng ngày, có thời điểm 100% đơn hàng đều là COD. Nên việc thanh toán, tất toán cũng tạo ra vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Cùng với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, J&T Express cũng xây dựng app đối soát để người bán có thể kiểm tra được hiện tại đã giao bao nhiêu đơn hàng, khi nào nhận được tiền trả về… Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên tri ân khách hàng thân thuộc bằng những chương trình khuyến mãi như Red Tuesday, Double Day… được khách hàng đón nhận rất tích cực.
"Chúng tôi tự tin với dịch vụ "door to door" của mình, khách hàng dần quen với việc đúng giờ đó sẽ có shipper đến nhận hàng. Họ chỉ cần quan tâm đến vấn đề đầu tư tốt nhất cho sản phẩm của mình. Khi đã có chúng tôi mang sản phẩm đến cho người mua bằng tất cả sự tận tâm và chu đáo, người bán sẽ có thời gian chăm chút cho sản phẩm của mình. Với những trải nghiệm tuyệt vời như vậy, chúng tôi tin có thể ghi điểm với khách hàng", ông Bình nhấn mạnh.
Chuỗi tọa đàm Chỉ Dẫn Đỏ là chương trình do thương hiệu J&T Express - Giao hàng chuyển phát nhanh phối hợp cùng báo điện tử Dân trí thực hiện. Với 4 kỳ phát sóng liên tục, chương trình sẽ mang đến cái nhìn cặn kẽ và chính xác về những thay đổi, cải tiến của ngành kinh doanh trực tuyến và chuyển phát nhanh. Từ đó, mang xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.